Ưu tiên vốn cho dự án ứng dụng CNTT quy mô quốc gia?

Vì thế, vấn đề được đặt ra đó là nên chăng cần xây dựng cơ chế cấp vốn ưu tiên đặc biệt cho các dự án, để việc triển khai đảm bảo kế hoạch đặt ra?

Ưu tiên vốn cho dự án ứng dụng CNTT quy mô quốc gia? ảnh 1

Nhiều dự án khi đưa vào ứng dụng thì thiết bị công nghệ đã… lạc hậu do tiến độ triển khai quá chậm. Ảnh: N.Đ

Nhiều dự án quy mô quốc gia gặp khó

Tại sự kiện CIO Summit 2011 vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Nguyễn Viết Thế, Cục trưởng Cục Công nghệ Tin học nghiệp vụ, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật (Bộ Công an) cho hay: Hiện nay Bộ Công an đang triển khai một số dự án ứng dụng CNTT lớn như dự án Chứng minh thư nhân dân điện tử, Hộ chiếu điện tử, Cơ sở dữ liệu Quốc gia về quản lý dân cư…, tuy nhiên, dù đều là những dự án mang tính chiến lược, đặt cơ sở nền móng để Việt Nam tiến đến Chính phủ điện tử nhưng tới thời điểm hiện nay việc triển khai vẫn vướng rất nhiều khó khăn liên quan đến cơ chế, nguồn vốn...

Trao đổi cụ thể, ông Thế nêu rõ: Cơ sở dữ liệu Quốc gia về quản lý dân cư là một dự án do Chính phủ giao cho Bộ Công an làm từ năm 2007, đến nay sau 4 năm thì vẫn chỉ đang ở trong giai đoạn… khởi động, mới ký được hợp đồng với bên tư vấn và trình được dự thảo đầu tiên của dự án khả thi. “Với thực tế này thì chưa biết đến bao giờ mới khởi động được”, ông Thế bày tỏ, đồng thời nhắc đến hai dự án khác là dự án Chứng minh thư nhân dân điện tử với việc khởi động dự án này cũng mất đến 10 năm, mãi đến năm 2010 mới ký được hợp đồng với đối tác để triển khai và nay đang gặp khó khăn liên quan đến kinh phí; hay dự án khác là Hộ chiếu điện tử (e-Passport) được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Công an cùng một số cơ quan khác trong năm 2010 với tổng mức đầu tư 1024 tỷ đồng. Tuy nhiên, dù năm 2011 sắp qua nhưng vẫn chưa xây dựng được dự án khả thi để triển khai, mới chỉ báo cáo Bộ Tài chính cơ chế sử dụng nguồn vốn và cơ chế phát hành hộ chiếu.

Chung quan điểm, ông Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin Dân số, Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) cho rằng hầu hết các dự án ứng dụng CNTT lớn của các Bộ, ngành (như dự án Cơ sở dữ liệu dân số dùng chung của ngành y tế, Cơ sở dữ liệu về người cao tuổi của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hay dự án quản lý đối tượng học sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo) hiện đều vấp chung khó khăn, gây chậm tiến độ tương tự như chia sẻ của đại diện Bộ Công an.

Cũng theo nhận định của nhiều chuyên gia tại hội nghị, tình trạng dự án bị triển khai chậm từ 3 – 4 năm so với kế hoạch đặt ra do thiếu cơ chế, kinh phí đã và đang kéo theo hàng loạt hệ luỵ. Đơn cử như về mặt công nghệ, sự chậm trễ khiến cho không ít thiết bị được mua sắm ở thời gian đầu xây dựng dự án (tức là từ 3 – 4 năm trước đó) giờ trở nên lạc hậu, thậm chí hỏng, lại phải tính toán phương án thay thế, bổ sung. Chưa hết, ông Nguyễn Viết Thế còn nhấn mạnh đến thực trạng: Dù vấn đề kinh phí khó khăn, nhưng ngay cả khi kinh phí đã rót về thì thủ tục giải ngân cũng còn phức tạp khiến việc chi trả chậm trễ, làm dự án vốn đã chậm lại tiếp tục “ì ạch”.

Đề xuất cơ chế cấp vốn đặc biệt

Tại hội nghị, ý kiến của một số chuyên gia cũng lưu ý đến một vấn đề bất cập nữa liên quan đến chi phí đầu tư đó là hiện hầu hết các dự án ứng dụng CNTT của Nhà nước mới chỉ tính được nguồn vốn đầu tư ban đầu cho dự án chứ chưa lên được chi phí trong suốt quá trình vận hành về sau. Và việc chi phí vận hành bị “gom” chung vào nguồn chi tiêu thường xuyên về CNTT đã dẫn đến tình trạng dự án được đầu tư hoạt động thiếu hiệu quả trong thực tế . “Phần lớn các dự án ứng dụng trong cơ quan Nhà nước thường lúng túng nếu gặp vấn đề phát sinh khi đưa vào vận hành do thiếu ngân sách, thiếu hụt nhân lực, thiếu sự quan tâm, quyết liệt của người đứng đầu tổ chức…, khiến câu chuyện ứng dụng CNTT khó đạt được như dự tính”, ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng nhận định.

Từ kinh nghiệm triển khai các dự án, Cục trưởng Cục Công nghệ Tin học nghiệp vụ Nguyễn Viết Thế đưa ra đề xuất: Nên chăng, với những dự án mang tính chất trọng điểm, chiến lược ở tầm quốc gia cần được đưa vào diện được cấp vốn đặc biệt. “Tức là, nếu tính toán dự án sẽ được triển khai trong 3 năm thì nên cấp đủ vốn trong 3 năm để đảm bảo tiến độ chứ không nên kéo quá dài sang các năm sau, bởi điều đó dẫn đến quá nhiều vấn đề phát sinh như tốn kém thêm kinh phí, thiết bị không đồng bộ…”, ông Thế nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, tương tự nhiều hội nghị đã từng nhắc đến, một lần nữa vấn đề phải sớm có một chuẩn thống nhất cho các dự án ứng dụng CNTT triển khai trên diện rộng cũng được các chuyên gia nhấn mạnh. Chính vì thế, các nhà hoạch định chính sách CNTT tại Việt Nam cần tạo ra những “cú huých” thực sự quyết liệt trong vấn đề này, để Chính phủ điện tử tại Việt Nam sớm thành hiện thực.

Thiếu chuẩn, ứng dụng sẽ gây bất cập

Ưu tiên vốn cho dự án ứng dụng CNTT quy mô quốc gia? ảnh 2

Ông Nguyễn Viết Thế

Ví dụ, với dự án ứng dụng CNTT Quản lý hộ khẩu điện tử (là “lõi” cho dự án Quản lý dân cư điện tử), thì đến nay do vẫn chưa có được chuẩn CNTT thống nhất nên dẫn tới tình trạng mỗi địa phương quản lý công dân theo chỉ tiêu thông tin khác nhau, chắc chắn sẽ gây nhiều bất cập khi tích hợp vào hệ thống chung của dự án mang quy mô quốc gia về sau

Ông Nguyễn Viết Thế, Cục trưởng Cục Công nghệ Tin học nghiệp vụ, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật (Bộ Công an)

Theo Nguyên Đức (ICTnews)

Đọc thêm