Thị trường sim thẻ điện thoại khan hàng

Tại hầu hết các đại lý sim thẻ, lượng sim còn để bán rất ít. Giá sim cũng tăng như giá… hàng ăn sau Tết. Nếu như trước đây, một sim trả trước bộ kit 50.000 đồng, có giá chỉ 39.000 - 45.000 đồng thì giá 57.000 đồng không có mà mua.

Một đại lý sim thẻ trên đường Kim Mã (Hà Nội) cho biết: "Giờ nhập hàng nhưng không có nên giá tăng chứ không ai 'găm' sim làm gì. Từ mùng 1 Tết, nhà tôi đã cháy sim rồi chứ không phải đến tận bây giờ. Nhập hàng cũng chỉ nhỏ giọt mà giá cao nên bán rẻ thế nào được".

Thị trường sim thẻ điện thoại khan hàng ảnh 1

Vẫn còn khoảng 30 triệu người chưa xài di động. Ảnh: Hoàng Hà

Theo tìm hiểu của PV, hiện tại nếu đi với số lượng lớn thường thì sẽ bị… từ chối. Đây là điều chưa từng xảy ra trước đây khi mà các sim kích hoạt sẵn được bán tràn lan và mua thoải mái. Ngay tại một số huyện thị như Hải Hậu, Trực Ninh của TP Nam Định, nhiều đại lý, cửa hàng cũng cho biết họ không còn nhiều sim thẻ để bán cho khách hàng. "Rẻ người dân mua, còn nếu bán sim với giá quá cao, người ta quay sang nạp thẻ", anh Huynh, chủ một cửa hàng ở Hải Hậu, Nam Định nói.

Tại thị trường Hà Nội, trong số 3 mạng lớn thì sim MobiFone và VinaPhone còn có bán ở mức độ nhất định nhưng cũng khan hàng, còn sim Viettel thì "cháy" hẳn. Một đại lý trên phố Lê Đại Hành cho biết, sim Viettel giờ bị "cháy", không có hàng để nhập. Hiện tại, đại lý này bán mỗi sim Viettel với giá 62.000 đồng, trong khi trước đây giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng chỉ 45.000-48.000 đồng. Nhiều đại lý cho biết, giờ đây nhập sim từ chính hãng rất khó, còn nhập hàng từ các nguồn khác giá lại cao, khó tiêu thụ ra thị trường. "Nói tóm lại thị trường sim thẻ đang ở giai đoạn loạn cào cào", chủ một cửa hàng sim thẻ trên phố Tây Sơn, nhận xét.

Nguồn tin từ Viettel cho biết, nguyên nhân của việc "cháy" sim trên thị trường là do nhà mạng này chưa được cấp thêm đầu số, còn các đầu số đã được cấp thì đã bán hết sim ra thị trường. MobiFone và VinaPhone cũng cho rằng cùng với tốc độ phát triển thuê bao lớn như hiện nay, nguồn sim cung cấp ra thị trường không được dồi dào như trước.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, một lý do quan trọng dẫn tới tình trạng này là việc các mạng di động đã phát triển thuê bao ảo quá lớn, dẫn tới việc lãng phí đầu số.

Trong số 3 mạng di động lớn, Viettel phát triển thuê bao nhiều nhất, chính vì thế, họ cũng lập kỷ lục về sim rác. Chẳng hạn năm 2009, Viettel phát triển trên 40 triệu thuê bao mới, song chỉ khoảng dưới 10 triệu là thuê bao thực. Còn MobiFone năm 2009, hãng MobiFone phát triển được khoảng 24 triệu thuê bao mới, trong đó 10,79 triệu thuê bao thực, còn lại là ảo.

Mạng di động VinaPhone vừa mở màn chiến dịch khuyến mãi đầu năm với hy vọng tiếp tục "gạn" thị trường, vét số lượng khách hàng còn lại trong số 30 triệu người chưa xài di động. Theo người phụ trách truyền thông VinaPhone bên cạnh chính sách ưu ái cho khách hàng, hãng cũng tính tới các khả năng kiểm soát lượng số tung ra thị trường và tái tạo những thuê bao đã hết hạn sử dụng. Đây cũng là là biện pháp cứu cánh, giúp VinaPhone giảm nguy cơ cháy số trong một khoảng thời gian khá dài. Theo số liệu của VinaPhone, trong những ngày Tết, số lượng thuê bao phát triển mới của hãng có ngày lên tới 100.000.

Thị trường khan hàng còn bắt nguồn từ việc Bộ Thông tin và Truyền thông siết chặt quản lý thuê bao. Đối với những mạng phát triển thuê bảo quá lớn, Bộ đều có khuyến cáo về việc phải sử dụng hiệu quả kho số để tránh lãng phí tài nguyên số của quốc gia. Cũng chính vì thế, khi việc tái sử dụng kho số không đạt yêu cầu, mạng di động lâm vào tình cảnh kẹt hàng, thiếu sim bán ra thị trường.

Theo Hồng Anh (VNE)

Đọc thêm