Triển vọng 3G: Nhiều cơ hội, lắm chông gai

Sáng 22/4/2009, buổi toạ đàm với chủ đề "Triển vọng 3G Việt Nam" tại Press Club (Hà Nội) đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới báo chí, các doanh nghiệp trong nước cung cấp dịch vụ di động, nội dung số, các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp thiết bị đầu cuối, hạ tầng 3G như Erricson, Alcatel-Lucent, Hua Wei.

Tuy không xuất hiện một cách chính thức, nhưng sự có mặt của cả giới phát triển phần mềm, dịch vụ và ứng dụng công nghệ trong nước với mong muốn tìm kiếm cơ hội từ những định hướng và triển vọng của thị trường di động 3G đã cho thấy sức hấp dẫn của công nghệ di động băng rộng này tại Việt Nam.

Buổi toạ đàm được chia ra làm 3 phần chính, gồm vấn đề phát triển hạ tầng viễn thông cho dịch vụ 3G, phát triển công nghiệp nội dung số cho 3G và chính sách phát triển dịch vụ 3G tại Việt Nam. Trong phần đầu tiên, đại diện của các mạng di động vừa trúng tuyển giấy phép 3G đã giới thiệu kế hoạch và lộ trình triển khai dịch vụ 3G của mình.

Cơ hội và khó khăn

Giám đốc Viettel Telecom Tống Viết Trung: "3G là cơ hội phát triển quan trọng vì băng tần 2G hiện nay của Viettel đã quá hẹp bởi lượng thuê bao lớn. Ảnh: B.M.
Giám đốc Viettel Telecom Tống Viết Trung: "3G là cơ hội phát triển quan trọng vì băng tần 2G hiện nay của Viettel đã quá hẹp bởi lượng thuê bao lớn. Ảnh: B.M.

Viettel được ghi nhận là doanh nghiệp đưa ra kế hoạch chi tiết và cụ thể nhất, với tham vọng sau 9 tháng sẽ hoàn thành việc phủ sóng toàn quốc với 5000 trạm Node phát sóng, trong năm đầu tiên lắp đặt 9.000 trạm, tập trung tại các tỉnh thành phố lớn. Dự kiện trong 2 năm đầu tiên sẽ có 5% thuê bao sử dụng dịch vụ 3G, tương đương 2,8 triệu, sau 5 năm đạt 5 triệu thuê bao và sẽ đạt mức phát triển tối đa khoảng 20 triệu thuê bao.

Trong phần giới thiệu về kế hoạch triển khai của Viettel, ông Tống Viết Trung Giám đốc công ty Viettel Telecom cho rằng "3G là cơ hội phát triển quan trọng vì băng tần 2G hiện nay của Viettel đã quá hẹp vì lượng thuê bao lớn. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi đưa Internet đến được tới mọi người dân." Tuy nhiên ông Trung cũng đề cập những khó khăn là kế hoạch triển khai khá nhanh, đòi hỏi tập trung cao, và các nội dung cho dịch vụ 3G vẫn chưa sẵn sàng, chẳng hạn như các nội dung web hiện tại vẫn khó xem trên màn hình di động.

Ông Như Anh, Phó GĐ MobiFone: Lợi nhuận thu được từ 3G mới là mục tiêu hướng tới của MobiFone". Ảnh: B.M.
Ông Như Anh, Phó GĐ MobiFone: Lợi nhuận thu được từ 3G mới là mục tiêu hướng tới của MobiFone". Ảnh: B.M.

Phần giới thiệu của MobiFone không đưa ra nhiều số liệu chi tiết về kế hoạch triển khai. Ông Như Anh, Phó giám đốc MobiFone cho biết sẽ triển khai dịch vụ 3G với tốc độ kết nối 64kbs khi đã hoàn thiện lắp đặt các trạm Node (trạm phát sóng cho mạng 3G), ban đầu sử dụng công nghệ HSDPA sau đó đi lên HSPA. MobiFone cam kết trong 3 tháng kể từ ngày nhận giấy phép sẽ cung cấp dịch vụ tới khách hàng với số lượng khoảng 2000 trạm Node, và trong giai đoạn tiếp theo sẽ phủ sóng ra phạm vi toàn quốc.

Khi được hỏi về kế hoạch phát triển thuê bao 3G trong 3 năm tới, ông Như Anh trả lời "vòng" sang vấn đề mỗi mạng di động có một chiến lược phát triển thuê bao khác nhau, nhưng lợi nhuận thu được từ 3G mới là mục tiêu hướng tới của MobiFone và mạng này kỳ vọng sẽ thu được lợi nhuận từ 3G tương đương như với mạng 2G hiện nay. Tuy nhiện ông Như Anh cũng nhấn mạnh rằng yếu tố quan trọng then chốt trong việc phát triển 3G chính là phát triển nội dung số để khai thác được những tính năng khác biệt so với dịch vụ 2G hiện nay.

