Những trào lưu kỳ cục của người dùng sản phẩm điện tử

Ngoài ra, cuộc đua tháo rời, phá nát sản phẩm... cũng rất thịnh hành trong giới mê đồ công nghệ.

"Đập hộp" (unboxing)

Trên khắp các trang chia sẻ video như YouTube, Dailymotion..., người ta sẽ bắt gặp những hình ảnh con người biểu lộ sự sung sướng, phấn khích, thất vọng... khi tháo đồ điện tử, phổ biến nhất là điện thoại và laptop nhưng cũng đã lan sang cả các mặt hàng như... áo sơ mi và chăn ga gối.

Nhiều cửa hàng chỉ cho phép khách mở hộp sau khi đã chấp nhận mua sản phẩm, do đó đây là giây phút quan trọng để người mua kiểm tra thiết bị có như họ mong đợi hay không. Ngoài ra, những clip "unboxing" mang đến cho người xem cái nhìn trực quan về sản phẩm cũng như phụ kiện gồm những gì, cáp nối trông ra sao...

Những trào lưu kỳ cục của người dùng sản phẩm điện tử ảnh 1

Đập hộp Nexus One

Ban đầu chỉ người dùng chia sẻ video đập hộp trên mạng nhưng hiện nay các hãng sản xuất cũng tận dụng xu hướng này để quảng bá cho sản phẩm của họ. Chẳng hạn Google thuê chuyên gia Patrick Bolvin thực hiện clip về ba hiệp sĩ Ninja cùng khám phá điện thoại Nexus One.

Cầm thử sản phẩm (hands-on)

Thông thường, người dùng chỉ biết về sản phẩm qua những ảnh chụp của nhà sản xuất. Do đó, ngay khi thiết bị xuất hiện trên thị trường, sẽ có nhiều người đi xem và tìm hiểu về thiết bị. Tuy nhiên, một số lại mượn máy dùng thử và chụp ảnh với mục đích... đăng lên mạng.

Những trào lưu kỳ cục của người dùng sản phẩm điện tử ảnh 2

iPad "hands-on".

Chủ đề "hands-on" trên các diễn đàn luôn thu hút đông người đọc và bình luận bởi nó giúp mọi người biết sản phẩm trên thực tế trông như thế nào, có khác nhiều so với những bức ảnh đã được gọt giũa của nhà sản xuất hay không.

"Mổ xẻ" thiết bị (teardown)

Hầu như mọi sản phẩm thu hút sự chú ý của người tiêu dùng sẽ không tránh khỏi việc bị tháo rời. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ dũng cảm bỏ khoản tiền lớn mua thiết bị rồi gỡ tung ra xem bên trong có gì. Một số công ty như iFixit, RapidRepair và iSuppli thực hiện công việc này như một chiến lược kinh doanh (như cung cấp ảnh miễn phí cho các báo để họ đưa tên công ty vào bài viết).

Những trào lưu kỳ cục của người dùng sản phẩm điện tử ảnh 3
Tháo tung máy nghe nhạc Microsoft Zune.

Trào lưu này gây nhiều tranh cãi bởi nó khiến không ít người yêu công nghệ xót xa và "số phận" của sản phẩm bị tháo rời cũng không được công bố. Tuy nhiên, iFixit khẳng định việc mổ xẻ thiết bị giúp người dùng khám phá bí mật cũng như hiểu giá trị của từng linh kiện bên trong, tránh bị các cửa hàng điện tử lừa hoặc ép mua bộ phận thay thế với giá cao khi đem máy đi sửa.

"Hành hạ" sản phẩm

Máy tính bảng iPad của Apple vừa đến tay người mua đã bị phá nát và đánh bằng gậy bóng chày ngay trên đường phố. Tạp chí PC World (Mỹ) cũng thả rơi máy từ trên cao, dùng xà phòng để chùi rửa và lấy đinh sắc nhọn mài lên màn hình.

Những trào lưu kỳ cục của người dùng sản phẩm điện tử ảnh 4

Xem video iPad bị quăng quật

Trước đó, iPhone, Nokia N97, Sony Vaio... cũng trở thành "nạn nhân" của trào lưu kiểm tra độ bền sản phẩm. Mục đích của hành động này có thể là để đánh giá "sức chịu đựng" của thiết bị, hoặc đơn giản chỉ muốn gây sốc và thu hút sự chú ý trên Internet.

Theo Châu An (VNE)

Đọc thêm