Truyền hình Mỹ nếm “trái đắng” World Cup

Truyền hình Mỹ nếm “trái đắng” World Cup ảnh 1

Chiến thắng của đội tuyển Ghana trước đội tuyển Mỹ cũng góp phần khiến các nhà đài nếm trái đắng.

Theo thống kê, hơn 24,3 triệu khán giả Mỹ đã bật TV để xem Tây Ban Nha đánh bại Hà Lan trong trận chung kết World Cup 2010, lập kỷ lục về lượng khán giả theo dõi một trận đấu bóng đá đối với nước Mỹ. Nếu chỉ nhìn vào số lượng khán giả này, nhiều người sẽ cho rằng các đài truyền hình Mỹ đã khai phá ra “mỏ vàng” mới. Nhưng sự thật lại ngược lại.

Bấy lâu nay nước Mỹ vẫn bị coi là quốc gia “ít hâm mộ” bóng đá nhất thế giới nhưng với hơn 24 triệu khán giả xem một trận bóng đá khó ai có thể tin rằng các nhà đài của nước này không “kiếm chác được gì” sau khi World Cup kết thúc. Các lãnh đạo của ABC và ESPN (cả 2 đều thuộc tập đoàn truyền thông Walt Disney) và kênh truyền hình phát bằng tiếng Tây Ban Nha Univision Communications cho biết, họ đã phải chi tới 425 triệu USD để mua bản quyền phát sóng World Cup 2010 và World Cup 2014 tại Braxin. Sau khi World Cup 2010 kết thúc, cả ESPN và Univision đều không tiết lộ tổng mức doanh thu mà họ đã thu về sau sự kiện này nhưng tất cả đều cho biết “số tiền đã đầu tư không mang về lợi ích ngay lập tức”. Với phát ngôn này, ai cũng hiểu các đài truyền hình đang cố gắng “ngậm bồ hòn làm ngọt” sau một mùa World Cup thất bát.

Nhưng với họ, việc chi tiền để mua bản quyền phát sóng World Cup vẫn là việc cần phải làm. “Phát sóng World Cup sẽ giúp khán giả tìm đến chúng tôi nhiều hơn, đặc biệt là những người quan tâm đến thể thao”, Joe Uva, Chủ tịch kiêm tổng giám đốc Univision thanh minh, “Lợi ích chính của chúng tôi là sau khi World Cup kết thúc, những khán giả này sẽ ở lại”. Còn với ESPN, kênh truyền hình bấy lâu nay vẫn tự gọi mình là kênh thể thao hàng đầu thế giới cũng cho biết, mặc dù biết là sẽ lỗ nhưng họ không có quyền bỏ qua sự kiện thể thao lớn như thế này.

Nhưng vì sao với lượng khán giả đông như vậy, các đài truyền hình vẫn lỗ? Câu trả lời thực ra khá đơn giản: Bóng đá không phải là môn thể thao “thân thiện” với quảng cáo. Cả 2 hiệp thi đấu trong mỗi trận bóng đều kéo dài tới 45 phút mà không có bất cứ một sự gián đoạn nào. Điều đó có nghĩa, suốt 45 phút ấy các đài truyền hình phải “ăn chay” vì họ không thể chèn quảng cáo ngoài khoảng thời gian khi trước, sau trận đấu và giờ nghỉ giữa 2 hiệp. Các nhà làm truyền hình cho biết, trung bình, với mỗi trận đấu kéo dài hơn 90 phút, các nhà đài chỉ có thể có tối đa là 25 phút dành cho quảng cáo. Trong khi đó, mỗi trận bóng bầu dục hay blowling, các nhà đài có tới 45 phút quảng cáo.

Theo hãng nghiên cứu thị trường Nielsen, một nguyên nhân khác khiến các nhà đài Mỹ thua lỗ sau canh bạc World Cup là do họ quá “xui xẻo”. Ở vòng bảng, lượng khán giả không đến nỗi nào và đỉnh điểm là trận cầu của vòng 1/16 giữa Mỹ và Ghana (ngày 26/6) với 19 triệu khán giả. Đội tuyển Mỹ đã thất bại trước Ghana và ngay ngày hôm sau, lượng khán giả theo dõi trận Argentina và Mexico đã giảm 20% và nếu so với số khán giả của trận Đức – Anh thì chỉ còn chưa đến một nửa.

Nếu các đài truyền hình thất bát, ai là kẻ kiếm lời từ sự kiện này? Không ai khác, đó chính là FIFA – liên đoàn bóng đá thế giới. Tổng số tiền mà FIFA kiếm được từ việc bán bản quyền phát sóng World Cup cho các đài truyền hình trên khắp thế giới lên tới 1,9 tỷ USD tăng hơn 60% so với kỳ World Cup trước. Ở quốc gia nào các nhà đài cũng háo hức được tường thuật các trận đấu World Cup nhưng FIFA đã sử dụng chính tâm lý này để liên tục đẩy giá lên cao đến mức các đài truyền hình gần như không “còn cửa kiếm lời” từ giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh này. Không chỉ kiếm tiền từ bán bản quyền phát sóng, FIFA còn thu được những khoản tiền kếch xù từ các nhà tài trợ như Adidas, Coca-Cola, Sony hay Visa. Để đổi lại khoản tài trợ này, FIFA buộc phải cho họ quyền phát kèm quảng cáo trong tất cả 64 trận đấu. Hậu quả là giá bản quyền cao, “đất” cho quảng cáo ít… các nhà đài không nếm “trái đắng” mới là chuyện lạ.

Cuối cùng, cả ABC, ESPN và Univision đành tự an ủi nhau rằng thôi thì làm World Cup để xây dựng thương hiệu cho tương lai.

Theo (ICTNews / BusinessWeek)

Đọc thêm