Tin nhắn lừa: Bệnh cũ chưa thuốc chữa

dư luận nhiều lần cảnh báo nhưng hình thức quảng cáo lừa đảo bằng tin nhắn qua điện thoại di động vẫn xuất hiện với tần suất ngày càng dày đặc.

Trăm vạn trò lừa

Nhiều khách hàng vẫn mắc bẫy kẻ gian bởi tin nhắn lừa đảo kiểu như “Bạn nhận được quà tặng từ một bạn giấu tên, soạn tin nhắn gửi 8779 để nhận quà”, “Ban nhan duoc qua tang am nhac tu nguoi thuong gui tang qua dịch vụ mang. De nhan qua & biet ten nguoi gui tang…”.

Mới đây nhất, trong tháng 2-2010, hàng trăm khách hàng phải “ôm hận” về tin nhắn lừa đảo trúng thưởng lớn có nội dung “Chuc mung ban da nhan duoc mot chiec dien thoai V850i tu chuong trinh quay so ngau nhien cua MobiFone, soan tin XU V850i15 va gui 5 lan den 6769 de xem chi tiet”. Theo đó, kẻ gian tạo một hoặc nhiều tài khoản game online trùng với các nhãn hiệu điện thoại IPod, xe máy… và gửi tin nhắn trúng thưởng để lừa đảo. Nếu cả tin làm theo tin nhắn, chủ thuê bao sẽ bị trừ tiền oan 15.000 đồng cho một lần nhắn.

Anh Q. nhận được tin nhắn “De nhan qua tang ve DT, nhan tin theo cu phap W roi gui ve so 6768”. Tưởng thật, anh Q. đã gửi tin nhắn đến số 6768 bốn lần nhưng vẫn không thấy quà, kiểm tra tài khoản đã mất đi 60.000 đồng.

Tin nhắn lừa: Bệnh cũ chưa thuốc chữa ảnh 1

Các tin nhắn rác không rõ nguồn gốc và mang tính chất lừa đảo.

Khách hàng cần tự bảo vệ

Điều kiện để tin nhắn lừa đảo hoành hành là do việc quản lý SIM khuyến mãi vẫn còn lỏng lẻo dù đã có quyết định về đăng ký thông tin thuê bao. Theo khảo sát tại các điểm bán SIM di động tại TP.HCM, chỉ cần khoảng 50.000 đồng là khách hàng có hơn 150.000 đồng tiền khuyến mãi trong tài khoản và không cần đăng ký thông tin vẫn có thể sử dụng tốt. Từ những số SIM này, kẻ gian dễ dàng phát tán tin nhắn lừa mà khó ai lần ra dấu vết. Mặt khác, một số doanh nghiệp thu thập thông tin số điện thoại của cá nhân thông qua các diễn đàn và các trang web mua bán, sau đó tha hồ spam quảng cáo.

Mặc dù mức lừa trong các tin nhắn lừa đảo không lớn nhưng số người mắc bẫy không phải là nhỏ nên những kẻ trục lợi thu được số tiền cũng không nhỏ. Hơn nữa, phần lớn người dùng điện thoại di động không phân biệt được đâu là thông tin thật.

Khá đau đầu với tình trạng lợi dụng tin nhắn để lừa nạp tiền vào game, bà Nguyễn Hoàng Quế Nga, Phó Tổng Giám đốc Công ty ViNaGames, cho biết tin nhắn lừa đảo không chỉ khiến các thuê bao di động bức xúc mà còn là vấn đề làm đau đầu đối với doanh nghiệp. “So với số tiền các thuê bao bị trừ từ việc nạp tin nhắn lừa đảo thì thiệt hại về uy tín của công ty đối với khách hàng, đối tác còn lớn hơn rất nhiều lần” - bà Nga than vãn.

Bà Nguyễn Thu Hồng, phụ trách truyền thông của VinaPhone, cũng cho biết thời gian qua, VinaPhone liên tục thực hiện hàng loạt khuyến cáo đối với khách hàng và các doanh nghiệp cung cấp tin nhắn quảng cáo. Với tin nhắn của VinaPhone luôn đính kèm chi tiết từ chối nhận quảng cáo và khách hàng không phải mất tiền khi nhắn tin từ chối nhận. Khi phát hiện ra các tin nhắn lừa đảo thì VinaPhone sẽ mạnh dạn cắt số thuê bao và có biện pháp xử lý. Cũng theo bà Hồng, khách hàng nên cẩn trọng xem xét các thông tin nhắn từ các tổng đài tin nhắn để đảm bảo an toàn và khách hàng nên tự bảo vệ mình là chính.

Còn theo MobiFone, mạng này đã gửi văn bản cảnh báo các CP (các đơn vị mời chào sử dụng dịch vụ nội dung) không được trực tiếp hay gián tiếp gửi tin nhắn quảng cáo, mời chào sử dụng dịch vụ nội dung, gửi các tin nhắn với nội dung không rõ ràng, có dấu hiệu lừa đảo tới khách hàng qua các đầu số 8xxx và 6xxx. Nếu có bằng chứng, ngay lập tức MobiFone sẽ dừng hợp tác và thu hồi đầu số, thông báo tới các cơ quan quản lý nhà nước xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Giải pháp từ chối quảng cáo

Ông Đỗ Võ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo quản trị và an ninh mạng Athena, cho biết thời gian qua có rất nhiều thông tin về nạn lừa đảo, quảng cáo tin nhắn, thế nhưng trong một xa lộ thông tin phát triển bùng phát như hiện nay thì chính người dùng phải tập làm quen và tự bảo vệ mình là chính.

Hiện nay, các mạng có cung cấp giải pháp chặn tin nhắn. Ngoài ra, khách hàng có thể sử dụng phần mềm của hãng thứ ba để cài đặt trên điện thoại nhằm chặn tin nhắn rác, chẳng hạn với iPhone có iBlacklist hoặc Pysl, còn Nokia, Samsung, Sony Ericsson dùng hệ điều hành Symbian thì có các phần mềm SMS Spam Manager, Handy Blacklist...

Mức phạt tối đa đến 30 triệu đồng

Theo Nghị định 90 ngày 13-8-2008 của Chính phủ, cơ quan thẩm quyền có quyền phạt tiền 10-20 triệu đồng đối với hành vi gửi quá năm tin nhắn quảng cáo tới một thuê bao trong vòng 24 giờ/ngày hoặc gửi tin nhắn quảng cáo ngoài khoảng thời gian 7-22 giờ hằng ngày, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với người nhận. Tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm có thể bị tịch thu. Đồng thời, tạm đình chỉ 1-3 tháng hoặc đình chỉ vĩnh viễn hoạt động quảng cáo. Cũng theo Nghị định 90, chánh thanh tra chuyên ngành thông tin và truyền thông cấp sở có thẩm quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 30 triệu đồng; tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính. Tuy nhiên, thực tế vừa qua hiếm có trường hợp vi phạm nào bị xử phạt.

ĐINH THỊ QUỲNH NHƯ, Văn phòng luật sư An Luật

NHƯ VŨ

Đọc thêm