Thành công 3G của Hồng Kông và bài học "cơ chế mở"

Tình hình đấu giá đáng thất vọng tại Hồng Kông khiến người ta không thể không nhớ lại cuộc đấu giá thất bại tại Singapore trước đó 4 tháng.

Mặc dù vậy, giới phân tích vẫn tỏ ra lạc quan. Theo họ, châu Á đã không nuôi ảo tưởng về tiềm năng của công nghệ 3G, và vì thế, các hãng viễn thông châu Á sẽ không lặp lại sai lầm như châu Âu từng mắc phải.

Ngành công nghiệp viễn thông châu Âu đã chi hơn 100 tỷ USD trong năm 2000 để đầu tư cho 3G, cuối cùng chỉ để chứng kiến 3G thất bại thảm hại. Để có tiền mua giấy phép 3G, nhiều hãng viễn thông châu Âu đã phải è lưng ra gánh khoản nợ khổng lồ từ ngân hàng, để rồi vĩnh viễn không bao giờ hồi phục được.

Nhiều chuyên gia tin rằng, mức phí cấp phép 3G khá thấp chính là chìa khóa giúp cho công nghệ di động thế hệ thứ 3 thành công được ở châu Á. Đơn cử như tại Hồng Kông, tổng số tiền mà bốn mạng di động 3G phải trả cho giấy phép 15 năm chỉ là 250 - 350 triệu USD, tương đương 35 - 55 USD/người, tờ Wall Street Journal ước tính.

Tại Singapore, các hãng viễn thông phải trả khoảng 41 USD/người. Để so sánh, cuộc đấu giá dải tần tại Anh đã thu về 32 tỷ USD, tương đương với 540 USD/người. Chính phủ Đức cũng thu về 44 tỷ USD từ phiên đấu giá, tương đương với 535 USD/người.

Trong vòng 5 năm đầu tiên, các doanh nghiệp trúng thầu tại Hồng Kông sẽ phải nộp cho chính quyền 5% doanh thu thường niên từ mạng 3G/năm, ước tính khoảng 50 triệu HKD. Đây được coi là khoản phí tối thiểu cố định, và mỗi giấy phép khai thác 3G sẽ có hiệu lực trong vòng 15 năm.

Cơ chế trả phí dài hạn này sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ tín dụng cho chính quyền, nhưng vẫn cho chính quyền cơ hội chia sẻ tiềm năng và triển vọng của 3G với doanh nghiệp. Việc này sẽ giúp hạn chế tình trạng phân tán nguồn vốn ở doanh nghiệp, nhất là khi giai đoạn triển khai lắp đặt mạng hết sức tốn kém.

Nền tảng vững

Mạng 3 của Hutchison đang đi đầu thị trường 3G tại Hồng Kông hiện nay. Nguồn: BBC
Mạng 3 của Hutchison đang đi đầu thị trường 3G tại Hồng Kông hiện nay. Nguồn: BBC

Dịch vụ di động thế hệ đầu tiên được giới thiệu đến người dùng Hồng Kông từ giữa những năm 80. Sang đến đầu thập niên 90, công nghệ 2G chính thức ra mắt trên dải băng tần 800 MHz/900 MHz. Toàn bộ Hồng Kông có 4 nhà cung cấp dịch vụ, khai thác song song cả chuẩn GSM 900 lẫn CDMA.

Sau khi trải qua giai đoạn đệm 2,5G, Hồng Kông đã tiến hành cung cấp dịch vụ di động thế hệ thứ ba, tức 3G. Người dùng 3G được tiếp cận với tất cả các dịch vụ thoại, dữ liệu, video và giải trí multimedia cùng với nhiều ứng dụng khác như GPS.

Tham gia vào sân chơi 3G có các mạng di động, các nhà điều hành mạng di động ảo (MVNO), các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, các hãng cung cấp dịch vụ ứng dụng và cuối cùng là các nhà cung cấp nội dung (CP).

Đứng từ góc độ khách hàng, các MVNO hoạt động trên thị trường không khác gì các mạng di động thông thường. Họ cũng phát hành thẻ SIM, cấp số điện thoại riêng cho từng thuê bao, cũng roaming và kết nối với các mạng khác. Chỉ có điều, họ không có quyền vận hành và kiểm soát dải tần mà thôi.

