Vì sao Snapchat "dám chê" 3 tỷ USD của ông lớn Facebook?

Vì sao Snapchat "dám chê" 3 tỷ USD của ông lớn Facebook? ảnh 1

Snapchat ngày càng phổ biến trong giới trẻ. Ảnh minh họa

Snapchat đã ra đời như thế nào?

Hai nhà đồng sáng lập của Snapchat, Evan Spiegel và Bobby Murphy, bắt đầu hợp tác với nhau khi còn là sinh viên đại học Stanford. Tên gọi trước đây của Snapchat là Picaboo. Evan Spiegel và Bobby Murphy có cảm hứng phát triển sau khi nghe một người bạn càu nhàu rằng hối hận đã gửi đi một bức ảnh từ smartphone. Picaboo hướng tới giải quyết vấn đề đó bằng cách tự hủy các bức ảnh.

Nhà đồng sáng lập Spiegel nói: "Trong thực tế, chúng tôi không muốn phát triển Picaboo cho những mục đích xấu. Dịch vụ này có thể là một cách dễ thương và vô hại để gửi đi những bức ảnh cho bạn bè và gia đình. Nhưng nếu ai đó muốn khỏa thân và chụp ảnh, đây chính là cách an toàn nhất".

Sau đó, Picaboo được đổi tên thành Snapchat và có thêm phiên bản cho Android (Snapchat có phiên bản cho iOS trước tiên), bổ sung tính năng chia sẻ video, cũng như cho phép người dùng vẽ ngệch ngoạc tin nhắn lên ảnh trước khi gửi đi. Đến năm 2012, Snapchat đã trở thành một cơn sốt.

Phát biểu trước hãng tin Associated Press, nhà đồng sáng lập Evan Spiegel nói: "Một trong những lợi ích lớn nhất của dịch vụ này, đặc biệt khi mới ra đời, là nó nhanh gấp 10 lần so với tin nhắn MMS (dịch vụ tin nhắn đa phương tiện). Rất nhiều người thích Snapchat vì giao diện của nó rất đơn giản. Snapchat cho phép gửi đi những bức ảnh với tốc độ rất nhanh. Nó nhanh hơn nhiều so với việc gửi tin nhắn văn bản. Để gửi ảnh qua tin nhắn văn bản, bạn phải chụp ảnh hoặc chọn ảnh từ album trong điện thoại, tải ảnh lên – quá trình này tốn rất nhiều thời gian – sau đó gửi ảnh cho bạn bè".

Từ trước tới nay, các nhà sáng lập Snapchat không thường xuyên cung cấp thông tin cập nhật về số người dùng ứng dụng, thay vào đó, họ thông báo số lượng ảnh được chia sẻ qua Snapchat mỗi ngày. Con số đó đã tăng từ 20 triệu ảnh/ ngày hồi tháng 10/2013 lên 60 triệu ảnh trong tháng 2/2013, rồi tăng vọt lên 150 triệu (4/2013), 200 triệu (6/2013), và tới tháng 9/2013 đã đạt 350 triệu.

Snapchat thông báo có 5 triệu người dùng có hoạt động hàng ngày vào đầu năm 2013, và tới nay con số này có lẽ đã cao hơn rất nhiều.

Tháng 10/2013, trung tâm nghiên cứu Pew tuyên bố 9% người dùng điện thoại di động tại Mỹ dùng Snapchat, có nghĩa riêng tại Mỹ đã có 26 triệu người dùng dịch vụ này, 26% trong số đó là thanh niên từ 18 tới 29 tuổi.

Tháng 8/2019, hãng phân tích Onavo cho hay Snapchat đang được sử dụng bởi 20,8% người dùng iPhone tại Mỹ, đưa Snapchat trở thành ứng dụng iPhone nổi tiếng thứ 8 tại đất nước này. Trong khi đó, trên toàn cầu, kể từ tháng 9/2013, Snapchat đã theo kịp Facebook về số lượng ảnh được chia sẻ mỗi ngày – 350 triệu.

Trong khi chia sẻ ảnh là mục đích chính khiến nhiều người sử dụng Facebook, Snapchat đang nhanh chóng trở thành một trong những ứng dụng chia sẻ ảnh nổi tiếng nhất trên smartphone. Điều đó là mối đe dọa đối với Facebook, nên không lạ khi Facebook muốn thâu tóm Snapchat.

Vì sao Snapchat chê 3 tỷ USD của Facebook?

Giữa tháng 11/2013, giới công nghệ xôn xao khi Snapchat từ chối lời đề nghị mua lại trị giá gần 3 tỷ USD của "gã khổng lồ" mạng xã hội Facebook.

Trước đây, Facebook từng ra giá từ 1 – 2 tỷ USD để mua lại Snapchat nhưng không thành. Theo thời báo phố Wall đưa tin hôm 13/11, đại diện của Facebook liên lạc lần nữa để thảo luận về đề nghị mua đứt Snapchat với 3 tỷ USD tiền mặt song vẫn không thành công. Số tiền này lớn hơn nhiều 1 tỷ USD Facebook mà bỏ ra để thâu tóm dịch vụ chia sẻ hình ảnh Instagram năm 2012.

Thoạt đầu, điều này có vẻ vô lý vì Snapchat - một dịch vụ chưa đem lại doanh thu của công ty thành lập cách đây hơn 2 năm - lại được đề nghị mua lại với giá 3 tỷ USD, gấp 3 lần cái giá mà Facebook bỏ ra để thâu tóm Instagram hay Yahoo mua lại Tumblr.

Tuy nhiên, không phải không có tiền lệ. Ví dụ, Groupon nổi tiếng vì đã từng được Google đề nghị mua lại với giá 6 tỷ USD. Quan trọng hơn, Snapchat và các nhà đầu tư của công ty dường như tin rằng Snapchat sẽ là mạng xã hội thế hệ tiếp theo,chứ không phải chỉ là dịch vụ bổ trợ cho những "ông hoàng mạng xã hội" khác, ví dụ như Facebook.

Snapchat đang cung cấp cho người dùng lợi thế chưa từng có ở những mạng xã hội lớn như Facebook hay Twitter. Hiện nay, một dòng Tweet đăng lên trong lúc tức giận hay một bức ảnh chia sẻ lên Facebook trong phút thiếu suy nghĩ có thể khiến bạn xấu hổ, gặp rắc rối hoặc thậm chí mất việc làm. Với tính năng tự động hủy ảnh của Snapchat, người dùng có thể tránh được những vấn đề này.

Vậy vấn đề doanh thu thì sao? Thực ra, với một dịch vụ đã nổi tiếng như Snapchat thì việc tạo ra doanh thu chỉ là vấn đề thời gian. Một trong những nhà đầu tư của Snapchat đã phát biểu với trang công nghệ Business Insider rằng, bất kỳ công ty web lớn này cũng sẽ tìm được lối đi hợp lý. Cũng như trước đây, nhiều người từng nói Twitter và Facebook sẽ không kiếm được tiền, nhưng hiện tổng giá trị vốn hóa thị trường của hai công ty này đã đạt 142 tỷ USD với doanh thu 8,2 tỷ USD. Trong đó, giá trị vốn hóa của Facebook là 120 tỷ USD với doanh thu 7,6 tỷ USD/năm. Do đó, việc Facebook sẵn sàng bỏ ra 3 tỷ USD để bảo vệ "ngôi vương" mạng xã hội của họ không có gì là khó hiểu.

Theo Duy Anh Tổng hợp (ICTnews)

Đọc thêm