Thuê bao di động tự móc túi mình

Tuy không phải là chiêu thức mới nhưng không ít người vẫn tự móc túi mình với số tiền lên tới hàng triệu đồng. Anh Chiến, ở Hà Nội kể, cách đây 2 ngày khi đang làm việc với khách hàng thì điện thoại của anh đổ chuông. Nhấc máy, anh Chiến nghe một giọng khá lạ. Người này tự xưng là Hải và gọi chú xưng anh khá thân mật. Anh Chiến chột dạ hỏi: Có phải anh Hải ở Yên Bái không?

Thuê bao di động tự móc túi mình ảnh 1

Không còn là những tin nhắn lừa, các thuê bao di động đang đối diện với rất nhiều nguy cơ mất tiền oan. Ảnh: H.H.

Anh Hải cho biết do có quen nhiều người tên Hải, trong đó có một người ở Yên Bái nên khi nghe điện thoại với cách xưng hô như vậy, anh cứ cứ ngỡ là khách hàng của mình.

Người đàn ông phía đầu dây khi thấy anh Chiến nhắc đến cái tên Hải, Yên Bái liền khẳng định ngay đó là mình, rồi giải thích do sim điện thoại cũ bị cháy nên dùng số điện thoại khuyến mãi để gọi cho anh Chiến. Anh này còn cho biết vừa xuống Hà Nội công tác và bị ốm, điện thoại lại hết tiền nên chưa thể ra ngoài nên nhờ anh Chiến mua hộ một thẻ cào.

"Anh Hải ở Yên Bái vốn là khách hàng thân thiết nên tôi không mảy may nghi ngờ bèn mua ngay một thẻ 200.000 đồng rồi nhắn mã 12 chữ số cho số máy của người đàn ông kia", anh Chiến nói. Cẩn thận hơn, anh còn gọi điện check lại thông tin xem khách của mình đã nhận được thẻ chưa. Người đàn ông này cho biết đã nhận được thẻ và gạ anh Chiến nạp tiếp cho 500.000 đồng nữa vì hôm đó có khuyến mãi của nhà mạng.

Lúc bấy giờ anh mới chột dạ và nghĩ mình bị lừa. Anh Chiến gọi điện cho bạn hàng tên là Hải ở Yên Bái theo số máy lưu trong danh bạ. "Điện thoại vẫn đổ chuông và khách hàng của tôi khẳng định anh ấy đang ở Yên Bái và không biết gì đến chuyện vừa xảy ra. Biết chắc mình bị lừa, tôi gọi đến số máy kia chỉ nghe tiếng tò tí te. Rất may tôi mới chỉ mất có 200.000 đồng", anh Chiến cho biết.

Vài tháng trước, anh Văn ở Phú Lương, Hà Đông, Hà Nội cũng kể lại trường hợp tương tự. Nhận được điện thoại từ một người đàn ông tên là Hùng nói là từng quen biết với gia đình mình, anh Văn chẳng chút nghi ngờ dốc cả chục triệu đồng để mua xổ số qua di động, dưới dạng tích lũy điểm. Hình thức chơi là đánh số theo dạng tích lũy điểm, mỗi điểm nếu trúng sẽ tương đương khoảng 10.000 đồng.

"Tôi nghe giọng của Hùng rất nhiệt tình nên tích góp số tiền hiện có là 5 triệu đồng để gửi cho Hùng", anh Văn cho biết. Tiền gửi đi, 2 ngày sau, Hùng gọi cho anh Văn và nói rằng anh đã trúng số và tích lũy được 5.000 điểm, tương đương với 50 triệu đồng. Thấy cơ hội vận may đang tới nên anh Hùng và bà xã gom góp số tiền 15 triệu đồng nữa để gửi cho Hùng. Mấy người bạn của vợ chồng anh Văn nghe chuyện trúng số cũng đã tham gia đánh số và có 5 người đã tham gia với tổng số tiền là 15 triệu đồng nữa.

Sau các lần tham gia, số tiền mà anh Văn cùng những người bạn gửi cho Hùng tổng cộng là 35 triệu đồng. Nếu trúng giải, tổng số tiền sẽ được nâng lên 350 triệu đồng. Tỷ lệ ăn chia 85-15, anh Văn hưởng 85% còn thành viên môi giới, trong đó có Hùng được hưởng 15%. Thấy cách thức kiếm tiền này ngon ăn anh Văn cùng những người thân không nghi ngờ nhiều, cứ gửi tiền và chờ đợi. Tuy nhiên, gần 2 tháng nay chưa thấy động tĩnh gì, anh Văn mới vỡ ra mình bị lừa.

Thời gian gần đây, người dùng di động cũng thường xuyên nhận được những lời chào mời chơi xổ số, thử vận may hoặc trúng các giải thưởng qua tin nhắn. Lời chào mời thường vẽ cho người ta miếng bánh ngon, với các phần quà giải thưởng lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Không chỉ đơn thuần là điện thoại xịn, xe Piaggio, chị Hạnh ở Hà Nội mới đây cũng mất tới gần 200.000 đồng vì mải theo đuổi một kg vàng 999 mà một người nào đó thông báo chị đã trúng giải thưởng. Muốn nhận quà, chị phải gửi tin nhắn đến đầu số và tham gia chương trình chơi tích điểm.

Mất tiền mới biết mình bị lừa đã trở thành câu chuyện dài kỳ của các khách hàng dùng di động trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhìn nhận, không có lời cảnh báo hoặc công cụ nào tốt và hữu hiệu bằng tự khách hàng phải bảo vệ chính mình. Đồng tiền vốn dĩ phải đi liền với khúc ruột và câu nói: "Không có bữa tiệc nào miễn phí" có thể đúng trong rất nhiều trường hợp.

Theo Hồng Anh (VNE)

Đọc thêm