Theo bước chân những người làm game Việt

Tiên phong trong xu hướng này là công ty cổ phần tập đoàn Vina (VNG) với Game Studio South (GSS) cùng sản phẩm game online dã sử Việt Nam đầu tiên: Thuận Thiên Kiếm. Có thể chưa được thành công vang dội, nhưng Thuận Thiên Kiếm đã trở thành cái tên quen thuộc đối với giới game thủ và là niềm tự hào của lĩnh vực game online đang còn non trẻ ở Việt Nam.

Theo bước chân những người làm game Việt ảnh 1

Đội ngũ làm game Việt

Thiết kế game ví như đầu tàu

Nếu ví quy trình làm game như một con tàu, thì những người thiết kế game (Game Designer) được xem như là toa đầu tiên. Đơn giản bởi họ chính là những người đưa ra ý tưởng để sau đó phát triển chúng thành các tính năng game hay gameplay của trò chơi.

Những thành viên của nhóm Thiết kế game đa phần đang trong quá trình vừa làm vừa học. Họ làm rất nhiều việc khác nhau, từ thiết kế cân bằng game, thiết kế tính năng và hệ thống, thiết kế hoạt động,…

Hiện tại, nước ta chưa có một ngôi trường nào dạy thiết kế game. Cho nên, với các Game Designer, bằng cấp không quan trọng bằng tính sáng tạo. Các Game Designer của Thuận Thiên Kiếm đều xuất thân từ nhiều nguồn khác nhau như: công nghệ thông tin, ngoại ngữ, gamer,… nhưng đều có một điểm chung là đam mê chơi game và có bề dày kinh nghiệm đáng nể về game online.

Người đưa “hồn Việt” vào game

Theo bước chân những người làm game Việt ảnh 2

Thiết kế gương mặt cho nhân vật

Sau khi được thiết kế chi tiết bởi các thiết kế Game, một trong những công đoạn tiếp theo trong quá trình làm game là xử lý và biên tập nội dung. Đối với một game phát triển với nội dung dã sử Việt Nam như Thuận Thiên Kiếm, việc biên soạn bối cảnh, hệ thống nhiệm vụ và câu thoại trong game càng được chú trọng hơn bao giờ hết.

Nhóm nội dung làm công việc viết kịch bản và cốt truyện cho hệ thống nhiệm vụ cũng như bối cảnh cho các tính năng của Thuận Thiên Kiếm; còn nhóm Edit (Biên tập) là những người đóng vai trò biên tập lại lời thoại của các NPC trong game một cách thuần Việt nhất. (NPC là nhân vật được thiết kế sẵn trong game để tương tác với người chơi).

Để hóa thân vào những câu chuyện dã sử, nhóm phụ trách nội dung phải tham khảo sách ở nhiều lĩnh vực khác nhau như lịch sử, ngôn ngữ tiếng Việt,… GSS có hẳn một tủ sách tham khảo lên đến hàng trăm cuốn để phục vụ cho công việc đặc thù này từ “Lịch triều hiến chương loại chí”, “Đại Việt sử ký toàn thư”,… cho đến những cuốn từ điển Tiếng Việt dày cộp và nhiều loại sách chuyên ngành khác.

Quy trình thực hiện việc đưa nội dung vào game cũng không hề đơn giản mà đòi hỏi sự cộng tác của nhiều nhóm khác nhau. Nhóm nội dung đưa ra ý tưởng trước, sau đó nhóm biên tập cụ thể hóa lời thoại theo ngữ cảnh. Sau đó, lời thoại được chuyển sang cho nhóm kỹ thuật để đưa vào game. Ví dụ như NPC Cô Tấm, nhóm nội dung quyết định đặt cô Tấm ở bản đồ nào cho phù hợp với văn hóa, Cô Tấm sẽ giao cho người chơi những nhiệm vụ gì, vào lúc nào để phù hợp với cốt truyện game,… Sau đó, nhóm sẽ chuyển bản thiết kế sang cho nhóm biên tập để quyết định khi cô Tấm gặp người chơi thì nói chuyện gì, khi người chơi đi gặp đàn Chim Sẻ nhờ chúng giúp Cô Tấm thì thương lượng với chúng ra sao,…

Một trong những khó khăn là việc kết hợp giữa nội dung, bối cảnh và cốt truyện để đưa ra các nhiệm vụ hợp lý cho người chơi. Mỗi nhiệm vụ trong game dù đơn giản nhất cũng yêu cầu người viết phải tìm hiểu rất kỹ về nó. Chẳng hạn như nhiệm vụ đúc tượng Thánh Gióng, người viết phải nghiên cứu kỹ cách đúc sắt của thời xưa để viết cho thật chính xác và gần gũi với lịch sử.

Anh Phạm Trường Giang, trưởng nhóm Nội dung chia sẻ: “Điều mà nhóm mình tâm đắc nhất là đã đưa được vào Thuận Thiên Kiếm những nhiệm vụ gắn liền với các câu truyện cổ tích, thần thoại dân gian Việt Nam, giúp người chơi khi trải nghiệm trò chơi có thể được hiểu thêm về văn hóa, lịch sử của dân tộc.Trong tương lai, nhóm làm game sẽ cố gắng để đưa vào game những nhiệm vụ dạng mini game như nhìn hình đoán câu trả lời… để tăng thêm phần hấp dẫn cho game”.

Những “kiến trúc trẻ

Theo bước chân những người làm game Việt ảnh 3

Mai Phương Thúy và gương mặt được thiết kế trong game

Nếu ai đã từng chơi Thuận Thiên Kiếm chắc hẳn sẽ cảm nhận được từng nét vẽ trong trò chơi mang đậm chất Việt Nam. Từ những chi tiết rất nhỏ như viên gạch nơi sân đình, lũy tre đầu làng, mái lá, vườn rau đến những công trình mang tính lịch sử như Thăng Long thành, Cổ Loa, chùa Một Cột hay Văn Miếu,… đều được đưa vào trò chơi nhờ bàn tay của những người thiết kế đồ họa. Không chỉ miệt mài trên bàn vẽ, họ còn phải trải qua những chuyến đi thị thực để có thể vẽ nên những hình ảnh trung thực nhất.

Nếu muốn đưa cảnh quan thực tế nào đó vào game thì trước tiên phải có những tư liệu về nơi đó. Tư liệu thì có thể kiếm từ nhiều nguồn như internet, sách,… nhưng  quý nhất vẫn là những tấm hình chụp được qua các kỳ đi thực tế. Từ đó, các họa sĩ 2D sẽ dựa trên những tư liệu này để vẽ phác thảo rồi chuyển qua khâu dựng 3D. Cuối cùng là công đoạn “đóng gói” và đưa vào game.

Anh Nguyễn Xuân Phú, trưởng nhóm Đồ họa 2D chia sẻ: “Đồ họa công trình trong game khác với công trình thực ở chổ công trình trong game không những phải đúng như thực tế, mà còn phải… thăng hoa một số chi tiết để trở nên đẹp hơn và phù hợp với nội dung game hơn”.

Có thể nói rằng Thuận Thiên Kiếm nói riêng hay những sản phẩm game bí mật khác do các NPH game Việt Nam tự sản xuất như  đã in dấu những nỗ lực không ngừng của một tập thể đang đặt những viên gách đầu tiên cho sự phát triển game Việt. Họ đã làm bằng tài năng và trên hết là niềm đam mê với lĩnh vực còn mới mẻ này.

TÂM BẢO

Đọc thêm