Những góc nhìn mới về ngành CNTT-TT Việt Nam

Cuộc tổng điều tra về hiện trạng sử dụng internet thiết bị nghe nhìn trên toàn quốc lần đầu tiên được thực hiện...

Những góc nhìn mới về ngành CNTT-TT Việt Nam ảnh 1

Các khách mời tham gia buổi đối thoại (từ phải sang): ông Mai Liêm Trực, ông Nguyễn Thành Nam và ông Lê Quốc Minh. (Ảnh: plo.vn)
Tuy vậy, dư âm nhiều vấn đề của ngành công nghệ thông tin-truyền thông Việt Nam như vẫn còn nguyên sức “nóng”, đặc biệt trong dư luận xã hội. Đó là cuộc tranh luận trái chiều chưa hồi kết về hệ lụy của game online và tìm cách “quản” đại lý Internet, là hiện tượng sim rác vẫn “sống khỏe” trước những quy định về quản lý thuê bao di động trả trước, là sự nghèo nàn của các dịch vụ 3G kèm theo sự hạn chế về tốc độ, tính ổn định, là sự bức xúc của hàng triệu khán giả về vấn đề bản quyền truyền hình được xem là “sự độc quyền của K+.”

Trên ba góc nhìn, một từ phía người quản lý, một từ phía doanh nghiệp và một từ phía truyền thông báo chí, các vấn đề của ICT Việt Nam đã được tiến sĩ Mai Liêm Trực, Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính-Viễn thông, ông Nguyễn Thành Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần FPT và ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập báo điện tử VietnamPlus, những vẫn đề tuy không mới của ICT Việt Nam 2010 đã được đánh giá theo một góc nhìn cũng như cách giải quyết khá mới mẻ.

Phát triển nhanh nhưng không bền

Theo tiến sĩ Mai Liêm Trực, sự kiện nổi bật trong năm vừa qua là trong đà phát triển nhanh, công nghệ thông tin nước nhà đã bộc lộ sự phát triển nhanh nhưng không bền vững. Ví dụ những mặt tiêu cực của internet như game online dù cơ quan nhà nước đã có nhiều nỗ lực.

Ông Trực cũng cho rằng, vấn đề an toàn an ninh mạng cũng có những bộc lộ cần nhìn nhận lại. Một vấn đề nổi lên là  kênh đầu tư của ta tuy tốt nhưng kém bền vững và chưa hiệu quả, điều này khiến các doanh nghiệp của chúng ta thấy thị trường Việt Nam tốt nhưng vẫn tìm cách đi vòng để đến với thị trường bằng cách bắt đầu ra thị trường nước ngoài.

Ông Trực cũng quan ngại về tình trạng nhập thiết bị viễn thông  quá nhiều, theo ông,  tư duy quản lý  cũng như đầu tư của các doanh nghiệp đều cần điều chỉnh để có được sự phát triển mạnh và bền vững hơn.

Người đứng đầu của Công ty CNTT hàng đầu Việt Nam, Nguyễn Thành Nam chia sẻ: Theo tôi, sự kiện Thủ tướng chính phủ phê duyệt đề án đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin truyền thông là một sự kiện nổi bật, nó thể hiện sự quan tâm của chính phủ. Tuy nhiên, với tư cách của một doanh nghiệp, tôi chỉ mong muốn nghị quyết kèm theo số tiền và sự cam kết của nhà đầu tư.

Ở góc cạnh truyền thông mang tính báo chí, Tổng biên tập VietnamPlus Lê Quốc Minh lại chia sẻ: "Tôi quan tâm tới vấn đề an ninh mạng, cao hơn là vấn đề game online. Đây là 2 vấn đề gây nhiều tranh cãi, khiến cho các cấp quản lý từ Trung ương đến các đơn vị chức năng,  các doanh nghiệp, tổ chức  đã phải tốn khá nhiều các cuộc hội thảo, tuy nhiên vẫn không thể tìm ra biện pháp khả thi giải quyết vấn đề một cách triệt để."

Tin rác: Quản lý bất lực trước "tư tưởng" của người kinh doanh

Một vấn nạn khiến người sử dụng hết sức khó chịu là vấn đề quảng cáo, rao vặt qua tin nhắn, độc giả  Vũ Lê Dũng, có địa chỉ email vldung@yahoo.com, hiện đang công tác tại Hưng Yên đã đặt câu hỏi: "Cách đây 1 năm, khi nạn sim rác hoành hành, mỗi ngày trung bình tôi nhận được khoảng gần 10 tin nhắn quảng cáo, rao vặt khác nhau.

Giờ đây, sau gần 1 năm quy định về quản lý thuê bao trả trước được ban hành và áp dụng, mỗi ngày tôi nhận được vẫn từng ấy sms spam, thậm chí tin có nội dung lừa đảo nhiều hơn từ các số máy lạ. Có phải các thuê bao vẫn chưa được quản lý đủ mạnh? Hay chính các nhà mạng đang cố tình làm ngơ để các đại lý của mình mặc sức tung chiêu bán sim số không cần khai thông tin?”

