Thách thức và hướng đi của ngành phần mềm Việt Nam 2009

Định mức 500 triệu USD, 1 tỷ USD tổng doanh số toàn ngành đặt ra từ lâu mãi chỉ là những con số kỳ vọng trong nhiều năm. Sự tăng trưởng khả quan và mức doanh số 600 triệu USD của ngành phần mềm Việt Nam chỉ mới đạt được trong 2 năm trở lại đây, thì nay cuốn theo cơn bão suy thoái kinh tế toàn cầu, ngành này lại một lần nữa đứng trước nguy cơ sụt giảm doanh số với hàng loạt các khó khăn, thách thức...

Thách thức trong từng ngõ ngách

Năm 2008, tốc độ tăng trưởng của ngành này đạt 20%, giảm một nửa so với con số ấn tượng 40% của năm 2007, thấp hơn nhiều so với dự báo đầu năm cũng như so với con số 35 - 40% mục tiêu đề ra trong Chương trình phát triển ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam đến năm 2010 đã được Chính phủ phê duyệt.

Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm Việt Nam, thì cuộc suy thoái kinh tế bắt đầu từ giữa năm 2008 đã ảnh hưởng rất mạnh đến ngành phần mềm Việt Nam đang trên đà phát triển. Đó là khó khăn đối với các DN gia công xuất khẩu khi thị trường thế giới bị thu hẹp, các hợp đồng liên tục bị cắt giảm, hoãn, hủy. Cá biệt có trường hợp một DN phần mềm Việt Nam bị khách hàng tại Mỹ "xù nợ".

Không chỉ đối mặt với số lượng các hợp đồng bị cắt giảm dẫn đến doanh thu sụt giảm ngay tức thì, các DN gia công xuất khẩu cũng đang đứng trước mối lo cạnh tranh ở mức "đè bẹp" của các thị trường láng giềng như Trung Quốc và Ấn Độ bởi sự tranh giành khách hàng, chi phí và chất lượng nguồn nhân lực cũng như những chính sách thông thoáng, ưu đãi của chính phủ dành cho ngành này.

Ông Nguyễn Hữu Lệ nói đến những khó khăn về nhân lực, sự nỗ lực gồng mình của mỗi DN cho dù có sự hỗ trợ của chính phủ hay không. (Ảnh: HS)
Ông Nguyễn Hữu Lệ nói đến những khó khăn về nhân lực, sự nỗ lực gồng mình của mỗi DN cho dù có sự hỗ trợ của chính phủ hay không. (Ảnh: HS)

Đại diện một DN chuyên gia công, xuất khẩu phần mềm cho thị trường nước ngoài, ông Nguyễn Hữu Lệ, Giám đốc Công ty TMA đưa ra một hướng đi mới của DN ông là chiến lược ứng dụng công nghệ cao cho thị trường nội địa, bằng cách phát triển thị trường dịch vụ R&D. Tuy nhiên, ông Lệ cũng cho biết, yếu tố cần để DN có cơ hội phát triển là các chính sách đặc biệt về nhập khẩu thiết bị công nghệ bao gồm thủ tục hải quan và chính sách thuế.

Đối với thị trường trong nước, một trong những khó khăn theo các DN là sự cắt giảm chi tiêu cho CNTT do kinh tế suy giảm. Hàng hóa bán chậm, hợp đồng dang dở hoặc chậm thanh toán, việc nâng cấp mở rộng hệ thống IT bị trì hoãn... là những vấn đề mà các DN nội địa đang gặp phải.

Trao đổi với VietNamNet, ông Lữ Thành Long, Giám đốc Công ty Phần mềm MISA cho rằng, nếu có một gói kích cầu riêng cho CNTT, thì đó nên là gói kích cầu tiêu dùng các sản phẩm CNTT, đẩy mạnh mua sắm trong các cơ quan, DN.

Ông Lữ Thành Long đề nghị tập trung vào mua sắm tiêu dùng CNTT trong gói kích cầu riêng cho ngành CNTT Việt Nam nếu có. (Ảnh: HS)
Ông Lữ Thành Long đề nghị tập trung vào mua sắm tiêu dùng CNTT trong gói kích cầu riêng cho ngành CNTT Việt Nam nếu có. (Ảnh: HS)

Đề cập đến những thách thức của lĩnh vực phần mềm nội dung số, đại diện Vinagame - DN có mức tăng trưởng cao nhất trong lĩnh vực này cho rằng, sự thống trị về dịch vụ của các công ty nước ngoài tại thị trường nội địa đang khiến các DN Việt méo mặt xoay xở. Đó là: lợi thế về "thương hiệu nước ngoài" - một quan điểm không dễ gì thay thế đối với phần lớn người dùng Việt Nam, lợi thế trong khả năng bền bỉ về vốn, lợi thế trong sự phát triển vượt bậc về công nghệ. Chừng đó những thừa nhận thẳng thắn đủ khiến các DN nội địa cùng lĩnh vực chật vật toát mồ hôi.

