“Trói” công ty chứng khoán bằng chuẩn CNTT?

Sáng ngày 27/3/09, tại Hà Nội, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Thông tư quy định yêu cầu hệ thống CNTT của công ty chứng khoán (CTCK).

Bà Nguyễn Thị Liên Hoa, Phó chủ tịch UBCKNN nói việc ra đời của Thông tư là cần thiết bởi đây sẽ là một quy chuẩn chung cho sự hoạt động bền vững của thị trường chứng khoán, đảm bảo cho quyền lợi của nhà đầu tư cũng như cân bằng lợi ích của các CTCK với lợi ích của nhà đầu tư.

Mục tiêu của bản dự thảo là hướng tới tính khả thi trên thực tế và đảm bảo chất lượng dịch vụ. Tuy vậy, với sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực CNTT cũng như thiếu vắng của những quy chuẩn cụ thể đối với CNTT Việt Nam và sự không đồng đều của hệ thống CNTT tại các doanh nghiệp khiến bản dự thảo Thông tư quy định về yêu cầu hệ thống CNTT của CTCK còn gặp khá nhiều vướng mắc.

Tại Hội nghị, đại diện của hầu hết các CTCK đều công nhận sự cần thiết ra đời Thông tư và hiện tại họ đã có thể đáp ứng được tới 90% yêu cầu dự thảo đưa ra. Nhưng bên cạnh đó, có nhiều vấn đề gây tranh cãi, bị cho là thiếu khả thi.

Công ty chứng khoán phải có hệ thống CNTT

Đại diện của một số CTCK cho rằng không nhất thiết CTCK nào cũng cần phải tự xây dựng một hệ thống CNTT. Thay vào đó, họ có thể sử dụng hệ thống của bên thứ ba (thuê dịch vụ của các Trung tâm dữ liệu - outsourcing). Đây là một giải pháp giúp các CTCK tiết kiệm được chi phí xây dựng, vận hành cũng như bảo trì hệ thống CNTT.

Song ông Đỗ Thành Phương, Phó giám đốc Trung tâm Tin học và Thống kê (UBCKNN) giải thích, việc outsource hệ thống CNTT là không thể bởi khi đó việc bảo vệ an toàn cho các thông tin của nhà đầu tư không được đảm bảo.

Trong khi đó, một số ý kiến, gồm cả bà Liên Hoa, Phó Chủ tịch UBCKNN lại cho rằng việc thuê hệ thống CNTT vẫn có thể được chấp nhận nếu bên thứ 3 có những giải pháp, công nghệ và chứng nhận đảm bảo khả năng bảo mật cũng như bảo hiểm rủi ro đối với thông tin của nhà đầu tư.

Tranh luận về tính khả thi

Ông Lê Hải Trà, Phó giám đốc Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSTC) bày tỏ sự lo ngại về tính khả thi của dự thảo Thông tư vì “các quy định còn khá “mơ hồ” và vì thế chúng ta sẽ không thể biết dựa trên các tiêu chuẩn nào để đảm bảo các công ty đã thực hiện được theo yêu cầu của Thông tư. Bên cạnh đó, một số điểm lại tỏ ra quá cụ thể dẫn đến sự hạn chế, cứng nhắc không cho phép các CTCK được áp dụng công nghệ mới”.

Minh chứng cho một số sự cứng nhắc và mơ hồ của dự thảo này, ông Trà lấy ví dụ: Thông tư yêu cầu các CTCK phải sử dụng hệ thống máy chủ chuyên dụng không được sử dụng máy tính cá nhân để làm máy chủ nhưng trên thực tế điều này là không cần thiết vì nếu doanh nghiệp sử dụng công nghệ “Grid Computing” (điện toán mạng lưới), họ có thể kết nối những máy tính cá nhân rẻ tiền và biến chúng trở thành một dạng máy chủ có khả năng xử lý không hề thua kém các máy chủ chuyên dụng…

CTCK phải “nghe ai”?

Một trong những mối lo ngại lớn nhất của CTCK đối với Thông tư này là việc họ sẽ phải tuân thủ theo các yêu cầu về hệ thống CNTT của UBCKNN hay yêu cầu hiện tại của các Sở Giao dịch và các Trung tâm lưu ký. Bởi lẽ, có độ “vênh” giữa dự thảo và yêu cầu hiện tại như Thông tư quy định hệ thống mạng nội bộ phải đảm bảo tốc độ tối thiểu kết nối từ các máy chủ đến Switch là 1000 Mbps nhưng quy định của HoSTC chỉ là 500 Mbps…

Bà Liên Hoa cho biết dự thảo Thông tư sẽ được điều chỉnh lại để phù hợp hơn dưới góc độ quản lý Nhà nước và không đi vào các quy định kỹ thuật chi tiết và khi đó các CTCK cần phải tuân thủ các quy định của HoSTC hoặc HaSTC trước để đảm bảo khả năng kết nối, giao dịch cho các nhà đầu tư.

Đại diện của nhiều CTCK cho rằng Thông tư này cần xây dựng một lộ trình áp dụng và yêu cầu cụ thể hơn nữa với từng đối tượng như các CTCK đã hoạt động, các CTCK được cấp phép và đang chuẩn bị hoạt động… Thêm vào đó, Thông tư cần phải được xây dựng thành một chuẩn chung về lĩnh vực CNTT cho các CTCK và mở rộng (nới lỏng) một số quy định cho phép các CTCK được sử dụng chung một số dịch vụ nhằm giảm thiểu chi phí.

Theo ICTNews

Đọc thêm