Sau lệnh cấm, SIM kích hoạt trước lại mọc như nấm

SIM rác, SIM 3G mua thoải mái

Dừng xe mua SIM 3G trên phố Bùi Xương Trạch, anh Thái Anh, khách hàng đang dùng máy tính bảng có hơi chột dạ bởi tuần trước anh lo lắng việc thông tư 04 sẽ siết các SIM kích hoạt trước mà hiện tại thì SIM 3G của các nhà mạng đều không có khuyến mại gì.

Tuy nhiên, cô chủ cửa hàng SIM thẻ vẫn đon đả chào hàng: "Bây giờ SIM 3G vẫn còn thoải mái đủ để anh mua, với mức khuyến mại data vẫn như cũ anh ạ. SIM không kích hoạt trước để hưởng khuyến mại thì dung lượng data có sẵn làm sao đủ dùng mà mua".

Sau lệnh cấm, SIM kích hoạt trước lại mọc như nấm ảnh 1

Không còn quảng cáo lộ liễu như thế này nhưng nếu khách muốn mua, đại lý vẫn bán SIM đã kích hoạt trước.

Không riêng gì cửa hàng SIM này, tại nhiều tuyến phố khác thuộc Hà Nội như Nguyễn Thái Học, Tạ Quang Bửu..., lượng SIM 3G đã kích hoạt sẵn vẫn còn khá nhiều và khách hàng vẫn có thể tìm được SIM bán sẵn với gói cước miễn phí hàng tháng vài trăm MB.

Tại cửa hàng SIM thẻ Thái Phiên, lượng khách mua vẫn tấp nập nhưng khi được hỏi mua SIM rác kích hoạt sẵn, nhân viên khá e dè. Chỉ đến khi nhận ra khách quen, nhân viên mới thẽ thọt chia sẻ: "SIM 10 số thì khó chứ SIM 11 số thì anh mua mái thoải, mức giá vẫn như cũ, từ 45 ngàn đến 65 ngàn/SIM, mức khuyến mại trên dưới 100 ngàn đồng trong tài khoản".

Thực tế ghi nhận của PV là thay vì căng biển rầm rộ, bán lộ liễu SIM rác kích hoạt trước như trước kia, hầu hết các cửa hàng SIM thẻ từ nhỏ lẻ đến đại lý lớn đều dỡ bỏ biển quảng cáo, nhưng vẫn sẵn sàng cung cấp khi khách có yêu cầu.

"Anh nghe nói nếu dùng SIM sai tên người sở hữu, đăng ký sẽ bị xoá số và công an xử lý đúng không?", anh Quách Tuấn, một khách hàng làm vẻ hoang mang thăm dò nhân viên một cửa hàng SIM thẻ thì được trả lời: "Ôi dào, cùng lắm là họ xoá số của anh thôi, mà SIM rác có vài ba chục ngàn, anh dùng vài ngày là hết, người ta chưa kịp xoá thì anh đã vứt SIM đi rồi. Bọn em mới là phải lo chứ vì có khi bị phạt, rút giấy phép kinh doanh nhưng mà vì 'thượng đế' vẫn phải làm liều thôi anh".

Theo thông tin từ một đầu nậu SIM rác, ngoài việc các cơ quan chức năng làm chặt hơn việc kích hoạt, yêu cầu gắt gao hơn về điều kiện kinh doanh thì lượng khách sau ngày 1/6 không giảm đi là bao bởi so với cùng kỳ năm ngoái vẫn tương đương.

Khi được hỏi có nắm được Thông tư 04 về việc siết chặt kinh doanh thẻ SIM không, N.A.M, chủ một đại lý SIM cho biết: "Nhân viên kinh doanh của các chi nhánh vùng của nhà mạng cũng đã phổ biến rồi, hướng dẫn đầy đủ các thủ tục pháp lý khi bán sim thẻ mới rồi. Nhưng về bản chất thì ai cũng phải sống, mình vẫn phải bán SIM khi khách cần, nhà mạng cũng vẫm cần có doanh số và phát triển thuê bao mới. Cơ quan chức năng có tăng cường quản lý thì cũng mới ở mức vỹ mô thôi, chưa thể sát sao ngay trong ngày một ngày hai được đâu".

