Những mốc đáng nhớ sau 15 năm Internet Việt Nam phát triển

Những mốc đáng nhớ sau 15 năm Internet Việt Nam phát triển ảnh 1

Tháng 10/2009, VinaPhone ra mắt dịch vụ mạng 3G, đánh dấu sự phát triển của dịch vụ băng rộng vô tuyến. Ảnh: Internet.

*16-24/12/1996: Tại Hội nghị Trung ương II khoá VIII bàn về định hướng chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Đỗ Trung Tá trình bày về công nghệ thông tin liên lạc mới - hay còn gọi là Internet về cả mặt tích cực và tiêu cực. Trong đó có đoạn: "Về thực chất Internet là công nghệ thông tin liên lạc mới, nó tác động vào xã hội và cuộc sống ở mức độ rộng lớn và đa dạng".

*1996: Công ty Điện toán và truyền số liệu VDC quản lý, khai thác hệ thống thư điện tử VNmail với 518 thuê bao. Hoàn thành hai mạng trục Internet giai đoạn 1 và 2 node tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nối với nhau bằng đường truyền 64Kbps.

*6/2/1997: Báo điện tử đầu tiên của Việt Nam lên mạng toàn cầu. Dưới sự trợ giúp kỹ thuật của VDC, 6 bài báo của Tạp chí Quê Hương được phát hành trên mạng Internet.

*5/3/1997: Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Ban điều phối quốc gia mạng Internet để điều hoà, phối hợp với việc quản lý, phát triển mạng và dịch vụ Internet ở Việt Nam.

*5/4/1997: Chính phủ ban hành Nghị định số 21/CP kèm Quy chế tạm thời về quản lý, thiết lập sử dụng mạng Internet ở Việt Nam nhằm thống nhất quản lý, kiểm soát mạng Internet và các dịch vụ Internet. Tất cả các cơ quan, tổ chức có mạng máy tính tại Việt Nam nếu không được cấp phép, việc kết nối với Internet dưới bất kỳ hình thức nào đều là bất hợp pháp.

*19/11/1997: Ban điều phối quốc gia mạng Internet khai trương dịch vụ Internet Việt Nam, trao giấy phép cho các nhà cung cấp dịch vụ kết nối, truy nhập Internet và nhà cung cấp dịch vụ.

*1/12/1997: Dịch vụ Internet được cung cấp cho đông đảo người sử dụng.

*1998: Dấy lên lo ngại Sự cố thiên niên kỷ Y2K - có thể xảy ra đối với tất cả các loại trang thiết bị điện tử có xử lý số liệu về năm bằng hai chữ số (từ 00 đến 99). Lo ngại đến năm 2000, chúng sẽ không hiểu đúng là năm 2000, có khả năng rối loạn hoặc ngừng hoạt động của các thiết bị này khi xử lý thời gian thực trong thế kỷ 21, bắt đầu bằng năm 2000. Nhưng sự cố Y2K đã không xảy ra dù thế giới phải tiêu tốn 300-600 tỷ USD để tìm giải pháp xử lý.

*26/02/1999: Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện chỉ thị về việc phát triển và quản lý dịch vụ điện thoại trên Internet và các dịch vụ viễn thông cơ bản khác trên Internet: Cho phép các nhà cung cấp dịch vụ Internet thử nghiệm công nghệ và dịch vụ điện thoại và các dịch vụ cơ bản khác trên Internet.

*28/4/2000: Quyết định thành lập Trung tâm thông tin mạng Internet Việt Nam (VNNIC).

*17/10/2000: Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 58-CT/TW về "Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá", trong đó đề ra mục tiêu: "Giá cước từ năm 2001 đảm bảo thấp hơn hoặc tương đương với các nước trong khu vực, đảm bảo cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet với chất lượng cao".

*13/2/2001: Thủ tướng Chính phủ ra quyết định chuyển giao chức năng điều phối các hoạt động Internet ở Việt Nam từ Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường về Tổng cục Bưu điện.

*23/8/2001: Ban hành Nghị định số 55/2001/NĐ-CP về quản lý cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet, thay thế Nghị định 21 được xem là "cởi trói", tư duy "quản được đến đâu mở ra đến đó", chuyển sang "quản lý phải theo kịp phát triển"

*2001: Hai hacker ở Việt Nam đầu tiên bị bắt. Cơ quan an ninh phát hiện Phan Quang Trung và Nguyễn Đắc Thuận ở TP.HCM đánh cắp mật khẩu và phát tán trên mạng cho nhiều người sử dụng (từ tháng 1-2/2001).

*17/7/2002: Thủ tướng phê duyệt kế hoạch tổng thể về ứng dụng CNTT đến năm 2005, trong đó năm 2005 số người dân sử dụng Internet tăng ít nhất 10 lần so với năm 2000.

*28/11/2002: Lễ ra mắt Bộ Bưu chính Viễn thông, cơ quan quản lý Nhà nước về bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin.

*1/4/2003: Giảm cước Internet, điện thoại mạnh chưa từng có, từ 10-40%, được báo chí đánh giá là "cú hích" đối với mục tiêu phổ cập Internet.

*Quý II/2003: Mega VNN xuất hiện gây chấn động. Đây là dịch vụ truy nhập Internet thông qua công nghệ băng rộng ADSL, cho phép khách hàng truy nhập Internet tốc độ cao vừa có thể dùng các dịch vụ khác như điện thoại, fax đồng thời.

*14/7/2005: Ký kết Thông tư liên tịch 02/2005/TTLT về quản lý đại lý Internet Bộ BCVT, VHTT, CA.

*Từ 2001-2007: Chứng kiến việc giá cước các dịch vụ viễn thông, Internet giảm liên tục. Số người dùng Internet tăng mạnh, bên cạnh mặt tích cực, các tệ nạn xã hội liên quan đến Internet như bạo lực, nghiện game trực tuyến, phát tán ảnh khiêu dâm… gia tăng.

*28/8/2008: Ban hành Nghị định 97/2008/NĐ-CP về quản lý cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet thay thế Nghị định số 55/2001/NĐ-CP về quản lý cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet.

*2009: Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet cáp quang FTTH với tốc độ tải dữ liệu có thể lên đến 10 Gigabit/giây, nhanh gấp 200 lần so với ADSL 2+.

*10/2009: VinaPhone ra mắt dịch vụ truy cập Internet qua mạng 3G, đánh dấu sự phát triển của dịch vụ băng rộng vô tuyến.

Sau 15 năm phát triển, theo số liệu của Trung tâm Internet Việt Nam, Việt Nam đã có hơn 31 triệu người sử dụng Internet, chiếm 35,49% dân số, trong đó hơn 20% trong số người sử dụng Internet hiện tại đã bắt đầu sử dụng Internet trong vòng 1-2 năm trở lại đây. Tính đến hết năm 2011,số lượng người dùng Internet vô tuyến qua mạng 3G đã lên tới 16 triệu người sử dụng (18% dân số Việt Nam).

(Theo ICTnews)

Đọc thêm