Vì sao Groupon từ chối 6 tỷ USD từ Google?

Vì sao Groupon từ chối 6 tỷ USD từ Google? ảnh 1

Ai cũng biết, mỗi thành viên trong ban quản trị của Groupon sẽ đút túi hàng triệu, hàng trăm triệu hay thậm chí là hơn 1 tỷ USD nếu họ gật đầu với lời đề nghị mua lại Groupon của Google. Trong đó, chắc chắn Brad Keywell và Eric Lefkofsky – 2 thành viên sáng lập của công ty sẽ đút túi từ 600 triệu đến 1,8 tỷ USD nếu thương vụ này thành công. Thông thường, khó ai có thể cưỡng lại sức cám dỗ của khoản tiền khổng lồ đến thế.

Nhưng tại sao họ vẫn lắc đầu trước 6 tỷ USD mà Google sẵn sàng cộp ngay? Nhiều người cho rằng các lãnh đạo của Groupon nói không với hàng trăm triệu USD để chờ đợi hàng tỷ USD khác nhưng thực tế lại không hẳn vậy.

Để lý giải cho hàng núi những lời phỏng đoán khác nhau trong giới kinh doanh công nghệ, một nguồn tin bí mật của ban quản trị Groupon cho biết, chính sự đe dọa của một vụ điều tra và có thể là một số những vụ kiện độc quyền nhắm vào thương vụ này đã buộc họ phải cự tuyệt Google. Cũng chính nguồn tin này cho biết, các thành viên trong hội đồng quản trị của Groupon sau khi xem xét kỹ lưỡng đã nhận thấy nếu vụ sáp nhập này xảy ra, số vụ điều tra nhằm vào Google sẽ nhiều hơn bất kỳ một thương vụ nào khác mà Google đã thực hiện trong những năm qua.

Tính đến thời điểm hiện tại, Google vẫn đang là đối tượng của 2 cuộc điều tra chống độc quyền khác nhau – một do liên minh châu Âu thực hiện và một cuộc khác nhắm đến thương vụ Google mua ITA – hãng phần mềm chuyên cung cấp thông tin về các chuyến bay hàng không. Còn trước đó, khi thâu tóm DoubleClick và AdMob... Google cũng đã không ít lần “khốn đốn”. Còn nhớ, hồi năm 2008, cũng chính những lời đe dọa “độc quyền” đã phá hỏng ý định thâu tóm mảng tìm kiếm trực tuyến của Yahoo của Google.

Rất có thể một số thành viên trong ban lãnh đạo của Groupon đã nhận được tín hiệu rằng họ sẽ gặp rất nhiều rắc rối nếu về với Google. Họ đã đưa ra một giải pháp: Nếu Google muốn mua Groupon, họ sẽ phải tự xử lý rắc rối một mình và chi tiền “chia tay” cho những thành viên ban lãnh đạo muốn ra đi. Một số nguồn tin từ ban lãnh đạo cũ của DoubleClick tiết lộ, "Để nhận được sự đồng ý trong thương vụ mua lại AdMob với giá 750 triệu USD, Google đã phải chi thêm 700 triệu USD khác cho khoản tiền “chia tay” các thành viên cũ.

Vấn đề là con số mà các thành viên ban lãnh đạo Groupon muốn, Google lại không chịu. Khi Google đã nói không thì ban lãnh đạo Groupon cũng dễ dàng ra đi hơn bởi họ được thuyết phục rằng số rắc rối mà họ sẽ phải đương đầu sẽ lớn hơn rất nhiều so với khoản tiền cao gấp 3 lần tổng doanh thu trong năm 2010 của hãng.

Quay trở lại, phải thừa nhận là rất nhiều thành viên ban lãnh đạo Groupon không hề muốn tiến tới trong cuộc thương thảo với Google nên đã đưa ra những con số “trên trời” nào đó. Nguồn tin bí mật từ Groupon còn cho biết thêm, rất nhiều thành viên hội đồng tin rằng Groupon sẽ còn lớn hơn nữa nên họ không muốn bán “lúa non”.

Những báo cáo kết quả kinh doanh thời gian qua đã đủ sức thuyết phục họ tin vào viễn cảnh này. Doanh thu của Groupon lần lượt tăng lên từ 500 triệu USD, 800 triệu, 1 tỷ và mới đây nhất là 2 tỷ USD (năm 2010). Một báo cáo nội bộ khác cũng cho biết, chỉ riêng trong tuần trước, Groupon đã có thể 4 triệu địa chỉ email đăng ký sử dụng dịch vụ, đưa tổng số email đăng ký Groupon lên 40 triệu – một con số quá khác xa so với mức 1,5 triệu email trong năm ngoái và 400.000 email trong năm trước nữa.

Đến hết tháng 12/2009, Groupon mới chỉ có 124 nhân viên. Trong tháng 11/2010 họ đã tuyển thêm 190 người ở Chicago, đưa tổng số nhân viên toàn cầu của hãng lên 3.100 người. “Groupon là một công ty đang thu hút sự chú ý của cả thế giới và nó sẽ còn lớn hơn rất nhiều lần”, một thành viên trong ban lãnh đạo Groupon nói, “Trước kia, mô hình kinh doanh kiểu Groupon chưa từng tồn tại. Đến nay đã có hơn 2.000 công ty khác sao chép mô hình của chúng tôi nhưng Groupon vẫn chiếm tới 70% thị phần trong lĩnh vực này và đang phát triển với một tốc độ kinh ngạc”.

Theo Lương Hương (ICTnews / Business Insider)

Đọc thêm