Những công nghệ "chém gió" nhất năm 2010

Những công nghệ "chém gió" nhất năm 2010 ảnh 1
TV 3-D
Nói cách khác, những công nghệ này đã bị thổi phồng quá mức và gây cho người dùng lẫn thị trường nhiều ảo tưởng. Đó chính là kết luận của hãng nghiên cứu Gartner trong bản báo cáo "Vòng quay Chém gió thường niên" của mình, kèm theo một biểu đồ cho thấy những công nghệ nào chỉ mới bắt đầu được chú ý, những công nghệ nào đã ở đỉnh cao của ảo vọng, những công nghệ bị "xìu" một cách không tránh khỏi và cuối cùng là những công nghệ thành công trong việc tự hoàn thiện và đạt được thành công thực sự.

Mặc dù vậy, Gartner vẫn lưu ý rằng việc "chém gió" không hoàn toàn mang nghĩa xấu. Một sản phẩm được thổi phồng quá mức không có nghĩa là nó không thể mang lại giá trị nào tốt đẹp.

Trở lại với biểu đồ, những công nghệ đang ở vòng cung đi lên bao gồm: giao diện trí tuệ nhân tạo (như bạn vẫn xem trong phim khoa học viễn tưởng), ô tô tự động, in 3-D (máy in có thể tạo ra các vật thể 3D) và TV Internet (Google và Apple đang theo đuổi ý tưởng này).

Kế đến là những công nghệ đang hiện diện ở khắp mọi nơi và đang ở đỉnh điểm của sự ảo vọng, bao gồm thực tại thời gian thực (như những ứng dụng iPhone và Android cho phép bạn nhìn thấy không gian quanh mình dưới dạng số, ảo, thí dụ như nhà ga hay quán ăn gần nhất; TV-3D, máy tính bảng (như iPad và một loạt các sản phẩm sắp ra mắt khác), mạng dữ liệu siêu tốc 4G và điện toán đám mây.

Những công nghệ "chém gió" nhất năm 2010 ảnh 2

Thứ ba là những công nghệ đã "bước đầu vỡ mộng". Tại đây chúng ta tìm thấy tiểu blog (Twitter), đầu đọc sách điện tử (kiểu như Kindle của Amazon), băng rộng chạy trên đường điện (một công nghệ chưa bao giờ thực sự cất cánh), nhận dạng cử động của người dùng (ngoại trừ Nintendo Wii, các sản phẩm về sau đều chưa thật sự làm nên chuyện), thế giới ảo Second Life....

Cuối cùng là những công nghệ đã vượt qua được bờ dốc bên kia của sự "chém gió" để đạt được sự hoàn thiện, chín muồi và đơm hoa kết trái. Có thể lấy ví dụ như công nghệ xác thực nhân trắc học (dùng dấu vân tay để đăng nhập vào laptop), giấy điện tử, công nghệ nhận dạng giọng nói (một công nghệ đang trở thành bắt buộc trong điện thoại di động) và các ứng dụng định vị (trên nền GPS)....

Theo Trọng Cầm (VNN / PCWorld)

Đọc thêm