RIM và Motorola khép lại cuộc chiến bản quyền

RIM và Motorola khép lại cuộc chiến bản quyền ảnh 1
Khi trận chiến giành giật người tiêu dùng smartphone đang “nóng” lên từng ngày, những tên tuổi lớn trong làng điện thoại đã “biến” các phòng xử án thành mặt trận thứ hai. Thỏa thuận dàn xếp giữa RIM và Motorola đánh dấu sự lắng dịu của một trong rất nhiều cuộc xung đột đang diễn ra tại các tòa án địa phương hoặc tại Ủy ban Thương Mại Quốc tế Mỹ (ITC). Ngoài việc giành giật quyền kiểm soát các bằng sáng chế, những vụ tranh chấp kiểu này thường được nhìn nhận như chiến thuật đe dọa hoặc chiêu bài “bắt nạt” đối thủ cạnh tranh.

RIM hiện đang nắm giữ “miếng bánh” lớn nhất trên thị trường smartphone Mỹ với dòng sản phẩm Blackberry. Các mẫu smartphone này vốn rất được giới khách hàng doanh nghiệp ưa chuộng. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại ngôi vương của RIM đang bị đe dọa bởi những smartphone hào nhoáng hơn, trong đó phải kể đến chiếc iPhone của Apple và “binh đoàn” Android vốn đang rất thu hút mối quan tâm của người tiêu dùng.

Trong khi đó, Motorola lại đang nỗ lực nhảy vào thị trường smartphone bằng việc phát triển và tung ra thị trường hàng loạt thiết bị chạy trên hệ điều hành Android của Google. Nhà mạng Verizon Wireless chịu trách nhiệm quảng bá, phân phối các mẫu smartphone của Motorola. Và CEO Sanjay Jha của Motorola tỏ ra rất tự tin vào triển vọng phát triển của Motorola trong thị trường này và cho rằng hãng sẽ đạt doanh số bán hàng smartphone cao hơn trong quý thứ 2/2010.

Cả RIM lẫn Motorola đều chưa tiết lộ thêm thông tin tài chính cụ thể của thỏa thuận liên quan đến việc dàn xếp sử dụng dài hạn bằng sáng chế của nhau đối với các công nghệ như 2G, 3G, 4G, Wi-Fi, thư điện tử không dây…Thỏa thuận này cũng bao gồm một sự chuyển nhượng hàng loạt bằng sáng chế.

Các hãng công nghệ đã liên tiếp “châm ngòi” cho các vụ kiện tụng lẫn nhau với tần suất ngày càng tăng trong vài tháng qua. Sau khi Motorola phát đơn kiện chống lại RIM hồi tháng 1 thì chỉ một thời gian sau, Apple đâm đơn kiện HTC vi phạm 20 bằng sáng chế iPhone bao gồm các tính năng màn hình cảm ứng. Vụ Apple đưa HTC ra tòa được nhiều người nhìn nhận là một cuộc tấn công gián tiếp nhằm vào Google. Mục đích của “Quả táo” là nhằm đe dọa “ngầm” đến bất cứ nhà sản xuất điện thoại nào đang sử dụng hệ điều hành Android. Tuy nhiên, HTC cũng tỏ ra không chịu thua kém khi ngay sau đó đã nộp đơn lên ITC kiện Apple vi phạm 5 bằng sáng chế của họ nhằm trả đũa “Quả táo”.

Hồi tháng 1, hãng Eastman Kodak cũng kiện Apple và RIM vì đã sử dụng công nghệ máy ảnh số của Kodak trong các sản phẩm điện thoại thông minh iPhone và BlackBerry. Trong khi đó, Apple và Nokia vẫn đang đối mặt với một vụ tranh chấp dai dẳng liên quan đến bằng sáng chế.

Các công ty hiện nay thường có xu hướng nhờ ITC phân giải vì cơ quan này tỏ ra nhanh nhẹn hơn so với tòa án truyền thống. Một phiên tòa của ITC có thể diễn ra chỉ trong vòng 14 đến 16 tháng sau khi nhận được đơn khiếu nại hoặc thậm chí sớm hơn. Trong khi đó, một tòa án địa phương có thể chờ đến hàng năm trời trước khi thẩm phán xét xử vụ án. Mặc dù ITC không thể quyết định được những khoản tiền phạt đối với công ty vi phạm song cơ quan này có thể áp đặt lệnh cấm với các sản phẩm vi phạm bằng sáng chế, do đó cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh của một công ty.

Theo Võ Hiền (Dân trí / Wall Street Journal)

Đọc thêm