Làm thế nào để "siết" hiệu quả?

Thực tế cho thấy, qua mỗi đợt triển khai các Thông tư, Quy chế mới về việc quản lý thị trường SIM thẻ trả trước đều có những bước tiến khá khả quan, từ việc định hướng thị trường cho tới đả thông ý thức người sử dụng. Tuy nhiên, giữa một bên việc siết chặt và một bên tổ chức điều phối kinh doanh hiệu quả đối với một ngành mũi nhọn như viễn thông di động thì rất cần cách tổ chức và điều phối hài hoà.

Theo đại diện của một nhà mạng thì: "Trước mắt, có thể tình trạng SIM rác, SIM kích hoạt trước chưa khép chặt được trong ngày một ngày hai nhưng bằng các biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi sẽ đưa dần các đại lý cấp 1, cấp 2, đại lý vùng dần vào quy củ. Việc đăng ký thông tin sẽ không cho phép làm xô bồ nữa và sẽ có những quy định cụ thể về điều kiện cụ thể để làm đại lý có khả năng kích hoạt SIM cũng như lượng SIM nhập-bán-lưu tính chi tiết hàng ngày".

Còn theo lời một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực viễn thông thì lượng SIM 3G, SIM rác kích hoạt trước đang được bán hiện nay là số lượng tồn lại do các đại lý găm hàng từ trước đang bán nốt. Nếu cứ theo đúng định hướng của Bộ TT&TT, tình trạng này đến cuối năm sẽ giảm triệt để.

Chị Anh Thư, khách hàng sử dụng SIM trả trước cho biết: "Thực ra mình cũng không muốn dùng SIM rác, thẻ khuyến mại làm gì nhiều bởi ngoài việc rẻ, nó khá nhiều bất tiện. Nếu như tới đây SIM trả trước phải đăng ký như trả sau, khuyến mại giảm thì mình sẽ cân nhắc chuyển hẳn sang trả sau. Mặc dù vậy cũng mong nhà mạng sớm có hình thức kích cầu cho các khách hàng trung thành để tạo tâm lý thoải mái cho người dùng".

Ở một góc độ khác, chị Hoàng Ngân, đại lý SIM thẻ tại phố L.Đ.H chia sẻ: "Chiết khấu thẻ cào chưa nổi 10%, có nhà mạng chỉ 6%, trong khi đó lại chiết khấu lại cho khách 2,3% để giữ khách thì tính ra bán mỗi thẻ 100 ngàn mình thu được có 2000-3000 đồng. Doanh thu không đủ sống giữa thời buổi vật giá leo thang thế này thì các đại lý mới phải lách, làm 'láo', chứ nếu nhà mạng tăng % chiết khấu thêm cho thẻ cào hoặc tạo điều kiện, điểm thưởng trong việc phát triển thuê bao thì chắc chắn các đại lý như chúng tôi sẽ bỏ nghề bán SIM rác kích hoạt sẵn".

Có thể nói, việc SIM rác kích hoạt trước tung hoành là do nhà mạng "làm hư" người dùng di động trong một thời gian quá dài với những chính sách chỉ tập trung tận thu và phát triển thuê bao một cách thiếu định hướng.

Tới thời điểm này, trước định hướng của Bộ TT&TT cũng như những hệ luỵ phát sinh do quản lý thuê bao lỏng lẻo, chắc hẳn nhà mạng Việt Nam đã có những bài học nhãn tiền. Cuộc chơi của thị trường viễn thông di động từ nay tới hết Quý III do đó cũng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn.

Theo Võ Trung (VNN)

Đọc thêm