Thị trường Internet cáp quang: Sẽ không chạy đua về giá

Thị trường Internet cáp quang: Sẽ không chạy đua về giá ảnh 1

Tăng cường phát triển dịch vụ sẽ là hướng đi chủ đạo của các ISP thay vì giảm giá để thu hút khách hàng.

Cú sốc mới mang tên Viettel

Từ ngày 19/7, Viettel cung cấp 2 gói cước Internet qua cáp quang mới là FTTH Eco và FTTB Eco dành cho các doanh nghiệp nhỏ hay các phòng máy với mức giá khoảng 350.000 đồng. Theo đó, gói cước FTTH Eco dựa trên công nghệ cáp quang hoàn toàn, cho phép khách hàng sử dụng Internet (có chiều dài dây thuê bao tối đa nhỏ hơn 1000 mét) với tốc độ download/upload trong nước tối đa 12 Mbps. Còn Gói cước FTTB Eco triển khai cáp quang tới chân toà nhà + cáp đồng ngắn (áp dụng cho các doanh nghiệp nằm trong Toà nhà) với băng thông trong nước tối đa download/upload là 12 Mbps/640Kbps; băng thông quốc tế tối thiểu là 128Kbps.

Trước đó, từ ngày 1/6 đến ngày 31/7, Viettel cũng đã áp dụng chương trình khuyến mãi mới dành cho khách hàng đăng ký mới sử dụng cáp quang FTTH với mức giá chỉ khoảng 500.000 đồng cho gói cước Biz12 băng thông 12 Mbps.

Còn với VNPT, kể từ 1/8/2011, VNPT Hà Nội đã điều chỉnh tăng tốc độ truy nhập Internet của các gói dịch vụ cáp quang thử nghiệm FiberHomeTV và FiberBusiness trên toàn địa bàn thành phố. Với chính sách mới này, tốc độ upload của các gói dịch vụ FiberHomeTV1, 2 tăng lên gấp 4 đến 6 lần, gói FiberBusiness tăng gấp 8 lần so với tốc độ cũ và không thay đổi mức cước sử dụng hàng tháng. Cụ thể, gói FiberHomeTV1 có tốc độ truy nhập 5Mbps/2Mbps với mức thuê bao tháng 499.000 đồng; FiberHomeTV2 có tốc độ truy nhập 7Mbps/3Mbps với mức thuê bao tháng 699.000 đồng hoặc FiberBusiness có tốc độ truy nhập 20Mbps/5Mbpsvới mức thuê bao tháng 1.200.000 đồng.

Với dịch vụ FTTH, doanh nghiệp này vẫn giữ nguyên mức giá và băng thông đã được điều chỉnh từ tháng 5 khi nâng tốc độ truy nhập tối đa của dịch vụ FiberVNN lên đến 100Mbps, tốc độ tối thiểu từ 512Kbps lên đến 2Mbps tuỳ theo gói cước. Ngoài ra, gói cước thấp nhất của dịch vụ FiberVNN sẽ nằm trong khoảng 700.000 - 900.000 đồng/tháng.

Cũng giống như VNPT, các ISP khác như CMC TI hay FPT Telecom vẫn chưa có sự điều chỉnh về mức giá gói cước cáp quang và ở ngưỡng trên dưới 1.000.000 đồng/tháng đối với FTTH hay từ 500.000 -750.000 đồng đối với các gói FTTB (CMC TI), VDSL (FPT Telecom).

Việc giảm giá FTTH xuống chỉ còn 350.000 đồng (tương đương giá gói cước ADSL) của Viettel đã khiến không ít người liên tưởng đến câu chuyện ADSL năm 2005 khi FPT Telecom đưa ra gói cước gây sốc với giá rẻ bất ngờ khiến các đối thủ như VNPT hay Viettel đua nhau lao vào cuộc chiến giảm giá để thu hút người sử dụng.

Sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ

Trao đổi với phóng viên Báo Bưu điện Việt Nam, đại diện Công ty VDC (VNPT) cho biết, VNPT sẽ không lao vào cuộc chiến giảm giá với các ISP mà sẽ có sự điều chỉnh phù hợp ở những địa bàn có cạnh tranh. VDC/VNPT quyết tâm không bán rẻ, hạ giá các gói cước của mình.

Song song với việc điều chỉnh giá, VDC/VNPT sẽ đưa kết hợp dịch vụ vào các gói cước và tập trung phát triển dịch vụ để tăng khả năng kinh doanh. “Người tiêu dùng không nên bị đánh lừa bởi “giá rẻ” mà nên quan tâm đến chất lượng dịch vụ, đường truyền mà ISP cung cấp”, đại diện VDC khẳng định.

Đại diện FPT Telecom cũng khẳng định, sắp tới, đơn vị này cũng sẽ có sự thay đổi về mức giá các gói cước nhưng sẽ không xuống thấp như Viettel. Đổi lại, FPT Telecom sẽ chú trọng hơn đến yếu tố phát triển chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng để giữ chân người tiêu dùng. FPT Telecom sẽ tăng cường phát triển về chiều sâu, có kế hoạch lâu dài chứ không tập trung, chú trọng về số lượng bằng cách giảm giá mạnh như thời gian trước.

Theo ông Vũ Thế Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần NetNam, nếu các doanh nghiệp cứ tiếp tục chú trọng giảm giá, người thiệt thòi nhất sẽ chính là người sử dụng bởi vì khi đó, các doanh nghiệp viễn thông sẽ phải bù chéo từ mảng khác sang hoặc không có tiền để giữ được chất lượng dịch vụ ở mức cơ bản. Chính vì thế, bên cạnh việc giữ nguyên giá, chú trọng phát triển dịch vụ đi kèm là điều bắt buộc đối với các ISP để tận dụng băng thông lớn của FTTx.

Theo Thế Phương (ICTnews)

Đọc thêm