“Việt Nam là điểm sáng của viễn thông thế giới”

“Việt Nam là điểm sáng của viễn thông thế giới” ảnh 1

Ngày 19/7/2011, Tổng Thư ký Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) Hamadoun Touré đã có buổi hội kiến với Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp và có cuộc gặp gỡ báo giới CNTT-TT Việt Nam ở Hà Nội. Lần đầu tiên tới Việt Nam trong cương vị Tổng Thư ký ITU, ông Hamadoun Touré đã đem đến khá nhiều tin vui.

Trước hết, theo xếp hạng của Liên minh Viễn thông Thế giới (ITU), Việt Nam đang đứng thứ 8 thế giới về mật độ thuê bao di động. ITU ghi nhận Việt Nam đã có mức độ phát triển viễn thông rất cao, sử dụng hiệu quả công nghệ hiện đại để nâng cao khả năng tiếp cận, truy cập dịch vụ CNTT-TT cho người dân. Mới bắt đầu triển khai thương mại 3G từ cuối năm 2009 nhưng sau khoảng 2 năm, số lượng thuê bao 3G của Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi, góp phần đưa mật độ viễn thông tăng từ 87% lên 175% vào năm 2010.

“Mật độ thuê bao di động của Việt Nam hiện chỉ thấp hơn Macao Trung Quốc, Hồng Kông Trung Quốc, Ả rập Xê út, Montenegro, Panama, Bermuda, Ireland. Đáng lưu ý, Việt Nam đang vượt rất xa nhiều quốc gia khác, khi mật độ viễn thông trung bình của các quốc gia đang phát triển chỉ khoảng 70% và các quốc gia phát triển cũng chỉ là 114%”, Tổng Thư ký Hamadoun Touré cho biết.

Bên cạnh đó, theo ghi nhận của ITU, lĩnh vực viễn thông của Việt Nam còn đạt nhiều kết quả ấn tượng khác, điển hình như mật độ Internet băng rộng đã tăng từ 0% năm 2008 lên 13% năm 2010; mọi trường học ở Việt Nam đều đã kết nối Internet; trong 3 năm qua đã có 3 hệ thống cáp quang biển được xây dựng để kết nối Việt Nam với thế giới, mới nhất là hệ thống cáp quang kết nối châu Á với Mỹ đã giúp Việt Nam có thêm hơn 500Gbps kết nối với mạng Internet quốc tế.

Việt Nam là cường quốc vệ tinh

Trong thời gian ở thăm Việt Nam, ông Hamadoun Touré đã đi thăm Trung tâm điều khiển vệ tinh VINASAT 1. Theo nhận định của Tổng Thư ký ITU, Việt Nam đang đi vào kỷ nguyên của vệ tinh và trở thành một cường quốc về vệ tinh khi đã có thể phóng được vệ tinh riêng, tự khai thác vận hành, sở hữu và vận hành mọi cấu phần trong hệ thống vệ tinh VINASAT 1. Đặc biệt, Việt Nam đang sở hữu đội ngũ kỹ sư điều hành vệ tinh có trình độ kỹ thuật cao về bám vệ tinh, đo lường từ xa, vận hành kỹ thuật vệ tinh… "Vệ tinh giống như cơ thể sống, cuộc đời sẽ có điểm chết. Để khai thác hiệu quả thì ngay trong năm đầu tiên dung lượng vệ tinh khai thác phải đạt hơn 80%. Để đảm bảo mức độ an toàn thì cần có quả vệ tinh thứ 2 đóng vai trò dự phòng. Chỉ trong 2 năm, dung lượng của VINASAT 1 đã được khai thác hơn 90%. Bên cạnh đó, các kỹ sư của Việt Nam đã làm chủ được việc điều khiển và khai thác vệ tinh này một cách ấn tượng. Hiện quả vệ tinh thứ hai của Việt Nam đang được sản xuất và sẽ được phóng lên quỹ đạo trong năm tới" Hamadoun Touré nói.

Tin tưởng Việt Nam trở thành cường quốc CNTT

Trả lời Báo Bưu điện Việt Nam về Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT, Tổng Thư ký ITU còn bày tỏ sự tin tưởng vào tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT-TT. “Chính phủ Việt Nam đã xác định đến năm 2020 có thể cung cấp dịch vụ CNTT-TT cho mọi người dân ở mọi lúc mọi nơi một cách dễ dàng với mức cước thấp và đảm bảo an ninh. Tầm nhìn này trong Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT hoàn toàn khả thi”, Tổng Thư ký ITU nhận định.

