Quản thuê bao trả trước: Nhà mạng muốn Bộ Thông tin và Truyền thông siết chặt hơn

Quản thuê bao trả trước: Nhà mạng muốn Bộ Thông tin và Truyền thông siết chặt hơn ảnh 1

Thị trường di động cạnh tranh quyết liệt dẫn tới số thuê bao ảo, SIM rác, thuê bao vào mạng ra mạng và vòng đời của thuê bao trả trước quá ngắn. Ảnh: Thanh Hải

Vi phạm vẫn phổ biến 

Ngày 4/6/2010, Bộ TT&TT đã có buổi họp với các mạng di động về vấn đề quản lý thuê bao di động trả trước. Ông Nguyễn Xuân Trụ, Phó Vụ trưởng Vụ Viễn thông của Bộ TT&TT cho biết, qua kiểm tra cho thấy việc sai phạm về quy định quản lý thuê bao di động trả trước là phổ biến. Trong đó, nhức nhối nhất vẫn nằm ở các chủ điểm giao dịch. Việc lưu trữ bản khai tại các điểm giao dịch được ủy quyền của một số doanh nghiệp không thực hiện nghiêm túc hoặc cố tình không thực hiện đăng ký thông tin bằng bản khai giấy.

Cho dù các chủ điểm giao dịch được nhà mạng trang bị máy tính, nhưng những máy tính này lại không kết nối cơ sở dữ liệu đăng ký thông tin thuê bao mà để chơi game và lướt net. Thậm chí đã có chủ điểm giao dịch “lách” việc giới hạn 3 SIM/mạng/thuê bao bằng việc đăng ký dưới hình thức cơ quan, tổ chức để đăng ký số lượng lớn SIM rồi bán ra thị trường tới hàng nghìn SIM. “Tất cả các mạng di động vẫn sử dụng phương thức chuyển thông tin thuê bao đăng ký từ điểm giao dịch đến cơ sở dữ liệu của nhà mạng bằng tin nhắn cho dù phương thức này đã không được phép sử dụng”, ông Trụ nói thêm.      

Tại buổi làm việc, Thanh tra Bộ TT&TT cho biết trong thời gian qua, các Sở TT&TT đã thanh tra 26.093 điểm giao dịch, 143.020 đại lý trên toàn quốc và đã xử phạt hành chính với số tiền khoảng 1,1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đã phát hiện 4.821 hợp đồng ủy quyền nhưng không ghi rõ đầy đủ thông tin như ngày tháng, địa điểm của chủ điểm giao dịch… Qua quá trình kiểm tra GTel, S-Fone và EVN Telecom, đã phát hiện hệ thống lưu trữ thông tin cá nhân vẫn sai phạm hết sức đơn giản.

Chẳng hạn ở nội dung trường họ, Gtel có 63.477 trường họ 1 ký tự, 68.876 trường hợp tên đệm có 1 ký tự và 571 trường hợp đăng ký dưới 14 tuổi và số chủ thuê bao có ngày sinh trước năm 1910 vẫn còn 18.373 trường hợp. S-Fone có 27 trường hợp trường họ tên nhỏ hơn 2 ký tự, tổng số thuê bao dưới 14 tuổi có 845 trường hợp và tổng số thuê bao sở hữu 4 SIM trở lên có 189 trường hợp. Riêng EVN Telecom có 3.112 thuê bao dưới 14 tuổi, 207.546 thuê bao đăng ký sở hữu trên 4 SIM.

Thanh tra Bộ TT&TT cũng cho biết sắp tới sẽ thanh tra 2 mạng di động là VinaPhone và MobiFone.  

Quản thuê bao trả trước: Nhà mạng muốn Bộ Thông tin và Truyền thông siết chặt hơn ảnh 2

Ảnh minh họa.

Sẽ cấm mua, bán SIM đã đăng ký thông tin

Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, cạnh tranh khốc liệt đã đẩy vòng đời của SIM rất ngắn do chạy từ mạng này sang mạng kia chứ thực tế là không phát triển nhiều số lượng thuê bao. Hiện đã có khoảng 90 triệu SIM có phát sinh lưu lượng và cơ bản đã phổ cập điện thoại được đến với người dân.

