Nội dung nào có thể bán được trên Internet?

Nội dung nào có thể bán được trên Internet? ảnh 1


Hãng nghiên cứu thị trường Nielsen vừa tiến hành một cuộc khảo sát toàn cầu với 270.000 người tại 54 quốc khác tham gia trả lời cho câu hỏi: Bạn có đồng ý trả tiền cho những nội dung trên mạng Internet hay không? Nếu có, đó là những nội dung thuộc lĩnh vực nào?

Kết quả cho thấy, cộng đồng người dùng Internet đã có sự chuyển biến rất lớn về tư tưởng chấp thuận trả phí với việc tỷ lệ người đồng ý đã tăng cao hơn nhiều so với trước đây. Cùng với đó, người dùng cũng đã tỏ ra “rộng lượng” hơn với việc chấp nhận chung sống với quảng cáo trực tuyến để cắt giảm chi phí.

Tuy nhiên, tỷ lệ này rất khác biệt tại những vùng địa lý khác nhau và tùy thuộc vào nội dung đó là gì.

Nielsen cho biết, số người dùng đồng ý trả tiền để xem video, phim ảnh, nghe nhạc hay chơi game trên mạng có tỷ lệ cao nhất với 57%, trong khi các nội dung do người dùng tự tạo có tỷ lệ thấp nhất (dưới 25%). Điều này cho thấy mặc dù truyền thông xã hội đang bùng nổ nhưng người dùng vẫn đặt niềm tin vào các nhà sản xuất nội dung chuyên nghiệp hay các nguồn thông tin chính thống.

Khảo sát còn cho thấy, ở những nội dung bị buộc phải trả phí hoặc đang được thu phí, tỷ lệ người dùng sẵn sàng cao hơn so với những nội dung mà họ có thể tìm kiếm nguồn miễn phí thay thế.

Danh sách những nội dung và tỷ lệ người dùng sẵn sàng trả phí cho nội dung đó:

- Âm nhạc: 57%

-  Phim chiếu rạp: 57%

- Game: 51%

- Các đoạn video được sản xuất chuyên nghiệp (VD: chương  trình truyền hình): 50%

- Tạp chí: 49%

-  Báo: 42%

- Tin tức chỉ có trên Internet: 36%

- Radio (chương trình âm nhạc): 32%

- Radio qua Internet: 28%

- Cộng đồng mạng  xã hội: 28%

-  Radio (các chương trình tin tức/đối thoại…): 26%

-   Video do người dùng tự tạo: 24%

-  Blog: 20%

Cũng từ kết quả của cuộc khảo sát này cho thấy, có đến gần một nửa (47%) số người dùng Internet trên thế giới đồng ý có thêm quảng cáo trên các website để hỗ trợ cho những nội dung miễn phí.

Người dùng tại các khu vực như Trung Đông, châu Phi và Pakistan tỏ ra “thoải mái” nhất khi có tỷ lệ 55% đồng ý xem thêm quảng cáo. Các nước châu Á – Thái Bình Dương có tỷ lệ 40% trong khi người dân Bắc Mỹ và châu Âu khắt khe hơn một chút với 39%. Điều này càng khẳng định một điều rằng không có một hình mẫu thu phí nào khả thi với người dùng tại tất cả các quốc gia mà các nhà sản xuất nội dung sẽ phải áp dụng rất nhiều mô hình khác nhau.

Theo Lương Hương (ICTnews / Nielsen)

Đọc thêm