Thú vui giải trí "miễn phí" của giới trẻ

Thịnh (sinh viên khoa Kinh tế - Đại học Quốc gia TP HCM) rất mê nhạc của Mariah Carey. Mỗi lần nữ ca sĩ này ra album hay một bài hát mới là Thịnh cố lục lọi, tìm kiếm trên mạng để tải về bằng được. Anh chàng này hay lên các diễn đàn, trang web âm nhạc để nghe thử và tìm link tải. Đối với Thịnh đây là niềm vui được "sống chung" với thần tượng của mình sau những giờ học căng thẳng.

Theo Thịnh, album của các ca sĩ nổi tiếng thế giới rất khó mua trong nước, nếu có thì giá cũng quá đắt so với túi tiền sinh viên. Lên mạng tải về là cách nhanh, tiện lợi nhất và đôi khi còn tìm được những bản nhạc chất lượng cao.

"Khi album chưa kịp xuất hiện ở cửa hàng bán đĩa thì tụi mình đã chuyền tay nhau nghe hết", Thịnh nói. Anh đang chờ tải album Memory of an unperfect angel của Mariah Carey và tin rằng sẽ có được ngay trong ngày đầu tiên tác phẩm ra mắt thị trường Mỹ (18/9).

Hiện nay các ca khúc hay bộ phim đang "hot" bị rò rỉ sớm trên mạng rất phổ biến. Chỉ cần đường truyền ổn định, một khoản tiền cước phí hàng tháng cho Internet thì các bạn trẻ đã có thể thưởng thức nhiều tác phẩm nghệ thuật hoàn toàn miễn phí.

Diễm, sinh viên Đại học KHXH&NV TP HCM, lại có sở thích tìm và tải phim. Bất kể dài tập hay phim lẻ, hễ chúng đang được thảo luận sôi nổi trên các diễn đàn là Diễm quyết phải xem bằng được. Cô bật máy tính cả ngày để tải về cho kịp cơn "nghiền".

Những tưởng chất lượng phim trên mạng sẽ thấp nhưng theo Diễm, nếu biết cách tìm vẫn có thể tìm được phim với hình ảnh đẹp, thậm chí có cả HD. "Quan trọng là phải chịu khó chờ tải về chứ chất lượng thì không cần bận tâm. Bạn còn có thể xem phim sớm hơn khi thời điểm được công chiếu ở Việt Nam", Diễm cho hay. Chẳng hạn, phim Boys over flower dự kiến sẽ được chiếu ở Việt Nam vào cuối năm nhưng các diễn đàn trong nước đã cập nhật phụ đề và chia sẻ file cách đây cả tháng.

Cả Thịnh và Diễm đều biết tải phim - ảnh - nhạc như thế là vi phạm bản quyền, nhưng họ vẫn xem đây là chuyện bình thường bởi đó là một cái thú riêng của cộng đồng mạng.

Trao đổi với PV, anh Tân, chủ cửa hàng băng đĩa Khánh Hà, (TP HCM), cho biết sức mua đã giảm đáng kể từ hơn một năm nay. Khách đến cửa hàng cũng ngày một vắng đi những gương mặt trẻ. Theo anh, sự phổ biến của Internet và sự phong phú của các website giải trí khiến ít ai cần mua đĩa như trước. "Một CD giá 7.000 đồng và DVD 13.000 đồng chẳng còn hút khách nữa, hầu như chỉ có những chương trình nào hay lắm mới có người ra tiệm để mua đĩa", anh nói.

Anh Ngọc Khôi. quản trị trang thông tin svbaochi.net, cho biết tình trạng nghe và xem "free" ở trên mạng đã thành một thói quen, thú vui của giới trẻ. Vấn đề bản quyền trên mạng rất khó kiểm soát và xử lý triệt để vì các trang giải trí có nhiều cách để "lách luật", phổ biến là tuyên bố: "Những file trên được tìm từ các nguồn khác nhau, website không chịu trách nhiệm pháp lý về bản quyền""... Rất hiếm website tôn trọng bản quyền như nhacso.net, vnmusic.com.vn...

Việt Nam đã tham gia Công ước Berne về bản quyền tác giả từ năm 2004, Công ước Geneva về bảo hộ nhà sản xuất ghi âm, chống nạn sao chép trái phép từ năm 2005. Việc gia nhập hai công ước trên tạo cơ sở pháp lý cho mọi công dân Việt Nam được bảo hộ quyền tác giả tại các nước thành viên và ngược lại. Nhưng dường như cộng đồng mạng Việt Nam, nhất là giới trẻ vẫn chưa quan tâm tới việc này khi vốn đã quen giải trí bằng con đường… miễn phí.

Theo Phú Sơn - Quốc Triều (VNE)

Đọc thêm