Viết phần mềm cho học trò khuyết tật

Những sản phẩm của thầy Đỗ Hoàng Minh Đức, giáo viên Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, như phần mềm Khiếm thị cho trẻ mẫu giáo, Vui học mầm non, Chính tả cho người khiếm thị,... đang được nhiều trường dạy học sinh khuyết tật áp dụng. Nhờ những phần mềm độc đáo trên, nhiều học sinh khuyết tật được hỗ trợ vượt qua khó khăn trong học tập.

Giúp học trò viết đúng tiếng Việt

Tốt nghiệp đại học sư phạm, thầy giáo trẻ Đỗ Hoàng Minh Đức chọn con đường khá đặc biệt: dạy học sinh khiếm thị. Dù từng đạt chứng chỉ MCSE của Microsoft, được nhiều công ty tin học trong và ngoài nước săn đón nhưng vì tình yêu đối với các học trò khiếm thị, thầy quyết định ở lại và gắn bó với trường.

Cảnh những học trò khuyết tật vất vả trong việc học khiến thầy Đức trăn trở mãi. “Mình rành về tin học, sao lại không ứng dụng kiến thức tin học vào giúp học trò?”. Nghĩ vậy, thầy Đức bắt tay vào nghiên cứu viết phần mềm. Thầy cho biết học sinh khiếm thị thường mắc nhiều lỗi chính tả không đáng có so với học sinh bình thường. Khi vào môi trường học tập chung, rào cản này khiến các em hay bị bối rối, khó hòa nhập.

Viết phần mềm cho học trò khuyết tật ảnh 1

Trong căn nhà đơn sơ, thầy Đức vẫn ngày đêm viết ra nhiều phần mềm cho các học trò nhỏ. Ảnh: BH

Đầu tiên, thầy Đức tiến hành khảo sát các lớp học. Kết quả cho thấy phần lớn học trò khiếm thị đều mắc những lỗi chính tả cơ bản. Nguyên nhân việc này, theo thầy Đức là do chưa có từ điển tiếng Việt chữ nổi và các em lại có rất ít sách chữ nổi để đọc. Ít đọc, ít viết, thường chỉ nói và nghe, học sinh khiếm thị thường gặp nhiều khó khăn trong việc rèn luyện chính tả. Công việc lên lớp khá bận rộn nhưng vì thương học trò nên đêm nào thầy cũng thức đến 1-2 giờ sáng để nghiên cứu viết phần mềm. Sau hơn một năm thử nghiệm và hoàn thiện chương trình, năm 2007, phần mềm Chính tả cho học sinh khiếm thị hoàn thành.

Vừa ra đời, phần mềm của thầy Đức được nhiều thầy cô trong trường hoan nghênh. Với phần mềm này, sau khi gõ xong, người sử dụng có thể ra lệnh kiểm tra để biết kết quả. Ngoài ra, người sử dụng còn có thể dùng từ điển từ khó hoặc từ điển từ chung. Sau khi học trên phần mềm của thầy Đức, các học trò khiếm thị đã khắc phục được rất nhiều lỗi chính tả cơ bản. Điều này thể hiện qua một lần khảo sát khác. Không chỉ có tiếng Việt, học sinh còn được luyện cả tiếng Anh.

Giúp học sinh khiếm thị hòa nhập cộng đồng

Ít lâu sau, nhận thấy việc tìm hiểu môi trường của các trò nhỏ khiếm thị cũng gặp không ít khó khăn, thầy Đức tiếp tục bỏ ra gần một năm rưỡi để viết phần mềm thứ hai - Vui học mầm non. Thầy Đức cho hay đây cũng là một phần mềm phi lợi nhuận dành cho trẻ mầm non 3-4 tuổi, cả trẻ khiếm thị và trẻ bình thường. Nội dung phần mềm bao gồm truyện, thơ ca, giải trí, tìm hiểu môi trường xung quanh... Bằng những câu chuyện mang đậm tính giáo dục, các em nhỏ sẽ tự khám phá những điều lý thú; được nghe, nhìn những nhân vật trong câu chuyện. Qua đó các em sẽ phát triển được ngôn ngữ, khả năng giao tiếp, kỹ năng tìm hiểu môi trường xung quanh.

Ngoài các phần mềm trên, thầy Đức đang triển khai tiếp Vui học lịch sử cho khối lớp 7, Tự điển bằng hình cho trẻ chậm phát triển và hàng loạt phần mềm có ý nghĩa xã hội khác. Phần lớn phần mềm thầy viết đều tặng không. Tất cả công sức thầy bỏ ra đều nhằm giúp các em nhỏ hòa nhập cộng đồng. “Tuy nhiên, để có thể đưa các phần mềm sang nhiều địa phương khác, giúp đỡ các trường vùng sâu, vùng xa, tôi phải thông qua một công ty để cài đặt cho các trường. Thậy may là công ty này lấy chi phí cài đặt rất rẻ, đặc biệt miễn phí hoàn toàn cho các trường nghèo…” - thầy Đức vui vẻ cho biết.

Với nhiều phần mềm tự viết khá thành công, hiện có nhiều công ty tin học mời người thầy 34 tuổi này về làm chuyên viên lập trình với mức lương cao nhưng thầy đều khước từ. “Tuy mức lương giáo viên tiểu học không cao, song tôi tìm được nhiều niềm vui với những học trò đặc biệt này. Tôi sẽ cố viết thêm nhiều phần mềm hữu ích giúp các em và phục vụ cho cộng đồng” - thầy Đức chia sẻ.

Những phần mềm có giá trị xã hội

Phần mềm Chính tả cho học sinh khiếm thị của thầy Đức từng được giải thưởng “Ngọn nến sáng tạo” trong ngành giáo dục 2007 và hiện được hầu hết các trường có học sinh khuyết tật áp dụng triển khai. Phần mềm Vui học mầm non thầy viết cũng được hầu hết các trường mầm non dành cho cả học sinh thường lẫn học sinh khuyết tật ở TP.HCM áp dụng. Mới đây, phần mềm này được triển khai tặng không cho trên 400 trường nghèo trên địa bàn TP.HCM và phần mềm cũng đã được giải thưởng Vifotex 2009 (giải thưởng do Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Trung ương Đoàn phối hợp tổ chức dành cho những sáng chế, nghiên cứu xuất sắc trên các lĩnh vực của đời sống).

BÁ HUY

Đọc thêm