Vì sao game online bị cấm cung cấp sau 22h?

Tại hội thảo lấy ý kiến các Sở và doanh nghiệp về dự thảo Quy chế quản lý trò chơi trực tuyến (GO) vừa được tổ chức tại Hà Nội, các doanh nghiệp cung cấp game và người chơi chưa thống nhất với quy định giới hạn giờ chơi mà dự thảo đưa ra.

Dự thảo quy định chỉ cho phép đại lý Internet và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ GO từ 8h sáng đến 22h hàng ngày; đối với game đơn giản, được cung cấp dịch vụ liên tục 24 giờ/ngày; không cho phép game thủ là học sinh phổ thông lớp 1 đến lớp 12 chơi trong khoảng 8h đến 17h.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn đã trao đổi với báo giới về quy định còn chưa nhận được sự "đồng thuận" này.

Vì sao game online bị cấm cung cấp sau 22h? ảnh 1

Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: "Luật áp dụng phù hợp cho số đông chứ không phải để quản lý thiểu số".

Thưa Thứ trưởng, vì sao Dự thảo cấm cung cấp game sau 22h?

Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: Bản chất game không có lỗi nếu nội dung tốt, phát hành theo đúng pháp luật Việt Nam. Nhưng có những trường hợp người sử dụng không chấp hành hoặc đại lý lợi dụng làm việc xấu… chẳng hạn có nhiều học sinh, sinh viên quá say mê game, bỏ học chơi thâu đêm suốt sáng.

Do vậy quy chế đặt ra để điều chỉnh những người không có ý thức. Chúng tôi đang cố gắng điều chỉnh để luật áp dụng phù hợp cho số đông chứ không phải để quản lý thiểu số.

Hơn nữa, mỗi trò chơi cũng cần quy định giờ chơi còn để đảm bảo sức khoẻ cho người chơi. Ví dụ, một trận bóng đá chỉ quy định 90 phút.

Dường như quy chế này chỉ để “xiết” doanh nghiệp, đại lý chứ không phải người chơi vì thực tế nhiều người ham mê chơi game, họ có thể chơi mỗi trò 3 tiếng rồi lại chuyển sang chơi trò khác hoặc các game ở nước ngoài… Ví dụ quy định không được cung cấp dịch vụ Internet sau 23h nhưng thực tế sau 23h vẫn có hàng trăm đại lý mở hàng thâu đêm suốt sáng? Vậy mục tiêu quản lý của quy chế là gì?

Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: Như tôi đã nói, mục tiêu xây dựng ban hành quy chế này nhằm: Một là vừa tạo điều kiện để ngành game phát triển đồng thời vẫn quản lý được. Phát triển là để phát huy mặt tích cực của nó, ví dụ các game có nội dung tốt, có tính giáo dục truyền thống, lịch sử thì rất quý, hoặc mang tính giải trí giúp người sử dụng sau một ngày làm việc căng thẳng họ chơi để sảng khoái và giảm căng thẳng thì ta phải tạo điều kiện. Mặt khác, nếu ngành này phát triển thì chúng ta cũng có những nguồn thu cho ngân sách.

Hai là quản lý được đặt ra để hạn chế các mặt tiêu cực, như nội dung không lành mạnh, bạo lực, dâm ô.

Đối với dịch vụ Internet trước đây chúng ta đã quản quá chặt khiến quy định không đi vào cuộc sống. Vậy trong quy định về quản lý game online lần này chúng ta có thể rút ra được gì để nó đi vào cuộc sống và đảm bảo được thực thi tốt?

Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: Với game online cũng vậy, các nước khác người ta quản lý được và game online đã mang lại nguồn thu rất lớn cho nước đó. Nếu người ta có chế tài quản lý và ngành này vẫn phát triển được thì tại sao chúng ta lại không tìm cách để phát triển ngành này?

Ở đây tôi quay lại quan điểm mà Đảng ta đã chỉ đạo “Phát triển phải gắn với quản lý”, nếu phát triển mà quản lý không được thì ta phải xem lại. Nhưng nếu chúng ta quản lý mà kìm hãm, không hỗ trợ phát triển thì phát triển sẽ khó có cơ sở để vươn lên. Do vậy các văn bản quy phạm cần phải điều chỉnh phù hợp với sự phát triển.

Theo Hà Phương ghi (VNN)

Đọc thêm