Sự thật về việc tái chế các thiết bị điện tử

Đây là điều mà nhà sản xuất nào cũng mong muốn để bán ra được nhiều sản phẩm hơn. Tuy nhiên, vấn đề này lại nảy sinh ra một khái niệm mà chúng ta đã khá quen thuộc - e-waste hay còn gọi là rác điện tử hiện vẫn là một thách thức đối với môi trường.

Có hàng tỉ chiếc máy tính đang được sử dụng trên khắp thế giới. Nhưng bên cạnh đó, cũng có hàng trăm triệu chiếc máy tính đã hư hỏng, cũ kĩ đang chờ tiêu hủy. Nếu tuổi thọ của máy tính bị rút ngắn xuống còn từ 2 đến 5 năm thì không lâu nữa con người sẽ phải sống chung với rác điện tử.

Vậy thách thức với môi trường do đâu?

Những chiếc máy tính luôn ẩn chứa nhiều chất độc và bảng thống kê dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về mối hiểm họa này.

Loại chất độc Bộ phận sử dụng và tác động sức khỏe
Chì (Pb) Màn hình CRT chứa khoảng từ 900 đến hơn 3.600g chì và đây cũng là thiết bị được thải ra với số lượng rất lớn khi người dùng chuyển sang công nghệ màn hình phẳng. Ngoài ra, chì cũng được sử dụng trong các bản mạch điện tử. Chì là một kim loại nặng, rất độc. Tiếp xúc thường xuyên hay sử dụng thực phẩm bị nhiễm chì sẽ gây nên các tổn thương về não và các chứng bệnh liên quan đến hệ thần kinh.
Thủy ngân (Hg) & Asen (As) Màn hình phẳng hay màn hình mtxt, bản mạch điện tử luôn chứa thủy ngân và asen. Đây là 2 chất có thể gây độc dù chỉ ở hàm lượng rất nhỏ. Thủy ngân gây tổn thương đến não, gan khi tiếp xúc, hít hay nuốt phải trong khi Asen được biết đến với cái tên "thạch tín" là chất độc nổi tiếng gây rối loạn chức năng đa cơ quan và gây ung thư khi sử dụng nguồn nước nhiễm Asen.
Cadmi (Cd) Cadmi được sử dụng chủ yếu trong pin máy tính, ngoài ra còn có trên các bô phận khác như điện trở, bán dẫn, bộ phát hiện hồng ngoại và một số loại nhựa. Cadmi là một chất rất độc, nếu hít hoặc nuốt phải sẽ gây tổn thương hệ hô hấp và gan thận. Cadmi cũng là một chất gây ung thư.
Phốt pho (P) Các màn hình CRT thường được phủ một lớp bụi phốt pho và khi hít phải, phốt pho có thể gây tổn thương thần kinh.
BFR BFR (Brominated flame retardant) là chất được phủ ngoài các linh kiện máy tính nhằm tăng khả năng chịu nhiệt và chống cháy. Tuy nhiên, BFR tác động đến hóc môn gây giảm số IQ của trẻ em và triệt tiêu khả năng sinh sản.
Berili (Be) Có mặt trên bo mạch và các bộ kết nối, đây cũng là một chất gây ung thư đặc biệt là ung thư phổi.
Nhựa PVC Nhựa PVC (Polyvinyl clorua) và nhựa dẻo luôn chiếm khoảng 20% cấu phần của 1 chiếc máy tính. Nếu bị đốt cháy, nhựa sẽ sinh ra chất độc dioxin-furan là 2 trong số những chất hóa học độc nhất được biết đến trong khoa học.
Bari (Ba) Bari được sử dụng trong các màn hình CRT nhằm bảo vệ người dùng khỏi các bức xạ. Nếu bị thải vào đất hay nguồn nước, bari có thể hòa tan tạo thành các hợp chất vô cùng độc hại ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Đốt cháy các linh kiện máy tính sẽ giải phóng các chất độc như dioxin, furan, PCB (poly-chloro-biphényles tương tự dioxin) và nhiều chất độc khác vào khí quyển gây tổn hại đến môi trường và con người. Mặc dù vậy, người ta vẫn sử dụng phương pháp này vì đơn giản đây là phương pháp rẻ nhất và không yêu cầu công nghệ cao. Vậy đốt để làm gì? Ở những nước nghèo, nơi thiếu các tiêu chuẩn về an toàn môi trường thì người ta đốt máy tính để phân loại phần nhựa bỏ đi và các kim loại có thể bán được.