Trong khi đó, các mạng di động có khoảng 100.000 điểm giao dịch, trung bình mỗi xã có tới 10 điểm. Số lượng đại lý như vậy cả cơ quan quản lý nhà nước đều khó có khả năng kiểm tra, kiểm soát. Vì vậy nên xiết chặt tiêu chuẩn đại lý ủy quyền để chấn chỉnh hoạt động đăng ký thông tin cá nhân mà trước tiên thực hiện ở các thành phố.

Trước thực trạng đăng ký thông tin của thuê bao di động trả trước hiện nay, ông Nguyễn Xuân Trụ đã đưa ra đề xuất sẽ phối hợp với các đơn vị của Bộ để đưa ra quy định ràng buộc cụ thể để tránh trường hợp lập doanh nghiệp, tổ chức “ma” để đăng ký hàng loạt SIM rồi bán ra thị trường. Theo đó sẽ cấm mua, bán những SIM đã đăng ký thông tin hoặc quy định cụ thể về thời gian sau khi đã đăng ký thông tin thuê bao sau một thời gian không kích hoạt sẽ bị xóa thông tin đã đăng ký.

Nếu quy định này được ban hành thì việc buôn bán SIM số đẹp và việc các chủ điểm giao dịch lập doanh nghiệp “ma” cơ bản sẽ được giải quyết. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT sẽ thu hồi mã số nhắn tin 1414 và yêu cầu các mạng di động ngừng sử dụng SIM đa năng đã cấp cho chủ điểm giao dịch để đăng ký thông tin thuê bao. Bộ cũng sẽ quy định đối với các mạng di động về việc đầu tư các thiết bị, phần mềm đăng ký thông tin thuê bao tại các chủ điểm giao dịch ủy quyền khu vực nội thị.

Ông Trụ còn đề nghị lãnh đạo Bộ TT&TT làm việc với Bộ Công an để chỉ đạo các đơn vị chức năng của hai bộ sớm thống nhất bàn giao dữ liệu thông tin thuê bao đăng ký của các mạng di động hiện có cho Bộ Công an đối soát. Trước mắt, có thể thực hiện việc đối soát này ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng.

Doanh nghiệp muốn được thắt chặt quản lý

Tại buổi làm việc, tất cả các mạng di động đồng loạt ủng hộ việc xiết chặt quản lý thuê bao di động trả trước. Ông Hoàng Trung Hải, Phó giám đốc VinaPhone cho biết: “Đến giai đoạn này chúng ta nên thắt chặt lại chứ không nên để tràn lan quá. Tôi đề nghị phải tăng cường thanh tra, các Sở có thể kiểm tra đột xuất các đại lý, các sai phạm phải xử lý thật nghiêm”.

Phía Gtel đưa ra một thực tế rất khó quản lý các điểm bán lẻ bởi họ làm đại lý cho các nhà mạng di động. “Nếu chúng tôi làm chặt việc đăng ký thuê bao họ sẽ bỏ luôn, trong khi các mạng khác dễ dàng hơn trong việc quản lý thông tin thuê bao. Thậm chí, chúng tôi xử phạt họ chấp nhận và không bán SIM Gtel nữa vì họ vẫn có lợi nhuận từ các mạng khác. Do đó cần có sự phối hợp giữa các mạng với nhau trong quản lý các điểm bán lẻ. Bộ TT&TT cũng cần có một văn bản quy định chính thức về thời gian kích hoạt thuê bao sau bao nhiêu giờ từ thời điểm đăng ký để chúng tôi có thể làm việc với đại lý”, đại diện Gtel nói.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Đình Hùng, Phó Tổng giám đốc Hanoi Telecom cho rằng, chủ trương quản lý thuê bao di động trả trước rất đúng đắn nhưng việc cạnh tranh trên thị trường quá khốc liệt, các doanh nghiệp đang cố gắng thu hút khách hàng dẫn tới số thuê bao ảo, SIM rác, thuê bao vào mạng ra mạng và vòng đời của thuê bao trả trước quá ngắn. Vì vậy, cơ quan quản lý cần sớm có biện pháp ngăn chặn tình trạng này.

Theo Thái Khang (ICTnews)

Đọc thêm