Tình báo thời công nghệ số

CIA đang ứng dụng nhiều công nghệ web 2.0 cho hoạt động tình báo - Ảnh: AP
CIA đang ứng dụng nhiều công nghệ web 2.0 cho hoạt động tình báo - Ảnh: AP

Nhiều năm qua, cộng đồng tình báo Mỹ bị chỉ trích là đã không kết nối được các thông tin trước vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001. Có thể nói hệ thống tình báo Mỹ được cấu trúc để trả lời những câu hỏi từ thời chiến tranh lạnh, kiểu như có bao nhiêu tên lửa ở Siberia.

Đối đầu cũ - mới

Năm 2005, các cơ quan tình báo Mỹ tổ chức một cuộc thi viết tiểu luận để phát hiện các ý tưởng mới về chia sẻ thông tin. Một tiểu luận được đánh giá cao là “Từ điển Wiki và blog: hướng tới một cộng đồng tình báo phức tạp và có khả năng thích ứng” của Calvin Andrus, chuyên gia công nghệ thuộc Trung tâm cải tổ nhiệm vụ thuộc CIA. Trong đó, Andrus phân tích sức mạnh thật sự của Internet xuất phát từ sự bùng nổ của hiện tượng “tự xuất bản”, và nhấn mạnh chính sách mở cửa của Wikipedia đã cho phép trang web này xử lý các chủ đề mới cực nhanh.

Thu thập thông tin cực nhanh

Ông Michael McConnell, cựu giám đốc tình báo quốc gia Mỹ (NI), khẳng định ngày càng nhiều chuyên gia phân tích tình báo Mỹ đăng ký sử dụng Intellipedia để thu thập thông tin về các chiến dịch và sự kiện diễn ra hằng ngày, học hỏi kiến thức, thành lập các đội hợp tác ảo trên mạng và đưa ra các đánh giá nhanh.

Một ví dụ cho thấy tính hiệu quả của Intellipedia là khi lần đầu tiên các tay súng ở Iraq sử dụng chlorine trong thiết bị gây nổ, một chuyên viên đã lên Intellipedia hỏi các nhân viên tình báo ở chiến trường nên làm gì để thu thập bằng chứng về chlorine. “Có tới 23 người ở 19 địa điểm trên thế giới đã phản hồi, và chỉ trong hai ngày chúng tôi đã có một bản hướng dẫn hoàn hảo - ông Tom Fingar, người đứng đầu Hội đồng tình báo quốc gia từ năm 2005-2008, cho biết - Chẳng phải họp hành hay phải hỏi ý kiến sếp xem đây có phải là quan điểm của cơ quan mình không”.

Andrus cho rằng sau sự kiện 11-9, nước Mỹ cần một công cụ để xử lý nhanh các mối đe dọa phức tạp và biến đổi chớp nhoáng. Các tổ chức tình báo cần có khả năng thích ứng và đưa ra các quyết định dựa trên sự hợp tác từ dưới lên, giống như các thị trường tài chính hoặc Wikipedia. Hai chuyên gia phân tích Sean Dennehy và Don Burke đã dựa trên ý tưởng của Andrus và xây dựng một trang Wikipedia cho cộng đồng tình báo. Được sự ủng hộ của Văn phòng giám đốc tình báo quốc gia (ODNI), Intellipedia đã ra đời.

Ban đầu ý tưởng Intellipedia vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của giới tình báo kỳ cựu. Nhiều chuyên gia phân tích cũ thích sử dụng hệ thống dữ liệu riêng của từng cơ quan tình báo, và khi được đề nghị tham gia dự án thì từ chối với lý do... quá bận. Một số cho rằng ý tưởng này là mạo hiểm bởi nguy cơ thông tin mật bị chia sẻ và rò rỉ, và hệ thống Intellipedia có thể bị người ngoài xâm nhập. Tuy nhiên, ODNI nhận định đó là sự mạo hiểm đáng giá.

