VinaPhone, Viettel: "Chúng tôi không bị lừa!”

VinaPhone, Viettel: "Chúng tôi không bị lừa!” ảnh 1

MobiFone cho rằng Apple là nhà bán thiết bị đầu cuối vào loại “rắn mặt” nên đã cản trở mạng này phân phối iPhone tại Việt Nam.

Trong 10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2010 do CLB Nhà báo CNTT và TT bình chọn có sự kiện VinaPhone và Viettel phân phối iPhone đã có nhiều phản ứng khác nhau. Hơn 30 phóng viên thành viên CLB Nhà báo CNTT và TT đến từ 30 cơ quan báo chí đã thống nhất bỏ phiếu sự kiện này ở mức tương đối cao là 321 điểm và đứng thứ 5 trong top 10 sự kiện ICT năm 2010.

Trước bình chọn này, ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Quan hệ công chúng của VNPT cho rằng đó không phải là... bị lừa. Thực tế, VinaPhone và Viettel đưa iPhone vào Việt Nam là rất hay, nếu không thì ở Việt Nam toàn là các thiết bị nhập lậu, xách tay hoặc thiết bị không chính thức.

“Về giá cả thì các nhà mạng phải tính toán để khai thác có lợi nhất. Chính sách bán hàng của các mạng là tùy vào các nhà mạng. Việc có bù giá thua lỗ là không đúng. Bên cạnh đó, vấn đề phân phối “nhỏ giọt” là không phả vì đây là do chính sách, nhu cầu, khả năng cung ứng của Apple. Vừa rồi, VinaPhone cũng đã nhập trên 5.000 chiếc và nhu cầu khách hàng vẫn rất lớn. Nếu sập bẫy thì phải dừng ngay. Chúng tôi đảm bảo làm sao không lỗ vừa đảm bảo chi trả cho đối tác vừa đảm bảo lợi nhuận cho chính bản thân mình” ông Việt nói.

Ông Việt còn cho rằng, có ý kiến cho rằng việc MobiFone bị phạt là không đúng, vì trong VNPT nếu đã có VinaPhone làm rồi thì MobiFone cũng không nhất thiết phải làm, vì điều này tránh được cạnh tranh.

Cũng như ý kiến của VNPT, Viettel cho biết, không có chuyện bù giá iPhone, bởi hiện nay mỗi chiếc iPhone bán ra thì nhà mạng lãi 5%/chiếc. “Vấn đề đáng bàn là các gói trước trả sau. Nếu những người dùng mà hết 1,2 triệu/tháng thì xem như họ không phải trả giá tiền điện thoại. Vì tháng nào họ cũng phải trả cước. Còn ở Mỹ, họ phải chịu giá cao hơn. Như vậy là có lợi cho người sử dụng” đại diện Viettel nói.

Phía VinaPhone cũng đã phát thông cáo báo chí rằng sự kiện “Các đại gia di động ‘sập bẫy’ quả táo khuyết” kèm theo các nhận định chưa đúng với thực tế kinh doanh iPhone chính hãng tại Việt Nam. VinaPhone khẳng định việc phân phối sản phẩm máy iPhone chính hãng tại Việt nam mang lại cho VinaPhone lợi ích kinh doanh đa dạng (thuê bao, doanh thu, thương hiệu, lợi nhuận…) và là một lợi thế cạnh tranh quan trọng. Việc trở thành nhà phân phối chính thức các sản phẩm của Apple tại Việt Nam là một quyết định hoàn toàn đúng đắn và có tính chiến lược.

“VinaPhone tự hào mang về cho thị trường Việt Nam một sản phẩm công nghệ cao cấp nổi tiếng thế giới từ chính hãng với chất lượng tốt, giá hợp lý, các gói cước ưu đãi và chế độ bảo hành chính hãng. Ngoài iPhone 3GS và iPhone 4, VinaPhone có quyền phân phối các dòng máy iPhone khác trong tương lai và dự kiến có thể phân phối thêm các sản phẩm nổi tiếng khác của Apple. Không đủ máy iPhone 4 để đáp ứng nhu cầu của thị trường là thực tế diễn ra trên toàn thế giới. VinaPhone đang đàm phán với Apple để có thể nhập nhiều máy hơn trong thời gian tới. Trong tuần này, đã có hơn 2.000 máy mới nhập được VinaPhone bắt đầu phân phối. Số lượng máy nhập/tháng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới theo cam kết của Apple” thông cáo báo chí của VinaPhone loan báo.

MobiFone cũng khẳng định họ vẫn đang xúc tiến đàm phán với Apple chứ chưa ký bất kỳ hợp đồng nào với ‘quả táo khuyết” nên không có chuyện bị phạt hợp đồng. Trước đó, tại buổi họp báo hồi tháng 5/2010, MobiFone cho biết; “Apple là nhà bán thiết bị đầu cuối vào loại “rắn mặt”. Sự "rắn mặt" của Apple đã cản trở MobiFone đưa iPhone về Việt Nam”.

Bình luận về việc đàm phán với Apple để đưa iPhone về Việt Nam, một mạng di động nhận xét, Apple gọi các mạng đến, rồi họ chìa hợp đồng ra và phía nhà mạng chỉ có quyền điền tên chứ không có quyền sửa điều khoản của hợp đồng này. Trong khi đó, Việt Nam là thị trường chỉ được phân phối sau cùng các sản phẩm mới của Apple. Trong buổi làm việc mới đây với Bộ TT&TT, phía Viettel cho biết nếu như trước đây, nhà sản xuất máy di động phải tìm đến nhà mạng thì hiện nay  xuất hiện xu hướng mới là độc quyền công nghệ và nhà sản xuất thiết bị buộc nhà mạng phải chia sẻ lợi nhuận.

Một số ý kiến cho rằng, nếu dùng từ nhà mạng "sập bẫy" e rằng gây nhiều tranh cãi, nhưng dùng từ "nín nhịn" để được phân phối "quả táo khuyết" có lẽ phản ánh đúng sự kiện này hơn.

Theo Thái Khang (ICTnews)

Đọc thêm