Tiếp tục đặt lên bàn những thách thức mới, ông Trần Lương Sơn, Giám đốc Công ty VietSoftware lại vạch ra những tồn tại trong thực trạng của ngành phần mềm Việt Nam, từ định hướng, cách thực hiện, đến môi trường kinh doanh và những chính sách hỗ trợ. Ông Sơn cho rằng, ngành này vốn là một ngành nhỏ bé cả về quy mô, năng lực các DN lẫn đóng góp vào GDP, trong quá trình phát triển lại gặp phải những đầu tư và nhận định sai lầm, và đặc biệt là thiếu định hướng và hỗ trợ chiến lược tầm quốc gia. Ông Sơn cũng đặt ra những vấn đề cụ thể cần giải quyết như: chiến lược quốc gia, phát triển nguồn lực, tài chính và đầu tư, phát triển thị trường, quyền sở hữu trí tuệ, định hướng phần mềm nguồn mở....

Lựa chọn nào phù hợp?

Tựu trung lại có thể thấy một số hướng đi được chính các DN phần mềm đưa ra, đó là cần một sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ trong thời điểm nước sôi lửa bỏng này. Ngoài ra, bản thân các DN cũng phải khẳng định một biện pháp không thể thiếu là nỗ lực "xốc" lại chính mình, nâng cao chất lượng sản phẩm và đội ngũ nhân lực, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm.

Đối với các DN vừa và nhỏ, việc thiếu vốn và khan hiếm khách hàng thì việc liên kết kinh doanh cũng là cách mà họ nghĩ đến trong thời điểm trước mắt này.

Ông Paul Smith: "Các lãnh đạo DN cần phải nói tiếng Anh, thay vì phải mang theo phiên dịch trong mỗi chuyến công tác". (Ảnh: HS)
Ông Paul Smith: "Các lãnh đạo DN cần phải nói tiếng Anh, thay vì phải mang theo phiên dịch trong mỗi chuyến công tác". (Ảnh: HS)

Còn với các DN xuất khẩu, một quan điểm cũng là kinh nghiệm của ông Paul Smith, Tổng Giám đốc Công ty Nash, thì các DN cần phải lựa chọn một thị trường tập trung, không thể coi thị trường châu Âu cũng như thị trường Mỹ. Ông Paul cũng chia sẻ quan điểm cho rằng, khi thâm nhập thị trường nước ngoài, thì "đối tác" là 2 từ quan trọng nhất, đặc biệt là đối tác tại thị trường nội địa, họ sẽ giúp DN thâm nhập thị trường nhanh hơn và "đó là điều tuyệt vời trong kinh doanh", ông Paul nói.

Ông Paul Smith cũng thẳng thắn đề cập đến một vấn đề "nhỏ nhưng phổ biến" ở Việt Nam, mà ông cho rằng, nếu khắc phục được sẽ là một thuận lợi rất lớn cho các DN phần mềm Việt mở rộng thị trường, vươn ra thế giới. Đó là tình trạng các trang web của các DN phần mềm Việt chỉ có tiếng Việt mà không có tiếng Anh. Đặc biệt, các lãnh đạo DN cũng cần phải sử dụng tiếng Anh trong mọi tình huống, thay vì mang theo phiên dịch đi nước ngoài công tác thì chính các giám đốc DN phải tự nói tiếng Anh. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho các DN trong việc tìm hiểu và tìm kiếm thị trường, đối tác.

Về phía hiệp hội chuyên ngành, VINASA cho biết hội này đang triển khai một loạt các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Hội này cũng sẽ đại diện cho các DN đề xuất các kiến nghị lên Chính phủ trong việc hoàn thiện môi trường chính sách, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cụ thể mà các DN kêu.

Vậy là những khó khăn mới sau vài năm khởi sắc lại đang chờ đợi ngành phần mềm Việt Nam. Mục tiêu 800 triệu USD tổng doanh số toàn ngành đến năm 2010 đang còn phụ thuộc vào sự nhanh nhạy, dẻo dai, tận dụng "cơ hội trong suy thoái" của các DN, và hơn hết là sự hỗ trợ tối đa của Chính phủ đối với ngành này.

Theo Huyền Chi (VNN)

Đọc thêm