Quản chặt game nhập vai bạo lực

Quản chặt game nhập vai bạo lực ảnh 1
Ảnh minh họa

Chặt hơn với game bạo lực

Dự thảo Quy chế về quản lý trò chơi trực tuyến (game online) vừa được Bộ TT&TT lấy ý kiến các thành viên Ban soạn thảo cũng như Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ. Hầu hết các ý kiến đều thống nhất quan điểm đây là loại hình dịch vụ cần được phát triển trong sự quản lý chặt chẽ.

Trình bày về những điểm mới so với các văn bản hiện hành, ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục PTTH-TTĐT (Bộ TT&TT) cho biết, quan điểm nhất quán được khẳng định trong dự thảo quy chế là khuyến khích phát triển trò chơi trực tuyến với nội dung lành mạnh đáp ứng nhu cầu giải trí ngày càng cao của người dân, thúc đẩy ứng dụng Internet và nâng cao hiệu quả sử dụng hạ tầng viễn thông băng rộng tại Việt Nam, đặc biệt sẽ có chính sách thúc đẩy phát triển trò chơi trực tuyến có gắn với giáo dục, tuyên truyền lịch sử. Nhưng cũng sẽ đồng thời với việc ngăn chặn việc lợi dụng trò chơi trực tuyến để gây ra những tác động tiêu cực cho xã hội, nhất là với trẻ em.

Với quan điểm như vậy, trò chơi trực tuyến sẽ được chia làm 2 loại và có 2 chính sách quản lý tương đối khác biệt. Trong đó loại game nhập vai bạo lực với những kịch bản phức tạp, có nhiều nguy cơ gây tác động tiêu cực sẽ được quản lý chặt hơn. Sự chặt chẽ hơn không chỉ đối với đơn vị cung cấp dịch vụ game online mà cả với người chơi. Theo dự thảo, người chơi sẽ bị giới hạn trong độ dài thời gian 180 phút mỗi ngày, trừ các trò ưu tiên sẽ được không vượt quá 300 phút. Thời gian cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp và đại lý Internet cũng chỉ được kéo dài từ 8h-22h hàng ngày.

Ngoài ra, kinh doanh dịch vụ trò chơi trực tuyến sẽ là loại hình kinh doanh có điều kiện nên doanh nghiệp phải được cấp phép trên cơ sở thẩm định về mặt kỹ thuật và nội dung, nộp lệ phí cấp phép theo quy định và lưu giữ thông tin cá nhân của người chơi trong thời gian tối thiểu 2 năm. Hàng năm, các doanh nghiệp phải có đăng ký kế hoạch phát hành trò chơi cho năm sau và chỉ được phát hành game trong danh sách đã đăng ký. “Một trong những chính sách của chúng ta là khuyến khích trò chơi sản xuất trong nước thay cho nhập khẩu”, ông Hải nói.

Ngoài ra, ông Hải cho biết, vật phẩm ảo đang là một xu hướng kinh doanh tất yếu, đem lại giá trị gia tăng cao cho cả người chơi và doanh nghiệp nhưng cũng đã gây ra không ít tranh chấp trong thực tế cần phải được điều chỉnh. Vì vậy, dự thảo cũng xây dựng các quy định mới về vật phẩm ảo, không coi đây là một tài sản mà chỉ là một quy ước được sử dụng trong nội bộ từng trò chơi, yêu cầu với mỗi trò chơi có một quy tắc riêng được công bố công khai trước khi chơi để làm cơ sở giải quyết tranh chấp khi những quy định hiện hành của pháp luật không đủ căn cứ để xử lý.  

Quản chặt game nhập vai bạo lực ảnh 2

Dự thảo Quy chế về quản lý Game Online do Bộ TT&TT đang soạn thảo sẽ khuyến khích trò chơi sản xuất trong nước. Ảnh: Thanh Hải

Cần sự đồng bộ để thực thi

Dự thảo được đánh giá là chặt chẽ về mặt nội dung, song có nhiều lo ngại về khả năng phù hợp với thực tế. Theo ông Hoàng Minh Thái, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VH,TT&DL), vẫn nên có quy định mở về thời gian đối với những đơn vị cung cấp dịch vụ game online cho người nước ngoài như các khách sạn, khu nghỉ dưỡng… bởi cái xã hội quan tâm là ngăn chặn đối với đối tượng là học sinh, sinh viên. Thậm chí, cởi mở hơn, bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó vụ trưởng Vụ Viễn thông (Bộ TT&TT) còn cho rằng, quy chế cần quan tâm trò chơi nhập vai, còn những trò đơn giản thì không cần phải cấp phép và hạn chế giờ chơi.

Băn khoăn về quy định thời gian cung cấp dịch vụ game online, nhiều ý kiến cho rằng sẽ gây khó khăn cho các địa phương bởi Nghị định số 97/2008/NĐ-CP về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet đã giao cho các tỉnh, thành phố được quyền tự quy định thời gian đóng, mở cửa của đại lý Internet. Ông Lưu Vũ Hải cho rằng, giờ quy định trong Nghị định 97 là giờ đóng mở cửa đối với đại lý cung cấp dịch vụ Internet, nhưng với dịch vụ trò chơi trực tuyến là dịch vụ phải cấp phép thì nên chăng cũng có một quy định riêng, theo đó, game online sẽ phải dừng cung cấp sớm hơn thời điểm đóng cửa của cửa hàng Internet.

Cũng nhằm bảo đảm khả năng thực thi, ông Trần Hoài Văn, Cục An ninh truyền thông (Bộ Công an) cho rằng, dự thảo còn thiếu những nội dung liên quan đến lĩnh vực an ninh thông tin mà nếu không bổ sung sẽ khó khăn cho công tác của lực lượng công an như sự tham gia của công an trong kiểm tra các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ bảo đảm an ninh thông tin trước khi cấp phép cho doanh nghiệp.

Xuất phát từ một thực tế mới phát sinh, ông Ngô Huy Toàn, Phó phòng Thanh tra Báo chí xuất bản (Cục Xuất bản) cho biết, hiện nay đang manh nha có những doanh nghiệp sản xuất game online trên điện thoại di động và Ban soạn thảo quy chế cũng nên lưu ý tới việc này để có quy định trong văn bản. Có ý kiến cho rằng, để có thể “quét” được hết các đối tượng dù là chơi ở hàng Internet, ở nhà hay qua thiết bị di động, nên áp dụng cách mà Trung Quốc đã sử dụng đó là yêu cầu doanh nghiệp cung cấp game tắt máy chủ game từ 12h đêm đến 6h sáng.

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn, xây dựng văn bản để điều chỉnh các đối tượng không phải là đơn giản, nhưng không thể không làm. Không nên quá cực đoan khi đề cao quá mức cũng như phủ định hoàn toàn game online. Văn bản phải làm sao thể hiện được chính sách phát triển dịch vụ này nhưng đồng thời cũng giảm thiểu trò chơi độc hại và lợi dụng để trục lợi.

Theo Hồng Minh (ICTnews)

Đọc thêm