Tiến sĩ Mai Liêm Trực thẳng thắn: Vấn đề này do những bất cập về quản lý thời kỳ đầu CNTT đang phát triển mạnh, và chúng ta đã điều chỉnh dần nhưng thực chất vẫn phải "sống chung với lũ."

Tổng biên tập VietnamPlus Lê Quốc Minh lại chia sẻ một cái nhìn khác:  Cũng như nhiều người , tôi cũng có cảm giác khó chịu khi nhận được rất nhiều tin nhắn mời chào quảng cáo, gọi mua bán sim. Tôi thấy vô cùng ngạc nhiên vì nhiều doanh nghiệp nói rằng, tin loại tin nhắn này mang tính chất tích cực, mang hiệu quả cao. Ở nước ngoài, tôi thấy, người dùng điện thoại chỉ thường nhận được một số tin nhắn của nhà mạng thôi.

Theo tôi, người dùng di động Việt Nam đang phải nhận những nội dung quảng cáo mang tính cưỡng bức, nhưng vấn đề này chúng ta rất khó thay đổi, bởi nó là tư tưởng của người kinh doanh chứ không phải vấn đề quản lý.

Game online: Xiết chặt bằng biện pháp tài chính

Theo ông Thành Nam, việc thành lập các quán internet làm game online tăng nhanh, để giải quyết vấn đề này, cơ quan nhà nước phải linh hoạt, vào cuộc nhanh chóng, nhưng cần phải có biện pháp tài chính. "Từ trước tới nay, tôi chưa thấy biện pháp này. Cũng như thuốc lá, việc tăng giá hoặc tăng thuế với ngành đó có thể đem đến hiệu quả cho việc giải quyết tận gốc vấn đề này. Tăng cao quá, không chơi được thì thôi," ông Nam chia sẻ.

Trên góc độ của nhà quản lý, tiến sĩ Mai Liêm Trực nhấn mạnh: Chúng ta cần quản lý mặt trái của Internet. Vì nó là công cụ là môi trường sống, nên luôn phải có 3 giải pháp gồm kỹ thuật về cắt địa chỉ đến máy chủ quốc gia vào giờ cụ thể; bố mẹ quản lý giờ giấc chơi của con.

Giải pháp thứ 2 là biện pháp hành chính mấy giờ phải dừng. Tuy nhiên, theo tôi, giải pháp quan trọng nhất là giáo dục, hướng dẫn.

Với địa phương thì trước những bức xúc của nhân dân thì đơn vị của địa phương có thể có những giải pháp tại địa phương.Những giải pháp về đóng cửa thì chỉ là giải pháp tình thế, tùy nước, tùy thời điểm mà có giải pháp linh hoạt. Như vậy, đứng về Nhà nước thì phải thể hiện ý chí nhà nước, hoặc dùng biện pháp hành chính sẽ dần thay đổi.

Nhưng cũng đừng kỳ vọng sẽ triệt tiêu. Khi có Internet, chúng tôi đã nói rõ sẽ có những mặt hạn chế. Nên không có gì là tuyệt đối. Tôi ủng hộ chủ trương đó, nhưng chỉ là tương đối và thay đổi linh hoạt.

Đồng tình với hai quan điểm trên, ông Quốc Minh nhìn nhận: Chúng ta cấm, bởi không thể tìm ra biện pháp nào hiệu quả hơn. Nhưng theo tôi cần tìm đến những biện pháp, chính sách triệt để hơn chứ không phải là cấm.

Câu chuyện K+: Độc quyền và giá cả

Năm 2010, câu chuyện độc quyền các kênh thể thao của K+ đã gây lên khá nhiều bức xúc trong dư luận, thậm chí đã làm nên một phong trào: Một triệu chữ ký phản đối K+.

Xung quanh vấn đề này, theo tiến sĩ Mai Liêm Trực, câu chuyện về chống độc quyền là câu chuyện của toàn cầu. Tại Việt Nam, cách tốt nhất để xử lý được và tạo sự cạnh tranh lành mạng. Ví dụ trước đây giá cước viễn thông đắt nên mở rộng thì trường thì sẽ tốt. Vì vậy với lĩnh vực này cũng vậy. Theo tôi giá phải thỏa đáng, với những anh độc quyền thì Nhà nước cần có kiểm soát về giá cả.

Mặt thứ 2, người tiêu dùng cũng phải quen dần với vấn đề bản quyền. Ví dụ giải vô địch quốc gia, lúc đầu khó khăn để được phát nhưng dần đã có được tiền từ ký kết bản quyền. Đã là bóng đá thì rất muốn người dân được xem. Nhưng dần dần người xem sẽ quen. Dần dần xã hội sẽ quen dần với tính bản quyền. Nhưng có yếu tố độc quyền thì sẽ phải kiểm soát giá.

