Thị trường ADSL 2010: Chững lại!

Thị trường ADSL 2010: Chững lại! ảnh 1

FPT soán ngôi Viettel

Liên tiếp trong những năm qua, thị trường ADSL Việt Nam tăng trưởng ở mức bùng nổ năm sau gấp đôi năm trước. Trong đó, thị phần vẫn chủ yếu nằm trong tay VNPT, Viettel và FPT Telecom. Theo con số thống kê hết năm 2008, VNPT có khoảng 1,7 triệu thuê bao ADSL, FPT Telecom có khoảng hơn 330.000 thuê bao còn Viettel có khoảng 400.000 thuê bao. Năm 2009, VNPT đã bứt phá mạnh mẽ và tuyên bố đang nắm trong tay hơn 2,5 triệu thuê bao ADSL, Viettel nắm trong tay 530.000 thuê bao và FPT Telecom khẳng định đang có 440.000 thuê bao. Với con số này, thị phần dịch vụ ADSL đứng đầu vẫn là VNPT, sau đó đến Viettel và thứ 3 là FPT Telecom. Thế nhưng, đầu năm 2010, FPT Telecom lại tuyên bố hiện FPT Telecom chiếm hơn 30% thị phần với gần 400.000 thuê bao ADSL. Trong khi đó, Viettel lại tuyên bố họ đứng vị trí thứ 2 trên thị trường này.

Năm 2010 cũng là năm FPT Telecom vươn ra các thị trường mới mạnh mẽ ở cả hai miền Bắc-Nam chứ không dừng lại ở những thị trường lớn như trước đây. Với cách làm của doanh nghiệp mang dáng dấp kinh tế tư nhân hướng tới lợi nhuận là tối thượng, FPT Telecom đã để lại hậu quả cho những thị trường mà họ hiện diện là bộ mặt đô thị nhem nhuốc khi từ phố chính đến ngõ nhỏ tràn ngập các quảng cáo rác về lắp đặt mạng ADSL của FPT song hành cùng quảng cáo khoan cắt bê tông và thông tắc bể phốt. Xét về mặt hiệu quả, những cuộc chiến du kích đã đem lại cho FPT Telecom con số đẹp về phát triển thuê bao.

Theo công bố của FPT Telecom đến hết năm 2010, nhà cung cấp này đã phát triển được khoảng 500.000 thuê bao ADSL. Trong khi FPT Telecom có được con số đẹp về phát triển thuê bao ADSL thì năm 2010 lại là năm Viettel tụt hậu về dịch vụ này. Theo con số của Viettel, hết năm 2010 nhà mạng này chỉ còn khoảng hơn 300.000 thuê bao ADSL. Lý giải về sự sụt giảm này, Viettel cho biết họ đã chuyển hướng chiến lược sang phát triển mạng Internet băng rộng không dây trên mạng 3G. Hiện dịch vụ này đang phát triển rất khả quan và đã có số thuê bao vượt qua số thuê bao ADSL của doanh nghiệp này.

Như vậy, sự chuyển hướng chiến lược của Viettel đã vô tình đẩy FPT Telecom lên vị trí thứ 2 trên thị trường ADSL. Xét về mặt hiệu quả kinh doanh thì FPT đang là doanh nghiệp đứng vị trí số 1 trên thị trường này hiện nay, vượt qua cả hai “đại gia” VNPT và Viettel.

VNPT “chùn chân”

Năm 2009 được đánh giá là năm bứt phá mạnh mẽ về số thuê bao ADSL của VNPT với con số thị phần cao nhất từ trước đến nay - khoảng 75%. Năm 2009, VNPT cũng đã tuyên bố có trong tay hơn 2,5 triệu thuê bao ADSL. Thế nhưng, đến năm 2010 có vẻ như VNPT đã “chùn chân” trong việc phát triển thuê bao ADSL. Năm 2010, VNPT đặt mục tiêu cán đích 2,8 triệu thuê bao ADSL nhưng đến hết năm VNPT mới đạt gần 2,6 triệu thuê bao. Như vậy, VNPT mới chỉ đạt con số phát triển thuê bao ADSL tương đương với FPT Telecom.

