Tin tặc Trung Quốc tấn công IMF

Tin tặc Trung Quốc tấn công IMF ảnh 1

Kết luận của FBI liệu có ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa tổng giám đốc Christine Lagarde (phải) và cấp phó Chu Dân (trái) của Quỹ Tiền tệ quốc tế? - Ảnh: Reuters

Theo Hãng tin Bloomberg, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã đi đến kết luận này dựa theo phân tích các mã lập trình được sử dụng trong vụ tấn công cũng như dấu vết các địa chỉ Internet kết nối với các máy tính bị xâm phạm của IMF và bằng chứng khác. Vụ tấn công, kết thúc vào ngày 31-5, khá phức tạp khi tin tặc sử dụng các máy chủ đặt tại nhiều nước bao gồm Mỹ và các mã độc nhằm qua mặt hệ thống an ninh. Cả IMF và Trung Quốc đều chưa đưa ra bình luận gì về kết quả điều tra của FBI.

Hồi tháng 6-2011, IMF thừa nhận các tập tin dữ liệu của mình đã bị sao chép, nhưng khẳng định hệ thống email, tài chính hay quản lý tài liệu nguồn quỹ chưa bị xâm nhập. Mã độc xuất phát từ một tập tin do một nhân viên IMF tải về máy tính cá nhân và nhanh chóng lây lan qua nhiều máy. IMF đã phải tạm ngừng mọi giao thiệp điện tử với Ngân hàng Thế giới để phòng ngừa thiệt hại.

Ngay sau vụ việc, nhiều người đã nghi ngờ Trung Quốc song Bắc Kinh phủ nhận mọi cáo buộc. Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington (Mỹ) tuyên bố tin tặc là “vấn nạn toàn cầu” cho nhiều quốc gia và “thật là vô trách nhiệm khi cho rằng Trung Quốc có liên quan”. IMF hôm 22-7 cho biết vẫn đang điều tra song “có thể sẽ không bao giờ biết được ai gây ra vụ tấn công này”. Tuy nhiên, một bức thư điện tử nội bộ của IMF cho thấy tổ chức này đã hoàn tất việc điều tra từ giữa tháng 7-2011 và đã soạn sẵn một “bản đánh giá ảnh hưởng hoạt động”.

Rõ ràng là kết luận của FBI gây nhiều sức ép lên mối quan hệ giữa tân tổng giám đốc IMF Christine Lagarde và phó tổng giám đốc điều hành người Trung Quốc Chu Dân mới được bổ nhiệm như một sự trả ơn cho sự ủng hộ của Trung Quốc trong đợt tranh cử của bà Lagarde. Theo Finance Times, nhiều khả năng vụ việc sẽ được giải quyết bằng các kênh ngoại giao thay vì dắt nhau ra tòa án.

Giới phân tích nhận định các thông tin của một tổ chức tài chính toàn cầu như IMF có giá trị rất lớn đối với những người muốn đầu tư vào các thị trường tài chính trên thế giới. Nội dung các cuộc thảo luận cấp cao của IMF, chẳng hạn về cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, rõ ràng sẽ giúp Bắc Kinh thu lợi. Đây không phải lần duy nhất tổ chức này bị tin tặc đánh cắp thông tin trong vài năm trở lại đây.

FBI và các quan chức tình báo Mỹ trước đây cũng nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh thực hiện các chiến dịch tấn công mạng nhắm vào hệ thống vi tính của chính quyền nước này và các ngành nhạy cảm như công nghệ thông tin và quốc phòng. Điển hình là việc Google rút khỏi Trung Quốc hồi đầu năm do bị tấn công. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây cũng úp mở về việc một “chính phủ nước ngoài” đứng đằng sau vụ đánh cắp 24.000 trang tài liệu công nghệ kèm theo công bố chiến lược tăng cường an ninh cho mặt trận mạng.

“Trung Quốc cần phải quyết định xem họ sẽ là một nền kinh tế có tính hợp tác toàn cầu hay chỉ theo đuổi lợi ích quốc gia” - C. Fred Bergsten, lãnh đạo Viện kinh tế toàn cầu Peterson, nhận định.

Theo Trần Phương (Tuổi Trẻ)

Đọc thêm