Ông Lê Quốc Minh thì thừa nhận: Tôi thấy chẳng đâu giống Việt Nam, ai cũng đều muốn xem bóng đá miễn phí. Cho nên, chúng ta đòi công bằng ở đây không có nghĩa là đòi được xem miễn phí. Dù là doanh nghiệp tư nhân hay nhà nước thì nền tảng phát triển chính là kinh doanh bền vững. Một điều nữa, là chẳng có cớ gì, bắt người tiêu dùng buộc phải mua đầu K+ cả.

Cá nhân tôi không mua đầu K+, nhưng tôi rất cảm thông với K+, có hàng triệu chữ ký phản đối như vậy, việc kinh doanh hẳn là khó khăn. Khi người sử dụng Việt Nam đang quen với việc dùng dịch vụ không có phí thì cách kinh doanh có lẽ nên mềm mỏng và không nên thái quá. Thêm nữa, VTV cũng cần có một  chính sách, giá cả phù hợp nhất để khán giả được thưởng thức thể thao.

Thách thức 2011

Một trong những thách thức lớn của ICT Việt Nam 2011 vẫn là vấn đề nhân lực. Ông Thành Nam cho biết: Chúng ta vẫn gặp phải sự bất cập về số lượng, nhiều trường đào tạo công nghệ thông tin nhưng chất lượng còn giới hạn. Hơn nữa, công nghệ thông tin chưa hút sự tham gia nhiều của sinh viên như tài chính, ngân hàng. Hy vọng rằng, với tốc độ phát triển như vũ bão hiện nay và nhu cầu tác động lên thị trường, các kĩ sư công nghệ thông tin sẽ được chào đón hơn, ông Nam nhận xét.

Theo tiến sĩ Mai Liêm Trực mục tiêu của chúng ta là đến năm 2020 chúng ta có nhân lực công nghệ thông tin lên đến 1 triệu người, thực tế chúng ta có nhiều tiềm năng phát huy nhưng cần có thời gian để đào tạo cho chất lượng nguồn nhân lực

Ông Quốc Minh lại chia sẻ: Nói về phát triển phần mềm cá nhân, người Việt Nam làm rất tốt. Tôi từng giới thiệu một phần mềm chạy được trên 500 loại điện thoại khác nhau cho một công ty pháp và công ty này rất ngạc nhiên, khi nói rằng, chúng tôi phát triển loại phần mền này tới 4 năm mà chưa thành công, thế mà Việt Nam làm được. Công nghệ chúng ta sẽ tốt, nếu được đầu tư, hỗ trợ một cách hợp lý.

Chúng tôi rất ngưỡng mộ tài năng của bà con nông dân, tất cả các sản phẩm xuất khẩu đều của bà con nông dân như cá tra. Tôi cũng mong một lúc nào đó công nghệ thông tin cũng được đưa vào sổ đỏ như cá tra, ông Thành Nam bộc bạch. Cách đây 5 năm, Apple mở cuộc cách mạng không phải chủ yếu là “nóng” mà để ứng dụng. IPhone được phổ biến rất rộng trên thế giới. Với điện thoại, quan trọng nhất là nó có những ứng dụng nào và ứng dụng vào đâu. Tại Việt Nam, một điều nữa cần quan tâm đó là vấn đề tài chính. Tôi mong có thể sản xuất ra điện thoại 500.000-700.000 đồng, mang đến cho đồng bào nông dân, dĩ nhiên không thể so sánh với Apple nhưng đủ các ứng dụng tốt cho người dân.

Ông Thành Nam kiến nghị: Để thu hút hơn nữa nhân lực, tôi nghĩ truyền thông rất quan trọng, nếu chỉ vấn đề tiêu cực toàn sim rác, cấm đoán… thì nhiều người sẽ có cái nhìn phiến diện. Các bạn báo chí cần đưa một bức tranh chân thực. Bên cạnh những tồn tại, hàng ngàn kỹ sư công nghệ thông tin tạo nguồn nhân lực rất tốt, lương bổng tăng lên, làm ra nhiều thành tựu, tại sao chúng ta không nói?

Đồng tình ý kiến trên, ông Quốc Minh chia sẻ: Theo tôi, năm qua, thông tin đưa về xã hội Việt Nam quá hỗn loạn, chưa có quá nhiều điều tốt đẹp đến với bạn đọc. Báo chí phải toàn cảnh hơn.

Ông Minh cũng nhận định truyền thông di động cũng sẽ là một trong những thách thức mà công nghệ thông tin-truyền thông 2011 phải đối mặt và vượt qua. Theo ông Quốc Minh, trong khi trên thế giới  truyền thông di động phát triển rầm rộ thì Việt Nam khá trầm lắng. Tương lai mọi thứ thông tin sẽ qua phương tiện di động hết. Đó cũng là định hướng của tờ báo chúng tôi trong thời gian tới, ông Minh khẳng định./.

Theo PV (Vietnam+)

Đọc thêm