Thu phí đọc báo điện tử: Bất khả thi?

Sẽ phải trả tiền đọc tin trên Internet

Cái vòng luẩn quẩn

Thực ra câu chuyện thu phí đọc tin tức trên các báo điện tử không phải là một vấn đề mới mẻ mà nó đã được nhiều tờ báo thực hiện từ rất lâu. Ngay từ “thuở sơ khai” của các báo điện tử khi kỷ nguyên Internet bắt đầu, các tờ báo lớn của thế giới như New York Times, Financial Times, Wall Street Journal, Forbes, Time… cũng đã yêu cầu độc giả phải đăng ký thuê bao và trả tiền mới có thể đọc trọn vẹn các bài báo của họ trên web.

Tuy nhiên sự ra đời và lớn mạnh của các công cụ tìm kiếm và đặc biệt kể từ khi Yahoo và Google cùng ra mắt các dịch vụ tin tức và tìm kiếm tin tức miễn phí để từ đó thu hút được một lượng lớn quảng cáo trực tuyến, các báo điện tử đã gặp phải sự cạnh tranh dữ dội và cũng buộc phải dần dần mở cửa.

Nhiều người còn nhớ cách đây 2 năm (tháng 9/2007), ông trùm truyền thông thế giới Rupert Murdoch đã tuyên bố sẽ miễn phí các báo điện tử mà tập đoàn News Corp do ông sở hữu đang quản lý kể cả trang tin tức kinh tế, tài chính, chứng khoán rất danh tiếng là Wall Street Journal, ngay sau khi ông hoàn thành thương vụ thâu tóm hãng truyền thông Dow Jones. Khi đó, Murdoch còn “hết lời” tán dương xu thế miễn phí đọc tin tức trên các báo điện tử và dự đoán rằng khi bỏ thu phí, số lượng độc giả của các tờ báo này sẽ có thể tăng gấp 15 lần và doanh thu từ quảng cáo của họ cũng sẽ từ đó tăng rất mạnh.

Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau, chính những nhân vật này lại tuyên bố ngược lại.

Tháng 5/2009, tờ New York Times tuyên bố có thể họ sẽ tiến hành thu phí trở lại đối với độc giả của một số chuyên mục trên báo điện tử của họ. Tháng 6/2009, hãng tin AP cũng sẽ “giám sát chặt chẽ hơn” việc sử dụng nội dung tin tức của họ trên các báo điện tử hoặc trang tin khác nhằm “giảm thất thoát doanh thu”. Nhưng “mạnh miệng” nhất vẫn là ông chủ của News Corp, Rupert Murdoch. Ngày 6/8, Murdoch tuyên bố sẽ tiến hành thu phí nội dung đối với tất cả các báo điện tử của tập đoàn này trên khắp thế giới kể từ mùa hè năm sau.

Nên hay không nên?

Rất dễ hiểu khi những tuyên bố gần đây của Rupert Murdoch và một số tờ báo điện tử đã vấp phải sự phản đối rất mạnh mẽ của độc giả và cả các chuyên gia về báo chí - truyền thông. Và hầu hết đều cho rằng đó là việc không nên làm, ít nhất là trong thời điểm hiện nay.

Nhiều người đã đặt câu hỏi: Ai đã đặt ra lệ miễn phí đọc tin online nếu không phải là do chính các tờ báo, các ông chủ của giới truyền thông cảm thấy không thể sống thiếu độc giả? Một phóng viên của tờ Guardian (Anh) còn viết trên blog của tờ báo này rằng việc Murdoch tuyên bố thu phí đọc báo điện tử là dấu hiệu cho thấy ngành công nghiệp truyền thông đang bế tắc trầm trọng và đó là “biện pháp tuyệt vọng trong một thời điểm tuyệt vọng”.

Carolyn McCall, Tổng giám đốc tập đoàn truyền thông GMG (Guardian Media Group) cho rằng việc thu phí nội dung trên các báo điện tử là một quyết định “không có trí não”. Rob Grimshaw – giám đốc điều hành của tờ Financial Times (mô hình báo điện tử có thu phí duy nhất thành công ở Anh) cũng thừa nhận rằng việc này rất khó thực hiện bởi khi đó các báo điện tử đã tự giới hạn số lượng độc giả của mình và đó là điều các nhà quảng cáo rất không thích. Không ai có thể phủ nhận doanh thu từ quảng cáo lớn hơn rất nhiều so với doanh thu từ việc “bán tin online” và tự đóng cửa báo đối với độc giả chẳng khác gì một hành động tự sát.