Với hơn 1000 vật liệu khác nhau được sử dụng để sản xuất máy tính thì việc máy tính bao gồm nhiều chất độc là không có gì ngạc nhiên.

Vậy các chất độc này sẽ được thải đi đâu?

Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố và một trong số đó là quốc gia thải ra rác điện tử. Tại Mỹ, theo tính toán của tổ chức bảo vệ môi trường (EPA), chỉ có khoảng 15% rác điện tử được tái chế, 85% còn lại được thải ra các bãi rác hoặc xuất sang các nước khác.

Mỗi năm, Mỹ nhập khẩu hàng tỉ đô la hàng hóa từ Trung Quốc. Tất cả đều được đóng trong các công-tai-nơ theo tiêu chuẩn nhưng trái lại, Mỹ xuất khẩu rất ít hàng hóa đến Trung Quốc và khi các công-tai-nơ được trả về Trung Quốc, chúng là những công-tai-nơ trống. Vì vậy, vận chuyển hàng hóa từ Mỹ sang Trung Quốc có chi phí khá thấp và ngay cả khi vận chuyển các mặt hàng không có nhiều giá trị cũng mang lại nhiều ý nghĩa kinh tế.

Trong khi Hoa Kì đang cố gắng tìm mọi cách để loại bỏ rác điện tử độc hại, Trung Quốc lại thiếu đi các tiêu chuẩn về an toàn và môi trường, nhân công tại Trung Quốc có giá rẻ mạt. Do đó, kết hợp các yếu tố trên, điểm đến của rác thải điện tử là Trung Quốc hay một số nước nghèo khác tại châu Phi nơi mà luật tái chế phế thải còn lỏng lẻo.

Một số hình ảnh dưới đây sẽ cho chúng ta thấy được những chiếc màn hình, những bản mạch điện tử đã hỏng được người công nhân tận dụng như thế nào. Họ làm việc mà không một thiết bị bảo hộ lao động và xung quanh họ chỉ toàn rác và rác.

Sự thật về việc tái chế các thiết bị điện tử ảnh 1

Người nữ công nhân này đang tháo rời chiếc màn hình CRT để lấy phần đồng có giá trị bên trong.

Sự thật về việc tái chế các thiết bị điện tử ảnh 2

Một người thợ trẻ tuổi đang gỡ những con chip ra từ những bản mạch cũ bằng cách nhúng chúng vào axit. Người phụ nữ này làm việc với đôi tay trần và không có dụng cụ bảo hộ.

Sự thật về việc tái chế các thiết bị điện tử ảnh 3
2 người công nhân này đang dọn lại một "núi" bo mạch cũ.

Sự thật về việc tái chế các thiết bị điện tử ảnh 4

Những đứa trẻ Nigeria trước một bãi rác lộ thiên gần ngôi nhà đang ở.
Những bức ảnh này do Basel Action Network cung cấp, đây là một tổ chức đang quyết tâm xóa bỏ những hành động này.

Dĩ nhiên, mọi hoạt động kinh tế đều có thời điểm sụt giá và ít nhiều coi thường các luật lệ. Câu hỏi được đặt ra: Vậy hoạt động xuất khẩu "rác" đang diễn ra như thế nào và có bao nhiêu rác điện tử từ Mỹ đang được tái chế tại Trung Quốc hay châu Phi?

Chúng ta có một khái niệm mới: "giả tái chế" - đây là cái tên được gán cho các công ty đang buôn bán rác thải và cố tình che giấu những gì mình đang làm. Các công ty này tiếp cận các tổ chức xã hội như hội từ thiện, nhà thờ, các cộng đồng và đề ra chiến dịch thu gom rác điện tử. Các tổ chức xã hội luôn tạo điều kiện tốt nhất để các công ty thực hiện sự kiện này. Đến ngày đã định, những hộ gia đình tiến hành loại bỏ các thiết bị điện tử đã cũ hay hư hỏng. Công ty sẽ gom tất cả lên xe tải, đóng thùng và xuất khẩu sang các trung tâm "tái chế" tại Trung Quốc hay châu Phi. Kết quả thì như những gì chúng ta thấy từ các bức ảnh trên.

Các tổ chức xã hội với danh tiếng của mình đã không mảy may nghi ngờ và mà trái lại họ sẵn sàng hợp tác với các công ty giả tái chế. Đơn giản, họ nghĩ rằng đây là một hoạt động có lợi cho cộng đồng và môi trường. Từ đó, các công ty tự do phong cho mình là công ty tái chế và bán vật liệu sang các nước ngoài. Ngành kinh doanh này lại tiếp tục phát đạt.