Ông Hamadoun Touré cho rằng, sự phát triển của bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần có tầm nhìn hiệu quả. Có thể lúc đầu chỉ bắt đầu từ giấc mơ của nhà lãnh đạo, khi giấc mơ được chia sẻ giữa các nhà lãnh đạo thì trở thành tầm nhìn. Tầm nhìn cần sự hậu thuẫn của khung thể chế rất mạnh để hiện thực hoá. Tầm nhìn ở Việt Nam dựa trên một số trụ cột như mục tiêu về phát triển băng rộng, việc phát triển băng rộng bắt đầu từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng, sau đó là tạo nội dung, xây dựng năng lực, nhận thức của các bên liên quan; mục tiêu cuối cùng là tập trung vào lớp người dùng trẻ. Việt Nam là một quốc gia có dân số trẻ, trên 70% dân số ở độ tuổi dưới 30. Việc tạo việc làm cho lớp người trẻ rất quan trọng. Hiện có 280.000 nhân lực CNTT. Việt Nam đang đặt mục tiêu đến năm 2020 là 1 triệu nhân lực CNTT. Trình độ năng lực của giới trẻ và cơ sở hạ tầng của Việt Nam đã sẵn sang thì sẽ bước sang giai đoạn cất cánh. "ITU sẽ chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình triển khai, chia sẻ những bài học thành công, thất bại để Việt Nam không phải phát minh lại bánh xe. Ngược lại, ITU sẽ thống kê những bài học thành công, thất bại của Việt Nam để chia sẻ với các quốc gia khác. Trong nền kinh tế tri thức thì chia sẻ thông tin là một chìa khoá. Không có nghĩa thành công ở nước ngoài có thể ứng dụng ở Việt Nam nhưng sẽ tốt hơn nếu biết và tuỳ biến vào môi trường Việt Nam”, Tổng Thư ký ITU nhấn mạnh.

"ITU có ý tưởng đưa ICT về nông thôn. Tôi rất ấn tượng vì mọi trường học ở Việt Nam đều đã kết nối Internet. Điều này hoàn toàn phù hợp với ý tưởng của ITU là mọi trường học được kết nối, cộng đồng kết nối, hướng tới đưa ICT về nông thôn. Trong đó, việc tạo ra cơ sở hạ tầng về nông thôn, tạo dịch vụ, nội dung trên cơ sở hạ tầng đó có vai trò rất quan trọng. ITU rất mong 192 thành viên của ITU đều có tầm nhìn như vậy", ông Hamadoun Touré nói.

Việt Nam cần lưu ý nhiều thách thức

Đánh giá cao những thành tích đã đạt được của CNTT- viễn thông Việt Nam, song Tổng Thư ký ITU cũng lưu ý về những thách thức mà rất nhiều quốc gia đang phải đối mặt, chẳng hạn đi kèm với sự tăng trưởng số lượng thuê bao lại là sự sụt giảm doanh thu bình quân (APU) của thuê bao hàng tháng, hoặc vấn đề đấu nối và chia sẻ cơ sở hạ tầng giữa các nhà khai thác dịch vụ viễn thông với nhau, hoặc “câu chuyện” phân bổ tần số vô tuyến (một loại tài nguyên rất quan trọng trong thế giới di động), hoặc khó khăn về đào tạo phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực… Muốn giải quyết những thách thức này thì Chính phủ cần phải tạo dựng môi trường pháp lý có khả năng thu hút mọi thành phần kinh tế cùng tham gia phát triển viễn thông.

Khẳng định ITU sẽ hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới, Tổng Thư ký Hamadoun Touré cũng đã chia sẻ một số bài học kinh nghiệm về cách thức điều hành của Chính phủ. Đơn cử như để phát triển dịch vụ truy cập băng rộng thì Chính phủ phải giữ vai trò “kích cầu” công nghệ mới thông qua việc khuyến khích triển khai chính phủ điện tử trên nền tảng công nghệ mới, đưa ra những dịch vụ sử dụng công nghệ mới để tiếp cận người dùng.

Bàn thêm về việc có nên trông chờ vào sự hậu thuẫn của quốc tế trong việc phát triển CNTT-TT, với tâm sự của một người dân Mali thuộc Châu Phi, ông Hamadoun Touré cho biết: “Các quốc gia châu Phi đã từng dựa vào hỗ trợ quốc tế hơn 50 năm qua nhưng đến giờ vẫn không chứng minh được hiệu quả. Để phát triển CNTT-TT, có thể tìm kiếm nguồn hỗ trợ từ bên ngoài nhưng chủ yếu dựa vào nội lực thì sẽ hiệu quả hơn”.

Theo Ngọc Mai (ICTnews)

Đọc thêm