Trang Intellipedia chính thức ra mắt vào năm 2006 trong sự nghi ngại bởi chứa thông tin về các khu vực, con người và các vấn đề mà giới tình báo quan tâm. Nó cũng sử dụng phần mềm MediaWiki giống như trang web Wikipedia. Một trong những vấn đề lớn nhất của những người tạo ra Intellipedia là phải thuyết phục các điệp viên vốn quan ngại về chuyện an ninh rằng hệ thống này sẽ an toàn trước sự tấn công từ bên ngoài. Họ đã xây dựng Intellipedia trong hệ thống tối mật Intelink, kết nối 16 cơ quan tình báo Mỹ cũng như quân đội, Bộ Ngoại giao và các cơ quan được phép tiếp cận thông tin tình báo.

Sau ba năm, Intellipedia đã bùng nổ. Hiện Intellipedia có 900.000 trang tài liệu tình báo, xử lý 100.000 tài khoản người sử dụng và có 5.000 trang được biên tập mỗi ngày. Trang web này có ba lĩnh vực hoạt động: thông tin công khai, mật và tối mật. Trong đó vùng tối mật là vùng hoạt động mạnh mẽ nhất với gần 440.000 trang tài liệu và 57.248 tài khoản người sử dụng. Giống như Wikipedia, các bài viết xuất hiện liên tục mỗi ngày. Ví dụ một trang về vụ tấn công khủng bố ở Mumbai tháng 11-2008 xuất hiện chỉ vài phút sau khi vụ việc nổ ra. Tuy nhiên, tác giả các bài viết phải công khai danh tính.

Tình báo dựa trên web 2.0

Lưu lượng truyền tải trên Intellipedia lớn đến nỗi cuối năm 2008, ODNI đã phải xin thêm tiền để nâng cấp các máy chủ của hệ thống. Dù vậy, giới tình báo thừa nhận Intellipedia vẫn chỉ là một công cụ bổ sung cho công việc của các nhà phân tích tình báo Mỹ. Đến nay, chưa một sản phẩm tình báo hoàn chỉnh nào xuất phát từ Intellipedia. Các báo cáo tình báo quốc gia vẫn được viết theo cách truyền thống, được đưa ra đánh giá để đạt sự đồng thuận.

Khi Tom Fingar định lập một báo cáo về Nigeria dựa trên Intellipedia vào năm 2006, ông đã thất bại do trang web chỉ đưa ra một thác thông tin. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng vấn đề không phải là Intellipedia không thể viết được các báo cáo, mà chủ yếu do những người ra quyết định dựa quá nhiều vào báo cáo. “Người ta quá tập trung vào các báo cáo hoàn chỉnh” - chuyên gia Greg Treverton nhận định.

Ngoài Intellipedia, các cơ quan tình báo Mỹ cũng ngày càng ngả theo xu hướng sử dụng các phần mềm mạng xã hội và web để chia sẻ thông tin. Hiện các nhân viên ngành tình báo Mỹ đang trao đổi khoảng 5 triệu tin nhắn mỗi ngày qua các công cụ Jabber và IBM Lotus Sametime. Một công cụ tìm kiếm dựa trên công nghệ Google giúp phân loại 92 triệu tài liệu và xử lý 2 triệu câu hỏi mỗi tháng. Một trang web cho phép chia sẻ, phân tích dữ liệu ảnh và video về các sự kiện như vụ Trung Quốc bắn tên lửa phá hủy một vệ tinh hồi năm ngoái.

Nguồn tin từ ngành tình báo cho biết Chính phủ Mỹ đang theo đuổi thực hiện nhiều sáng kiến tình báo mới, trong đó có việc thúc đẩy khả năng tìm kiếm hơn nữa. Ví dụ, các cơ quan tình báo đang hợp tác với một công ty để cung cấp công nghệ vẽ một bức tranh rồi tìm ảnh tương ứng, công nghệ tìm kiếm từ ngữ để phân tích cảm xúc và tổng hợp tài liệu. Một công cụ khác để giới tình báo Mỹ sử dụng để chia sẻ thông tin là Microsoft SharePoint. “Đó là một trong những sản phẩm mà chúng tôi không thể làm lơ được nữa” - chuyên gia tình báo Michael Kennedy cho biết.

Theo Hiếu Trung (Tuổi Trẻ)

Đọc thêm