Nội dung số - vấn đề sống còn

Đại điện EVN Telecom cho biết mạng này và Hanoi Telecom sẽ sử dụng chung hạ tầng sẵn có của nhau để cùng triển khai giấy phép 3G theo tỉ lệ 50-50. Ngay trong giai đoạn 9 tháng đầu liên danh 3G này sẽ triển khai 2500 trạm Node B, trong đó 1000 trạm sẽ được đầu tư ngay vào công nghệ HSPA. Liên danh này hy vọng trong vòng 3 năm sẽ lắp đặt được 5000 trạm Node để có thể cung cấp dịch vụ 3G trên toàn quốc.

Đại điện EVN Telecom cho biết sẽ cùng Hanoi Telecom sử dụng chung hạ tầng sẵn có để triển khai giấy phép 3G theo tỉ lệ 50-50. Ảnh: B.M.
Đại điện EVN Telecom cho biết sẽ cùng Hanoi Telecom sử dụng chung hạ tầng sẵn có để triển khai giấy phép 3G theo tỉ lệ 50-50. Ảnh: B.M.

Cũng theo đại diện EVN Telecom, do băng tần hiện đang sử dụng của EVN Telecom bị can nhiễu rất nhiều ở tần số 450MHz gây ảnh hưởng chất lượng, nên việc triển khai dịch vụ 3G cũng là cơ hội để mạng 096 giải quyết được dứt diểm khó khăn về can nhiễu. Doanh nghiệp này kỳ vọng sẽ chiếm 15-16% thị phần trong năm đầu tiên, và 20-30% trong 3 năm sau.

Về những khó khăn, đại diện EVN Telecom cũng cho rằng thời hạn quá gấp sẽ khó khả thi vì khả năng xây lắp của các nhà thầu trong nước còn hạn chế. Mạng di động 096 cũng đề xuất Bộ TT&TT về việc cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị viễn thông, xác nhận thiết bị đồng bộ và hợp chuẩn hiện cũng mất một khoảng thời gian khá dài, và cần rút ngắn hơn. Ngoài ra EVN Telecom cũng đề xuất Bộ TT&TT hỗ trợ việc truyền thông tới người dân để thấy rõ sự ưu việt của hệ thống 3G và giảm bớt việc khiếu kiện, cản trở tiến độ xây lắp cơ sở hạ tầng mạng.

Phó Giám đốc VinaPhone Hoàng Trung Hải: "sự khác biệt giữa 3G và dịch vụ 2G chính là ở vấn đề dữ liệu và tiện ích để sử dụng trên nền tảng 3G". Ảnh: B.M.
Phó Giám đốc VinaPhone Hoàng Trung Hải: "sự khác biệt giữa 3G và dịch vụ 2G chính là ở vấn đề dữ liệu và tiện ích để sử dụng trên nền tảng 3G". Ảnh: B.M.

Ông Hoàng Trung Hải, Phó Giám đốc VinaPhone cho biết dự kiến đến quý III năm 2009 mạng di động này sẽ đưa dịch vụ 3G vào khai thác. Về thuận lợi, các trạm Node B phát sóng sẽ tận dụng được hệ thống các trạm BTS 2G sẵn có. Mạng này cũng có lợi thế về việc sử dụng hệ thống truyền dẫn của bưu điện các tỉnh thành, có thể đáp ứng tốt nhu cầu băng thông rộng của 3G.

Về tiến độ triển khai, trong năm 2009 Phó GĐ VinaPhone cho biết sẽ triển khai 3.000 trạm Node B, và trong 3 năm đầu sẽ triển khai 10.000 Node B, và trong 3 năm sau khoảng 15.000 Node B.

Ông Hải cũng nhấn mạnh tới sự khác biệt giữa 3G và dịch vụ 2G chính là ở vấn đề dữ liệu và tiện ích để sử dụng trên nền tảng 3G. Ngoài việc chủ động xây dựng các dịch vụ nội dung cho 3G, Ông Hải cho biết quan điểm của VinaPhone là sẽ xã hội hoá dịch vụ nội dung này để tất cả các nhà cung cấp dịch vụ nội dung (CP) kể cả trong nước và nước ngoài đều có thể tham gia cung cấp.