Tự tách mình khỏi độc giả bằng bức tường thu phí là hành vi "tự sát" của các báo điện tử. (ảnh minh họa: paidcontent)
Tự tách mình khỏi độc giả bằng bức tường thu phí là hành vi "tự sát" của các báo điện tử. (ảnh minh họa: paidcontent)

5 lý do khiến việc thu phí sẽ thất bại

Cho đến nay, tất cả vẫn chỉ là những dự định và những “tuyên bố” chứ chưa có tờ báo nào chính thức tiến hành thu phí trở lại. Bên cạnh sự phản đối của độc giả, các chuyên gia phân tích của tờ PaidContent đã chỉ ra 5 nguyên nhân khiến việc thu phí báo điện tử sẽ nhanh chóng thất bại.

Thứ nhất: Không ai có thể bán những thứ đang quá dư thừa.

Kể từ khi kỷ nguyên Internet bắt đầu bùng nổ cho đến khi một nền kinh tế số xuất hiện trên thế giới, có thể nói thông tin là lĩnh vực phát triển nhanh nhất và mạnh mẽ nhất. Cùng một vấn đề, sự kiện nhưng thế giới có tới hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu tờ báo điện tử, website, blog, diễn đàn trực tuyến… cùng đưa tin và việc một tờ báo nào đó tiến hành thu phí đối với tin tức đó, ngay lập tức độc giả sẽ bỏ đi “không một lời hẹn ngày tái ngộ”.

Thứ hai: Không thể bắt “vị thần đã thoát ra khỏi cái chai, chui lại vào trong đó”.

Người dùng web đã có ít nhất 15 năm tận hưởng sự miễn phí của hầu hết những nội dung trên Internet và sẽ là vô cùng khó để đảo ngược lại thói quen này của họ. Và quan trọng hơn nữa, công việc này không thể do một hay một vài tờ báo có thể làm được mà đòi hỏi toàn bộ ngành công nghiệp báo chí – truyền thông thế giới phải cùng đồng loạt tiến hành. Đó là điều gần như không thể.

Với một hãng thông tấn khổng lồ nhất nhì thế giới như BBC, liệu có tờ báo điện tử nào có thể cạnh tranh nổi với họ trong lĩnh vực truyền thông và đưa tin tức, trong khi BBC vẫn tiếp tục khẳng định sẽ cung cấp tin tức một cách miễn phí?

Thứ ba: Các nhà quảng cáo rất ghét việc thu phí báo điện tử.

Dựng lên một bức tường thu phí ngăn cách giữa người dùng và trang web của mình sẽ khiến một tờ báo điện tử mất đi một tỷ lệ độc giả nhất định và trong bối cảnh kinh tế như hiện tại, có thể là gần như toàn bộ độc giả. Đó là điều mà các nhà quảng cáo không bao giờ thích thú và tán đồng.

Thứ tư: Báo điện tử thiếu một chiếc… iPod

Hiện nay, cái mà các báo điện tử còn thiếu để hiện thực hóa tham vọng thu phí tin tức online chính là một thiết bị giúp người đọc có thể mang tin tức đi khắp mọi nơi giống như những chiếc iPod. Độc giả chắc chắn sẽ khó lòng bỏ tiền ra nếu cái mà họ đọc tin tức vẫn là màn hình của chiếc laptop hay điện thoại thông minh như hiện nay.

Thứ năm: Thông tin trên web là mở và có thể “tái sử dụng” một cách dễ dàng.

Một bài báo, bản tin có thể được xuất hiện dưới rất nhiều định dạng, hình thức khác nhau nhưng về bản chất thông tin lại giống nhau. Trong thời đại kỹ thuật số, thông tin mang đặc tính “đa nguồn gốc” và mọi thứ đều có thể bị “đạo” một cách nhanh chóng và trắng trợn nhưng tác giả của bài báo đó lại không thể làm gì được.

Trở lại với tuyên bố của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch về việc sẽ tiến hành thu phí trên tất cả các tờ báo điện tử của News Corp từ mùa hè năm sau, rất nhiều độc giả đã tỏ ra bức xúc và đáp trả bằng một tuyên bố mạnh mẽ không kém: “Chúng tôi sẵn sàng gỡ bỏ các trang báo của ông khỏi danh sách trang web ưa thích của mình”.

Theo Lương Hương Tổng hợp (ICTnews)

Đọc thêm