Phát triển Internet: Không thể “bỏ qua” nông thôn

Phát triển Internet: Không thể “bỏ qua” nông thôn ảnh 1

Ngày 31/3, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị với các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam nhằm tham khảo, lấy ý kiến đóng góp cho việc thực hiện Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia mạnh về CNTT-TT”.

Điểm yếu: Phát triển băng rộng không đồng đều

Tại Hội nghị, ý kiến của nhiều đại diện các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế đều cho rằng phát triển Internet băng thông rộng đang là xu thế chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Đối với Việt Nam, để trở thành một quốc gia mạnh về CNTT thì cũng không thể nằm ngoài xu thế này.

Theo ông Frank Donovan - Giám đốc Cơ quan Phát triển hợp tác Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, trong khi các khu vực đô thị tại Việt Nam hạ tầng Internet băng thông rộng đã khá phát triển, thì tại khu vực nông thôn lại chưa được các doanh nghiệp quan tâm nhiều. “Các doanh nghiệp tại Việt Nam hầu hết vẫn chưa thực sự chú ý nhiều đến thị trường này, giá dịch vụ còn đắt so với khả năng có thể chi trả của đối tượng người dân sống tại các vùng nông thôn”, ông Frank Donovan nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Zhou Qi Dong - Chuyên gia giải pháp mạng của Công ty Huawei Việt Nam, chia sẻ câu chuyện: Tại thời điểm đầu những năm 1990, hai quốc gia là Malaysia và Hàn Quốc đều có nền kinh tế phát triển tương đồng nhau. Tuy nhiên từ đó đến nay, khoảng cách về kinh tế, Internet ngày càng có sự khác biệt lớn, Hàn Quốc ngày càng bỏ xa Malaysia do quốc gia này phát triển Internet băng thông rộng mạnh hơn. Hiện Hàn Quốc còn trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới trong phát triển hạ tầng Internet băng thông rộng, chính quyền điện tử, chính phủ điện tử... tại tất cả các địa phương, vùng miền. Ông Zhou Qi Dong cũng nhận định: Trong vài năm gần đây, Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ Internet băng rộng. Tuy nhiên, nếu so với nhiều nước trong khu vực Châu Á thì còn rất thấp, Việt Nam cần coi Hàn Quốc là một ví dụ điển hình về sự phát triển để tham khảo kinh nghiệm.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp cũng khẳng định việc phát triển hạ tầng Internet băng thông rộng tại Việt Nam hiện vẫn còn phân tán, manh mún, tuy nhiên thực tế này đang dần được khắc phục, đặc biệt, điều đó còn thể hiện qua quyết tâm của Việt Nam thông qua Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia mạnh về CNTT-TT”. Theo nội dung Đề án, Chính phủ Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2015 sẽ cơ bản hoàn thành mạng băng rộng đến các xã, phường trên cả nước, kết nối Internet đến tất cả các trường học; phủ sóng thông tin di động băng rộng đến 85% dân cư; đến năm 2020, Việt Nam sẽ hoàn thiện mạng băng rộng đến hầu hết số thôn, bản trong cả nước; phủ sóng thông tin di động băng rộng đến 95% dân cư.

Phát triển Internet: Không thể “bỏ qua” nông thôn ảnh 2

Hạ tầng Internet băng thông rộng ở các khu vực đô thị tại Việt Nam khá phát triển. Ảnh: Thanh Hải

Gợi ý hướng đi cho Việt Nam

Vậy, để có thể phát triển được hạ tầng Internet băng rộng quốc gia, Việt Nam cần đi theo hướng nào?

Về vấn đề này, tại Hội nghị, ông John Meyer – Giám đốc Kinh doanh của Công ty Mạng lưới vệ tinh Gilat khẳng định: Để có thể đưa băng rộng đến tất cả các khu vực vùng sâu, vùng xa là một thách thức không đơn giản đối với Việt Nam. Tuy nhiên, tiếp nối sự phát triển của vệ tinh Vinasat 1, vệ tinh Vinasat 2 mà Việt Nam sẽ phóng trong thời gian tới đây sẽ là một điều kiện rất thuận lợi cho sự phát triển Internet băng thông rộng tại các vùng miền trên cả nước, đặc biệt là tại những vùng sâu, vùng xa.

Theo đại diện Công ty Amdocs, để có thể phát triển và thực sự tạo ra một sân chơi bình đẳng cho thị trường Internet băng thông rộng, thay vì hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ đều của Nhà nước như hiện nay, Việt Nam cần phải mở rộng sân chơi cho các nhà cung cấp tư nhân. Và khi đã có sự cạnh tranh quyết liệt của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, thì Nhà nước cũng cần phải đặt ra “đầu bài” để doanh nghiệp phát triển hạ tầng tới các vùng khó khăn. “Ví dụ, ra quy định sau vài năm tung ra dịch vụ phải cung cấp tới các vùng nông thôn chẳng hạn”, đại diện Công ty Amdocs gợi ý.

Từ kinh nghiệm 25 năm làm trong lĩnh vực vệ tinh, ông John Meyer cho rằng Việt Nam hiện đang sở hữu hơn 17.000 trung tâm thuộc hệ thống bưu điện - đây chính là các điểm hiệu quả để lắp đặt, phát triển hạ tầng Internet băng rộng ra khắp cả nước.

Tại Hội nghị, một vấn đề cũng được các chuyên gia đặt ra để thảo luận, đó là khi đã có hạ tầng, thì đâu là yếu tố để “kích” người dân sử dụng, duy trì sự phát triển hạ tầng, giảm thiểu nguy cơ lãng phí?

Ông Frank Donovan cho hay, kinh nghiệm từ Ấn Độ cho thấy, quốc gia này đã phát triển một dự án kết nối Internet băng thông rộng tới nông thôn, để người nông dân có thể lên mạng tìm hiểu thông tin giá cả thị trường các mặt hàng nông sản, các nội dung thông tin về y tế, thời tiết trực tuyến… “Nhiều nông dân nhờ tìm hiểu trên mạng Internet đã tìm được địa chỉ bán hàng với giá cao hơn so với việc phải thông qua bên trung gian thứ ba. Những yếu tố như vậy đang thực sự kích thích người dân vùng sâu, vùng xa sử dụng Internet băng rộng một cách hiệu quả”, ông Donovan nhấn mạnh.

Theo Nguyên Đức (ICTnews)

Đọc thêm