Nhà mạng “thả cửa”, sim rác hoành hành

Nhà mạng “thả cửa”, sim rác hoành hành ảnh 1

Người dùng luôn hi vọng tin nhắn rác được ngăn chặn triệt để - Ảnh: Đức Thiện

Có thể bị xử phạt 30-50 triệu đồng

Khoản 2 điều 8 nghị định số 19/2012/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã xác định rõ phạt nhà cung cấp dịch vụ truyền thông là bên thứ ba cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ sử dụng phương tiện, dịch vụ do mình quản lý để quấy rối người tiêu dùng với mức phạt từ 30-50 triệu đồng.

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU
(phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM)

Anh Ngọc Sáng, chủ nhân số điện thoại 098805xxxx, cho biết sau khi được nhà mạng Viettel hướng dẫn cách chặn đầu số gửi tin nhắn rác rủ rê chơi số đề, tặng bài hát... số lượng tin nhắn rác có giảm. Tuy nhiên gần đây xuất hiện loại tin nhắn rác “không rõ xuất xứ” - không hiện số nhắn tin - mời gọi tải clip sốc, clip quay lén, game girl xinh... “Tôi đem đến đại lý Viettel địa phương nhờ chặn giúp nhưng ngay sau đó vẫn tiếp tục bị tấn công. Đến giờ tôi vẫn phải lai rai nhận tin nhắn rác cả ngày lẫn đêm” - anh Sáng kể. Còn chị Đào Thị Huyền (Bắc Giang) cho biết khi phản ảnh đến nhà mạng vì có quá nhiều sim rác làm phiền thì được trả lời “chỉ có thể giải quyết khi số máy đó thuộc nhà mạng quản lý, số của mạng khác chỉ có cách sử dụng dịch vụ chặn cuộc gọi”. Chị Thủy - nhân viên một công ty kinh doanh ở Q.5, TP.HCM - bị quấy rối bởi hàng loạt số điện thoại liên tục trong thời gian dài với những lời lẽ xúc phạm rất thô thiển. Khi biết chị Thủy dùng dịch vụ chặn tin nhắn, cuộc gọi, kẻ quấy rối lại thay đổi số điện thoại, thậm chí còn sử dụng dịch vụ giấu số tiếp tục nhắn tin, nhá máy, gọi điện đe dọa. Chị Thủy nhờ nhà mạng can thiệp thì chỉ được giải quyết bằng cách chặn liên lạc số quấy rối (sau khi nhà mạng theo dõi và ghi nhận hành động quấy rối nhiều lần liên tục của thuê bao trong thời gian dài), trong khi kẻ xấu vẫn vô sự và tiếp tục dùng số điện thoại khác để quấy rối chị Thủy... Bên cạnh quấy rối, các trò lừa đảo qua điện thoại cũng đang hoành hành mạnh như: lừa đảo trúng thưởng chương trình khuyến mãi của nhà mạng, giả vờ chuyển tiền tài khoản nhầm số điện thoại... Từng là nạn nhân của trò lừa trúng thưởng, ông Hoàng Hải (Q.Tân Bình, TP.HCM) kể: “Họ bảo tôi phải gửi mã số thẻ cào 500.000 đồng cho họ làm phí nhận thưởng. Gửi xong và chờ mãi chẳng thấy phần thưởng đâu, tôi gọi lại cho họ thì không liên lạc được, gọi cho tổng đài mới biết mình bị lừa. Hỏi tổng đài số điện thoại lừa là ai thì họ nói không biết”.
Đặc điểm chung của các hành vi làm phiền, quấy rối, lừa đảo ở trên là đều được thực hiện bằng sim khuyến mãi hay còn gọi là sim rác.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện MobiFone cho biết: “Hệ thống quản lý thuê bao trả trước của MobiFone chỉ có thể kiểm tra thông tin hợp lệ (quy định về ký tự tên, số chứng minh nhân dân, ngày sinh), một thuê bao đứng tên tối đa ba thuê bao. Trong 25 triệu thuê bao đang hoạt động của MobiFone, thuê bao đăng ký thông tin hợp lệ được hệ thống tiếp nhận thông tin đảm bảo đúng 100%. Tuy nhiên, thuê bao đăng ký thông tin không đúng (tên không đúng, số chứng minh nhân dân không đúng) không thể thống kê do không có cơ sở dữ liệu về chứng minh nhân dân để đối soát”.

Ông Sơn Hải, phó phòng kinh doanh Vinaphone, cho biết: “Để xác định thông tin thuê bao chính xác cần có hệ thống cơ sở dữ liệu về chứng minh nhân dân điện tử trên toàn quốc. Hiện Bộ Công an chưa có hệ thống dữ liệu chứng minh nhân dân để kết nối với nhà mạng nên rất khó xác định được thông tin chuẩn từ các thuê bao”.
(Theo TTO)

Đọc thêm