Trong khi đó, VNPT có quá nhiều ưu thế hơn đối thủ này như ưu thế về mạng lưới rộng khắp đã và đang được đầu tư mạnh đến 1 tỷ USD, chất lượng dịch vụ được đánh giá là tốt nhất hiện nay. Với con số này, VNPT vẫn là nhà cung cấp dịch vụ ADSL có thị phần lớn nhất hiện nay. Tuy nhiên, nếu số thuê bao ADSL của Viettel và FPT Telecom chính xác như đã công bố, chắc chắn VNPT sẽ bị tụt thị phần xuống dưới 70%. Như vậy có thể tạm chia thứ hạng trên thị trường này đứng đầu là VNPT, kết đến là FPT Telecom và Viettel lùi về vị trí thứ 3.

Thuê bao ADSL liên tục thay nhà mạng

Đặc điểm khá nổi bật của thị trường ADSL trong năm 2010 là các thuê bao ADSL thay nhà mạng “như thay áo”. Liên tục trong năm, các nhà cung cấp dịch vụ ADSL chèo khéo khách hàng bằng các chương trình khuyến mãi nặng ký như tặng modem, miễn cước vài tháng.

Nếu nhìn vào con số luỹ kế thuê bao ADSL của VNPT cho thấy, năm 2010, VNPT chỉ tăng thêm được gần 200.000 thuê bao và FPT Telecom mới tăng khoảng 100.000 thuê bao. Trên thực tế VNPT đã phát triển mới được khoảng 500.000 thuê bao. Như vậy, số thuê bao ADSL rời mạng của VNPT không hề nhỏ. Viettel Telecom đang cố gắng duy trì ở mức độ hơn 1 thuê bao ADSL vào vào thì một thuê bao ra. FPT Telecom cũng cho biết, hiện tỷ lệ thuê bao ADSL rời mạng đã ở con số rất lớn - tới hơn 40%.

Trước đó, FPT Telecom đã thống kê, có khoảng 20% khách hàng thuộc diện “thay nhà cung cấp dịch vụ như thay áo”. “FPT Teleocom thấy rất khó khăn với tình trạng thuê bao ADSL rời mạng khi cứ 2 khách hàng vào thì có 1 khách hàng ra. Đối với mạng di động, khách hàng rời mạng thì nhà mạng không mất nhiều chi phí cho mạng lưới, nhưng đối với dịch vụ ADSL - phải kéo cáp đến nhà thuê bao thì việc thuê bao rời mạng làm cho nhà mạng vô cùng tốn kém”, bà Chu Thanh Hà, Tổng giám đốc FPT Telecom nói.

Trước sự khốc liệt của thị trường ADSL, nhiều ý kiến cho rằng “cánh cửa” gần như đã khép lại đối với những “người chơi mới”. Cuối tháng 3/2010, CMC đã công bố trở thành cổ đông chiến lược của Công ty NetNam với việc nắm giữ 43,8% cổ phần. NetNam cũng đang kỳ vọng đến năm 2012, qua sự hợp tác chiến lược này sẽ đứng trong top 5 các nhà cung cấp dịch vụ Internet, đứng đầu trong một số mảng thị trường chuyên biệt và là một ISP đặc sắc về sản phẩm và dịch vụ.

Thế nhưng, đến thời điểm này vẫn chưa có dấu hiệu mạnh mẽ về các nhân tố mới gây đột phá cho thị trường Internet băng rộng. Một số chuyên gia nhận định, ADSL bắt đầu giai đoạn thoái trào. Dịch vụ cáp quang và Internet băng rộng không dây sẽ lên ngôi. Nắm bắt được xu thế đó, VNPT, FPT Telecom, Viettel đang đẩy mạnh hoàn chỉnh gói cước, đua nhau đưa ra các chính sách tăng tốc độ và siêu khuyến mãi nhằm hút khách hàng sử dụng dịch vụ cáp quang. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khẳng định cáp quang chưa thể bùng nổ tại Việt Nam khi mà giá thành đầu tư và giá cung cấp dịch vụ vẫn còn cao.

Theo Thái Khang (ICTnews)

Đọc thêm