SMS có huỷ hoại ngôn ngữ?

SMS có huỷ hoại ngôn ngữ? ảnh 1

Một nhà ngôn ngữ học của trường Đại học Simon Fraser (Canada) đang tiến hành nghiên cứu xem liệu SMS có thực sự “tàn phá” ngôn ngữ hay không. Để tiến hành nghiên cứu Text4Science, Giáo sư Christian Guilbault đã thu thập hơn 7.500 tin nhắn của các thuê bao di động đến từ một số tỉnh của đất nước Canada. Gần đây, ông phát hiện ra phương tiện giao tiếp rất phổ biến này không chỉ sản sinh ra những cụm từ viết tắt “kinh hoàng” đến nỗi không chỉ những người không biết chữ, mà ngay cả những người biết chữ nhiều khi cũng không thể hiểu nổi nó là gì.

“Một trong những quy tắc của SMS là nếu bạn không biết, không thạo các kiểu viết tắt thì bạn không thể đọc và hiểu chúng”, Guuilbault nói.

Trong tiếng Anh, giờ đây những từ viết tắt như “u r” (you are) đã trở nên rất phổ biến. Ngoài ra, những từ như “pls” và “thx”, (viết tắt cho “please” và “thank you”) đang ngày càng được dùng nhiều. Thậm chí, người ta chỉ cần nhắn “c u” thay cho “see you”. Ngay trên tiêu đề bài viết, những từ viết tắt “OMG” cũng được sử dụng và đó chính là những từ viết tắt cho cụm từ “Oh my God” được dùng rất phổ biến hiện nay.

Giáo sư Guilbault cũng cho rằng nghiên cứu này có thể khiến những người thuộc thế hệ trước đỡ lo ngại rằng những từ viết tắt “vô tội vạ” và những kiểu rút gọn ngữ pháp “bất ngờ” của giới trẻ ngày nay khiến các bạn trẻ trở nên kém học hành, lễ phép hơn. “Thực ra, tin nhắn SMS cũng rất khác nhau. Chúng cũng như ngôn ngữ”, ông nói. “Tức là, bạn sẽ không nói chuyện với Thủ tướng như cách bạn nói chuyện với một người bạn bè đang đi uống bia với bạn”.

“Không có lý do nào cho thấy trong tương lai gần những từ ngữ đầy đủ trong văn viết sẽ được sử dụng trong “văn SMS”, bởi “mọi người sẽ nhận ra họ đang sử dụng từ ngữ trong những ngữ cảnh khác nhau”, Guiilbault nói.

“Tôi nghĩ SMS sẽ khiến nhiều người nghĩ rằng thế hệ trẻ rất sáng tạo và ngày càng vận dụng ngôn ngữ hiệu quả hơn, bởi chính ngôn ngữ là một công cụ để giao tiếp – bạn càng dùng chúng một cách hiệu quả, thì càng tốt”.

Guilbault và các đồng nghiệp của ông đến từ trường Đại học de Montreal và Đại học Ottawa cũng đang tiến hành thu thập nhiều SMS hơn cho nghiên cứu này. Nghiên cứu đã được các nhà ngôn ngữ học thực hiện từ tháng 12/2011 và sẽ kết thúc vào tháng 6 tới. Ngoài ra, từ năm 2004, các trường đại học khác trên toàn cầu cũng đã triển khai Sáng kiến SMS4Science nhằm tìm ra tác động của SMS lên các ngôn ngữ trên thế giới.

Theo Bảo Bình (ICTnews / Canada.com)

Đọc thêm