Trong khi đó, nhóm các nhà cung cấp dịch vụ, ứng dụng và nội dung thường được xếp chung vào một nhóm. Họ là đối tác lớn của các mạng di động, nhưng về mặt nào đó, họ cũng là khách hàng của nhà mạng. Chỉ có thông qua nhà mạng, họ mới bán được sản phẩm.

Trên thị trường di động phương Tây có một khái niệm rất phổ biến, đó là "Khu vườn cấm". Thường thì các mạng di động tự cho mình quyền uy tối thượng. Họ chỉ cho phép người dùng tiếp cận với những nhà cung cấp nội dung có thỏa thuận độc quyền với mình, mà mục đích không gì khác, chính là để bảo vệ doanh thu.

Tuy nhiên, để công nghệ 3G có thể thực sự cất cánh, người ta cần phải xây dựng được cơ chế truy cập mở, nơi người dùng có thể tiếp cận bất cứ nhà cung cấp dịch vụ hay ISP nào, dù cho họ có liên kết với mạng di động hay không. Tại Hồng Kông, các mạng 3G bắt buộc phải mở cửa tới 30% dung lượng mạng cho các nhà cung cấp dịch vụ phi-đối-tác mà không được phép phân biệt đối xử gì hết.

Chính quyền Hồng Kông một mặt khuyến khích các mạng 3G cạnh tranh về hạ tầng, song một mặt vẫn cho phép chia sẻ hạ tầng trong những tình huống bắt buộc. Chính quyền cũng hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp 3G bằng cách cung cấp "nội thất đường phố", thí dụ như các cột điện, đường đi bộ... để lắp đặt trạm phát sóng.

Không đâu khác ngoài châu Á

Rõ ràng, xuất phát điểm của dịch vụ 3G tại châu Á là đầy hứa hẹn. Theo thời gian, số lượng thuê bao 3G tại Hồng Kông đã tăng nhanh. Thị trường này sẽ đón nhận thêm một mạng 3G thứ năm là China Unicom.

Theo số liệu thống kê mới nhất từ Cơ quan quản lý viễn thông OFTA của Hồng Kông, số lượng thuê bao 3G ở khu vực này đã vượt quá cột mốc 2,8 triệu vào cuối năm ngoái, tăng tới 40% so với hồi đầu năm.

Ở thái cực ngược lại, số lượng thuê bao 2,5G đã giảm xuống còn chưa đầy 100.000 người vào tháng 12/2008, chỉ bằng 1/12 so với thời điểm cuối năm 2005 (1,2 triệu người).

Hiện tại, Hutchison 3G vẫn là mạng di động 3G số một tại Hồng Kông. Đây là một công ty con của tập đoàn Hutchison Whampoa, với 25% cổ phần thuộc sở hữu của gã khổng lồ NTT DoCoMo, Nhật Bản.

Sẽ không ngoa nếu nói rằng, 3G tại Hồng Kông đã nhận được một cú hích mạnh kể từ khi dịch vụ “3” WCDMA của Hutchison Telecom khai trương vào tháng 12/2003. “3” cung cấp nhiều ứng dụng và dịch vụ hấp dẫn, gồm hội nghị video độ phân giải cao, download tin tức và giải trí, nhắn tin multimedia và dịch vụ an ninh tại nhà.

Nhận được sự hậu thuẫn từ DoCoMo hiển nhiên là một lợi thế quan trọng của Hutchison, bởi DoCoMo đã cực kỳ thành công tại Nhật nhờ dịch vụ dữ liệu không dây iMode.

Thành công của 3G tại Nhật Bản đã giúp NTT DoCoMo có đủ sự tự tin cũng như vị thế vững chắc để triển khai dịch vụ tương tự tại nhiều nước khác. Mà Hồng Kông thì lại là một thị trường có nhiều điểm tương đồng với Nhật, từ văn hóa đại chúng, niềm yêu thích dành cho đồ chơi hi-tech, nhất là trong bộ phận giới trẻ sành điệu.

Sau thất bại của châu Âu, nhiều ý kiến bi quan cho rằng, việc hạ thấp chi phí của các dịch vụ phức tạp như nhạc di động, video di động... là bất khả thi. Nhưng Nhật Bản đã chứng tỏ không có gì là không thể vượt qua, còn Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc nhanh chóng chứng minh: Nhật Bản không phải là trường hợp cá biệt.

Hay nói như ai đó, thì "3G sẽ thành công ở châu Á trước khi gặt hái được ở bất cứ đâu khác".

Theo Trọng Cầm (VNN)

Đọc thêm