Vậy các công ty giả tái chế có hợp pháp hay không?

Mặc dù các luật lệ về môi trường của Hoa Kì luôn được cải tiến kể từ sự kiện Earth Day đầu tiên năm 1970 nhưng hoạt động kinh doanh giả tái chế có thể được coi là hợp pháp tại Mỹ. Tuy nhiên, trên thực tế, các công động quốc tế đã đề ra hàng loạt luật lệ và hiệp định để kiểm soát rác thải điện tử nhằm chắc chắn rằng chúng được tái chế thật sự. Đây chính là nội dung của hội nghị Basel diễn ra năm 1989 tại Basel, Thụy Sĩ.

Hơn 150 quốc gia đã tham dự hội nghị Basel và Hoa Kì là 1 trong 4 nước không phê duyệt các thỏa hiệp được đề ra tại hội nghị. Qua đó, chúng ta có thể hiều vì sao hoạt động giả tái chế vẫn tiếp tục diễn ra đến tận bây giờ.

Chúng ta có thể làm gì?

Hiện nay, ngành công nghiệp máy tính đã đạt được một số thành công nhất định trong lĩnh vực xử lý rác thải điện tử. Đầu tiên, các nhà sản xuất đang hướng đến tối thiểu hóa việc sử dụng các chất độc hại trong máy tính. Thông qua thống kê của EPEAT, chúng ta có thể biết được mẫu máy tính nào thân thiện với môi trường nhất và đạt được nhiều tiêu chuẩn môi trường nhất. Bên cạnh đó, hầu hết các nhà sản xuất cũng thực hiện các chương trình quy hồi sản phẩm và tiến hành tái chế. Hành động này nhằm ngăn cản hoạt động xuất khẩu rác điện tử cũng như "cắt đường làm ăn" của các công ty giả tái chế.

Tuy nhiên, là một cá nhân, chúng ta có thể làm gì với những chiếc máy tính đã cũ hay hư hỏng. Chúng có thể vô dụng đối với chúng ta nhưng là hữu ích đối với nhiều người khác. Máy tính cũ nhưng vẫn sử dụng được, mặc dù đã lỗi thời nhưng chúng vẫn đáp ứng được các nhu cầu như lướt web, soạn thảo văn bản, gởi email. Vì vậy, chúng ta có thể quyên góp cho các quỹ từ thiện giúp người nghèo có cơ hội tiếp cận với máy tính hay các trường học, thư viện để thiết lập hệ thống máy tính chia sẻ cho học sinh, sinh viên. Ngoài ra, chúng ta có thể vận động "tân trang" thay vì tái chế máy tính cũ. Việc tái chế sẽ tốn nhiều chi phí và phần nào gây tổn hại đến môi trường, do đó, tân trang lại máy tính là một phương án tốt hơn.

Một câu hỏi khác được đặt ra: chúng ta làm gì với những chiếc máy tính đã quá cũ hay hư hỏng hoàn toàn, giao chúng cho các nhà tái chế nhưng liệu chúng có được tái chế hay không? Thật khó nhận biết công ty tái chế nào là thật và công ty nào giả. Họ luôn che giấu việc làm của mình nhưng vẫn có một cách để nhận biết. Hãy để ý danh mục sản phẩm được chấp nhận tái chế. Nếu là một công ty giả tái chế, họ chỉ chấp nhận "tái chế" miễn phí các thiết bị như màn hình CRT, TV và máy in. Nhưng nên nhớ rằng hầu hết các thiết bị này đều không thể được tái sử dụng và tốn chi phí để tái chế. Chi phí tái chế cho mỗi chiếc máy in vào khoảng 3 đến 10 USD trong khi chi phí cho màn hình CRT và TV là 10 đến 20 USD. Vì vậy, các công ty tái chế không dại gì nhận tái chế miễn phí các thiết bị nêu trên rồi lại trả phí tái chế mà không thu được đồng lợi nhuận nào. Suy ra, đây là các công ty giả tái chế và các thiết bị sẽ được xuất khẩu sang các nước khác. Giải pháp môi trường đối với những thiết bị điện tử hư hỏng vẫn là xếp xó trong nhà kho hoặc tận dụng làm việc khác như dùng thùng máy làm khay nướng thịt chẳng hạn.
(Theo Tinh Tế - Nguồn: OSNews)

Đọc thêm