Những bài toán khó của ngành CNTT-TT Việt Nam

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chỉ thị 58-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và triển khai Đề án đưa Việt Nam thành nước mạnh về CNTT-TT diễn ra ngày 3/12 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng khẳng định chỉ thị 58 đã đưa vị trí CNTT Việt Nam trên thế giới "từ không thành có".

Những bài toán khó của ngành CNTT-TT Việt Nam ảnh 1

Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: P.T.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng nêu ra 6 điểm hạn chế cần khắc phục. Thứ nhất là nhận thức và mối quan tâm đến ứng dụng, phát triển CNTT chưa đồng đều, còn chênh lệch trong quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp. Chẳng hạn tỷ lệ sử dụng máy tính ở các Bộ Công thương, Giáo dục - Đào tạo... là 100% trong khi tại một số bộ khác chỉ khoảng 35% đến 60%. Hay tại Điện Biên, là một tỉnh miền núi nghèo nhưng số cán bộ viên chức có máy tính là 100% còn Lai Châu chỉ đạt 50% và Tuyên Quang 33%...

Thứ hai, việc phát triển CNTT còn nhiều yếu tố tự phát, vai trò hỗ trợ dẫn dắt của Nhà nước còn hạn chế, như khi xây dựng Công viên phần mềm, Nhà nước không hỗ trợ thì không thể thành lập được. Việc quy hoạch, phát triển, đánh giá, điều chỉnh chính sách cũng còn chậm.

Thứ ba, liên kết giữa các doanh nghiệp còn hạn chế. Thứ tư là những sản phẩm mang tầm cỡ quốc gia, có vị trí quan trọng góp phần tạo ra thương hiệu quốc gia như Bkav còn ít. Sản phẩm đã vươn ra thế giới cần nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước để có vị trí quốc tế còn các sản phẩm mới cũng sẽ được tạo cơ hội để tham gia vào danh mục sản phẩm quốc gia.

Thứ năm, việc phát triển phần mềm mã nguồn mở, dù đã nói nhiều nhưng thành quả đạt được chưa cao. "Nếu sắp tới chúng ta không có sự đầu tư thỏa đáng thì sẽ còn phải chi rất nhiều tiền để mua các phần mềm bản quyền. Đây là một thách thức", Phó Thủ tướng khẳng định.

Bài toán cần giải cuối cùng là công nghiệp phần cứng đang gặp nhiều lúng túng. Các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực này ở Việt Nam đều là của nước ngoài.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh mục tiêu đưa VN thành quốc gia mạnh về CNTT đạt được nhanh hay chậm là do quản lý Nhà nước cũng như việc hợp tác giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Ngoài ra, ngành CNTT cần có sự đột phá về nhân lực và tập trung phát triển các doanh nghiệp và sản phẩm quốc gia, hỗ trợ những công ty mới bước vào thị trường rút ngắn thời gian trưởng thành và tránh rủi ro. Trong 10 năm tới, VN cần xây dựng thêm 3-5 công viên phần mềm ở các địa phương, mỗi nơi có quy mô từ 10.000 đến 15.000 lao động. Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn nên có các trung tâm đào tạo cho mình cũng như xã hội giống như FPT và VNPT.

Theo Châu An (VNE)

Đọc thêm