Truyền hình cáp "dậy sóng" khi AVG, FPT, Viettel nhập cuộc?

Truyền hình cáp "dậy sóng" khi AVG, FPT, Viettel nhập cuộc? ảnh 1

Viettel và "liên doanh" AVG-FPT Telecom đang trở thành mối nguy đối với các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp.

AVG bất ngờ hợp tác FPT Telecom ra truyền hình cáp

Mới đây, hai đơn vị này đã đệ đơn lên Bộ TT&TT xin được cấp phép dịch vụ truyền hình cáp. Theo đó, AVG sẽ "liên thủ" với FPT Telecom cung cấp dịch vụ này. Sở dĩ AVG hợp tác với FPT Telecom cung cấp dịch vụ truyền hình cáp bởi 2 đơn vị này đã đầu tư trục truyền dẫn Bắc - Nam từ giữa năm 2011. Trục cáp quang Bắc - Nam này có chiều dài khoảng 2.000 km, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2012. Mục tiêu của AVG là đầu tư thêm cáp đồng trục đến hộ gia đình để cung cấp dịch vụ truyền hình cáp giá rẻ. Trước đó, AVG đã tuyên bố cung cấp dịch vụ truyền hình vệ tinh với giá cước rất rẻ từ 33.000 đồng/tháng. AVG hiện là 1 trong 3 đơn vị được xây dựng hệ thống truyền dẫn phát sóng trên phạm vi toàn quốc. DN này cũng được cấp phép thiết lập mạng viễn thông cố định nội hạt và mạng viễn thông cố định vệ tinh.

Việc AVG "liên thủ" với FPT Telecom nhảy vào lĩnh vực truyền hình cáp được cho là sẽ gây tác động lớn đến thị trường này. Đầu tư dịch vụ truyền hình cáp đòi hỏi phải đầu tư hạ tầng rất lớn, chi phí duy trì bảo dưỡng cao. Vì vậy, đến thời điểm này, dịch vụ truyền hình cáp mới chỉ cạnh tranh mạnh ở hai thị trường "màu mỡ" là Hà Nội và TP.HCM với khoảng 3 - 4 nhà cung cấp. Ở các địa phương khác (chủ yếu tại khu vực đô thị) thì mức độ cạnh tranh rất thấp, thậm chí nhiều nơi chỉ có VCTV (Truyền hình cáp Việt Nam) cung cấp dịch vụ. Trong khi đó, Việt Nam có tới 20 triệu gia đình, đây là thị trường lớn cho các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp.

AVG bắt tay với FPT Telecom được cho là sự kết hợp của 2 DN năng động và có khả năng cạnh tranh cao, bởi đó là sự kết hợp của mô hình kinh tế tư nhân và cổ phần. FPT Telecom hiện có thị phần Internet lớn thứ 2 tại Việt Nam nên AVG và FPT Telecom không chỉ đơn thuần cung cấp dịch vụ truyền hình cáp. Nhiều khả năng họ sẽ đem lại một mô hình cung cấp dịch vụ "Tất cả trong 1" cho khách hàng gồm Internet, truyền hình chất lượng cao theo yêu cầu, thậm chí cả điện thoại cố định trên 1 đường cáp đồng trục. Động thái này cho thấy AVG đang tìm đường tiến sâu vào thị trường viễn thông chứ không dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng. Trước đó, cũng có ý kiến cho rằng với tài nguyên được cấp phát AVG có thể "nhòm ngó" cả thị trường di động.

Viettel đặt cược vào truyền hình cáp

Đầu năm 2012, Viettel tuyên bố sẽ nhảy vào lĩnh vực truyền hình trả tiền trong năm 2012. Một trong những lý do khiến Tập đoàn này muốn chuyển sang cung cấp dịch vụ truyền hình cáp là mảng dịch vụ di động sắp bão hòa nên khó tăng mạnh doanh thu, trong khi đó tham vọng của Viettel rất lớn. Việc “lấn sân” sang lĩnh vực truyền hình giúp Viettel có thể mở rộng thị trường và tăng doanh thu. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết, nhà mạng đã cảm thấy “chật chội” nên phải “lấn sân” sang dịch vụ truyền hình trả tiền. “Hiện Việt Nam chỉ có khoảng 4,5 triệu thuê bao truyền hình trả tiền (vệ tinh, IPTV, truyền hình cáp...). Với con số này, mật độ thuê bao truyền hình trả tiền của Việt Nam còn thấp so với các nước.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, hiện nay các mạng di động đã phủ 3G tới 95% diện tích dân số. Thế nhưng, 3G là công nghệ vô tuyến nên băng thông sẽ hữu hạn. Vì thế, nếu Việt Nam muốn có một hạ tầng băng rộng phủ khắp thì phải tính đến một phương án nữa là qua truyền hình cáp. Hiện Viettel đang có mục tiêu mang truyền hình cáp đến tất cả các hộ gia đình, khi đó với cáp đồng trục có thể giải quyết được câu chuyện băng rộng đến các hộ gia đình với tốc độ cao. Sắp tới, đường dây điện thoại và truyền hình cáp Viettel về đến làng xã.

Nhiều người kỳ vọng những gì Viettel đã thể hiện ở dịch vụ di động có thể được mang sang để làm bùng nổ thị trường truyền hình cáp, đặc biệt là vùng nông thôn. Tất nhiên, di động và truyền hình cáp có những đặc điểm khác nhau và cần có cách làm khác nhau để tạo nên sự bùng nổ nhưng vẫn phải đảm bảo trên hai nền tảng chính là giá và chất lượng dịch vụ. Giới chuyên môn cho rằng, điểm mạnh nhất hiện nay của Viettel mà các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền khác không có được, đó là hạ tầng truyền dẫn băng rộng đã kết nối đến tận xã. Đây là yếu tố thuận lợi để nhà cung cấp này có thể lập tức phủ kín dịch vụ truyền hình cáp trên toàn quốc.

Theo Thái Khang (ICTnews )

Đọc thêm