Thư viện Bộ, ngành: Nên coi CNTT là “trợ thủ”

Thư viện Bộ, ngành: Nên coi CNTT là “trợ thủ” ảnh 1

Các thư viện nên đẩy mạnh ứng dụng CNTT để phục vụ độc giả hiệu quả hơn.

Nhiều thư viện hoạt động cầm chừng

Số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê và Bộ KHCN cho thấy, chỉ tính riêng các trường ĐH, CĐ, các viện nghiên cứu, cơ quan Bộ, ngành và các sở KHCN hiện nay, trên cả nước có khoảng gần 2.000 cơ quan thông tin - thư viện ngành. Tuy nhiên, bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ phó Vụ Thư viện (Bộ VH-TT&DL) đánh giá, không phải thư viện Bộ, ngành nào cũng được đầu tư và quan tâm đúng mức. Theo kết quả khảo sát của Vụ Thư viện, sự đầu tư chủ yếu tập trung vào các thư viện đầu ngành lớn như Thư viện TƯ Quân đội, Thư viện KHCN Quốc gia, Thư viện KHXH, Thư viện Y học TƯ... Còn thư viện của các Bộ, viện nghiên cứu hoạt động mang tính cầm chừng.

Ngay cả sự phân bổ vốn tài liệu vì thế cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Các thư viện hoạt động hiệu quả xây dựng được vốn tài liệu phong phú, tiêu biểu như Thư viện KHCN (260.520 bản sách, 7.000 tên báo tạp chí), Thư viện Quân đội (300.000 bản), Thư viện KHXH (482.870 bản, 2.367 tên báo tạp chí)... Các thư viện nghiên cứu trung bình có khoảng 7.000 - 20.000 tài liệu. Tuy nhiên, cũng còn một số thư viện có vốn tài liệu khiêm tốn, trên dưới 2.000 bản như Thư viện Chiến lược phát triển chỉ có 1.640 bản. Bộ phận thư viện KHCN của các sở được hình thành nhưng vốn tài liệu rất khiêm tốn, mỗi đơn vị chỉ sở hữu xấp xỉ 700 đầu sách, 58 tên tạp chí và khoảng 300 tài liệu phim KHCN. Một trong những khó khăn lớn nhất của các thư viện Bộ, ngành là khó thu hút được bạn đọc, lượng bạn đọc ngày càng giảm. Đối tượng phục vụ chính của thư viện Bộ, ngành chính là cán bộ, công chức của ngành đó giờ cũng không dành thời gian đến thư viện đọc sách, tra cứu tài liệu. Có thư viện cả tháng trời chỉ đón 1 - 2 người đến tìm tài liệu.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT

Đó là phương thức đổi mới phục vụ bạn đọc mà Thư viện KHCN Quốc gia đã triển khai thành công và đạt nhiều hiệu quả. Theo bà Trần Thị Thu, Phó GĐ Thư viện KHCN Quốc gia, từ nhiều năm qua, Thư viện không còn thụ động đợi bạn đọc đến mới phục vụ mà đã mở rộng ra không còn giới hạn bởi thời gian và không gian. Ngoài các dịch vụ thông thường phục vụ bạn đọc mượn tại chỗ, Thư viện triển khai Dịch vụ bạn đọc đặc biệt hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu trong việc cập nhật tài liệu của thế giới, dịch vụ truy cập từ xa cho phép bạn đọc có thể khai thác nguồn tin điện tử của Thư viện 24/7 ở bất cứ máy tính nào có kết nối mạng Internet.

Nắm bắt và đánh giá cao vai trò của CNTT đối với ngành thư viện, bà Thu cho biết thêm, sở dĩ Thư viện được vận hành hiệu quả là nhờ đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu nguồn tin điện tử. Tính đến thời điểm này, Thư viện KHCN Quốc gia đã đón trên 9.500 bạn đọc thường xuyên tới và sử dụng tài liệu của thư viện, hàng vạn người sử dụng Dịch vụ bạn đọc đặc biệt. Điều quan trọng nhất, Thư viện KHCN Quốc gia đã thay đổi được quan niệm của độc giả trong cả nước, thay vì đến thư viện để được phục vụ miễn phí, bạn đọc sẵn sàng trả phí để được phục vụ từ xa.

Đồng quan điểm này, Đại tá, Thạc sĩ Ngô Văn Chung, Giám đốc Thư viện Quân đội nhận định: Cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tổ chức tra cứu tìm tin trên máy tính, khai thác tài liệu đa phương tiện qua mạng thông tin nội bộ, Internet. Trong điều kiện hiện nay, nhất là thời kỳ bùng nổ thông tin, văn hóa nghe nhìn phát triển, giải pháp này thực sự là rất cần thiết.

Theo Hạnh Thúy (ICTnews)

Đọc thêm