Trong năm đầu, VinaPhone dự kiến doanh thu 3G sẽ đạt khoảng 5-10% so với 2G hiện nay, sau 2-3 năm sẽ đạt khoảng 30% và tiếp theo đó là phát triển tổng thể.

Thời điểm phù hợp để triển khai

Trả lời tại buổi toạ đàm về thời điểm cấp phép 3G, Thứ trưởng thường trực Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho rằng "thời điểm cấp phép 3G như hiện nay là phù hợp. Nếu cấp phép quá sớm, không đúng thời điểm thì có thể gây lãng phí, và ngược lại nếu muộn cũng không mạng lại hiệu quả. Do đó, trước khi triển khai cấp phép 3G, Bộ TT&TT cũng đã có những nghiên cứu đánh giá về thị trường trong nước, các điều kiện thực tế của doanh nghiệp Việt Nam và quyết định triển khai 3G".

"Lợi ích đằng sau việc triển khai 3G sẽ là tạo ra một xã hội thông tin mà trong đó cả doanh nghiệp và người dùng đều được hưởng lợi". Ảnh: B.M.
"Lợi ích đằng sau việc triển khai 3G sẽ là tạo ra một xã hội thông tin mà trong đó cả doanh nghiệp và người dùng đều được hưởng lợi". Ảnh: B.M.

"Việc đúng thời điểm thể hiện ở một số góc độ: Về mặt phát triển kinh tế vĩ mô, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, Chính phủ Việt Nam cũng cần thúc đẩy đầu tư. Việc các doanh nghiệp di động cam kết đầu tư 2 tỉ USD trong vòng 3 năm tới sẽ tạo ra công ăn việc làm, tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp phụ trợ khác như công nghiệp thiết bị đầu cuối, thiết bị mạng lưới, công nghiệp nội dung số phát triển đồng bộ cùng hạ tầng mạng lưới 3G".

"Về mặt kinh tế, đến thời điểm hiện nay, giá thiết bị hạ tầng, thiết bị đầu cuối giảm hơn rất nhiều so với trước đây, nhưng nếu để chậm hơn nữa, khi các nước khác đã phát triển 3G xong thì cũng không tạo được điều kiện phát triển kinh tế hiệu quả nữa."

"Về tốc độ thị trường, hầu hết các doanh nghiệp di động Việt Nam cũng mới triển khai 2G cách đây 4-5 năm, và cũng cần có thời gian để các doanh nghiệp thu hồi vốn, có lãi và tái đầu tư. Nếu triển khai 3G sớm 4-5 năm trước thì hạ tầng 2G cũng chưa có, đầu tư ngay vào 3G cũng rất tốn kém. Cho nên đây là thời điểm đầu tư 3G phù hợp ở góc độ thị trường".

"Về mặt công nghệ, nếu triển khai sớm 3-5 năm trước, chúng ta cũng sẽ chỉ triển khai được công nghệ WCDMA và sau đó phải nâng cấp tiếp. Còn hiện nay, Việt Nam có thể triển khai thẳng lên công nghệ HSPA 3,5G ngay tại thời điểm này. Đây chính là lợi thế của chúng ta, tuy đi sau nhưng lại đuổi kịp".

"Do đó, tôi nghĩ việc triển khai 3G vào thời điểm này là phù hợp cả về kinh tế, thị trường và công nghệ. Còn việc triển khai hạ tầng 3G có lãng phí hay không, thì trong hội nghị vô tuyến di động toàn cầu mới đây ở Bacelona, theo kinh nghiệm các nước phát triển thì cứ tăng trưởng 10% dân số băng rộng sẽ mang lại mức tăng trưởng GDP 0,6%. Việc thúc đẩy phát triển hạ tầng băng rộng chắc chắn sẽ thúc đẩy phát triển GDP của đất nước".

"Lợi ích đằng sau việc triển khai 3G sẽ là tạo ra một xã hội thông tin mà trong đó cả doanh nghiệp và người dùng đều được hưởng lợi, và không thể chỉ đo đếm bằng lợi nhuận của các doanh nghiệp viễn thông."

"Ranh giới giữa 2G và 3G sẽ dần bị xoá bỏ và sẽ cùng hội tụ trên một nền tảng di động băng rộng và các khách hàng 2G sẽ chuyển dần sang 3G, chứ không phải sẽ có một tập khách hàng riêng cho 3G. Người dùng sẽ tự tìm thấy những lợi ích của họ và chuyển dần từ dịch vụ 2G sang 3G", Thứ trưởng Lê Nam Thắng nhận định.

Theo Bình Minh ghi (VNN)

Đọc thêm