Số hóa quản trị cho các doanh nghiệp dược phẩm

Giải pháp ERP - Enterprise Resource Planning (xây dựng hệ thống thông tin quản trị nguồn lực doanh nghiệp) dành cho ngành dược, tích hợp các phần mềm ứng dụng giúp doanh nghiệp quản lý và điều hành tất cả hoạt động của công ty từ sản xuất, kinh doanh, phân phối, cho đến tài chính kế toán, nhân sự...

Đại diện Công ty Oracle, chủ giải pháp, ông Trần Công Sơn cho biết, hệ thống ERP dựa trên mục tiêu của doanh nghiệp sẽ đưa ra các kế hoạch phù hợp, từ đó tạo ra các bước kiểm soát, phân tích, báo cáo, quản lý... cho tất cả hoạt động công ty. Hệ thống cũng sẽ đưa ra những dự báo biến động, kịch bản thị trường trong ngắn và dài hạn.

"Một trong những khó khăn của doanh nghiệp là đặt ra các mục tiêu dài hạn nhưng không kiểm soát được việc thực hiện đạt được đến đâu, gặp khó khăn trong điều chỉnh mục tiêu khi thị trường thay đổi. ERP có công cụ đo lường chính xác những gì doanh nghiệp đã thực hiện được và đưa ra những giải pháp cho biến động của từng giai đoạn cụ thể", ông Sơn chia sẻ.

Ông Nguyễn Sơn Trường, Phó tổng giám đốc Công ty Pythis, cho rằng ứng dụng ERP rất quan trọng. Trước đây từng bộ phận trong công ty này sử dụng các phần mềm riêng lẻ, rất khó để quản lý và tổng hợp số liệu chung. Các dữ liệu không cùng một hệ thống nên rời rạc, không thống nhất, gặp khó khăn khi mở rộng hệ thống thông tin.

Ông Trường đánh giá việc ứng dụng ERP đã giúp công tác sử dụng nguyên liệu hợp lý, quản lý tồn kho tốt hơn, kết hợp chặt chẽ giữa sản xuất với bán hàng phân phối. Ngoài ra tính linh hoạt trong hệ thống quản lý cũng được cải thiện rõ rệt.

Giám đốc Công nghệ Thông tin Công ty dược Sapharco Nguyễn Văn Chiến cũng cho biết, đơn vị đã ứng dụng hệ thống ERP. Ông nhìn nhận: "Sản xuất dược phẩm nên công ty phải tuân theo những quy trình và tiêu chuẩn chặt chẽ. Việc ứng dụng ERP giúp chúng tôi quản lý tốt hệ thống, đảm bảo tiêu chuẩn".

Tuy nhiên việc đưa ERP vào các doanh nghiệp hiện còn rất nhiều khó khăn. Trước hết là chi phí cho ERP không hề nhỏ. Doanh nghiệp phải bỏ ra khoảng vài trăm nghìn USD cho chi phí ban đầu bao gồm phần mềm và hệ thống phần cứng. Chưa kể đến phí bản quyền phải trả cho mỗi phần mềm quản lý khoảng vài nghìn đôla một năm, cộng với chi phí cho đội ngũ công nghệ thông tin, nâng cấp hệ thống... Tiếp đến là việc chuẩn hóa đội ngũ nhân sự thông qua các buổi đào tạo, tập huấn về hệ thống, làm việc với những nhà tư vấn từ công ty cung cấp dịch vụ ERP. Những phí tổn này dường như nằm ngoài tầm tay các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngoài ra tâm lý ngại thay đổi của những nhà quản trị cũng là một bước cản trở cho việc ứng dụng ERP. Việc ứng dụng giải pháp này đòi hỏi sự nhất quán trong toàn bộ doanh nghiệp từ lãnh đạo cho đến nhân viên. Nếu làm sai quy trình, không đúng tiêu chuẩn sẽ dẫn đến thất bại. Hệ thống cũng đòi hỏi tính minh bạch cao trong hoạt động của các doanh nghiệp. Việc đầu tư ERP là một chiến lược dài hạn, nó chỉ đem lại kết quả qua một quá trình hoạt động lâu dài và mang lại lợi ích thật sự khi doanh nghiệp thực sự sẵn sàng đáp ứng mọi điều kiện.

Bà Nguyễn Thị Hiệp, chuyên viên tư vấn Công ty Kaisa, xem việc các doanh nghiệp quan tâm tìm hiểu và ứng dụng ERP là cần thiết. Qua thực tế tư vấn cho các doanh nghiệp, bà Hiệp cho biết vai trò của ban giám đốc và người đứng đầu dự án của công ty rất quan trọng. Họ phải nắm rõ tầm quan trọng của ERP, hiểu rõ và thực hiện đúng theo quy trình, tiêu chuẩn. Từ đó mới có thể triển khai trực tiếp xuống toàn bộ nhân viên thực hiện cấp dưới.

Bà Hiệp chia sẻ: "Phải xem ERP như một lợi ích thiết thực ảnh hưởng đến sự sống còn của doanh nghiệp. Nếu chỉ xem đây là một tấm chứng chỉ cho phù hợp với xu hướng thời đại thì các doanh nghiệp không nên tốn thời gian và công sức đầu tư vào nó.".

Theo Hà Mai (VNE)

Đọc thêm