Nhà mạng nhỏ sống nhờ giá trị phi truyền thống

Thị trường gồm 7 mạng di động hiện nay được chia ra thành mảng gần như rõ rệt: 3 mạng MobiFone, Vinaphone và Viettel chiếm phần lớn thị phần với 90% thuê bao. Trong khi đó, các mạng Sfone, Vietnamobile, EVN và “lính mới” Beeline được liệt vào hàng “chiếu dưới” với tổng thuê bao di động của 4 nhà mạng này không đến 10 triệu.

Năm 2009 được đánh dấu bởi nỗ lực của 2 “tân binh”: sự trở lại của Vietnamobile và màn ra mắt của Beeline. Trong khi SFone đang tỏ ra hụt hơi, EVN muốn chuyển hẳn sang mảng điện thoại cố định và Internet, những hoạt động trên thị trường của mạng nhỏ chỉ tập trung vào 2 mạng này.

Với sự chênh lệch quá lớn, mỗi đợt khuyến mại hoặc giảm giá của 3 “đại gia” đều tạo thành “bão” trên thị trường viễn thông di động. Nhưng số thuê bao của mạng nhỏ vẫn chậm rãi, đều đặn tăng nhờ sự thay đổi trong phong cách sử dụng điện thoại của người dùng.

Những tín đồ “ở đáy biển”

Yếu tố tình cảm níu giữ được nhiều khách hàng có thu nhập ổn định - dù thấp hay cao. Giá cước di động đã được giảm tới mức những người thu nhập thấp cũng có thể duy trì được “chú dế” của mình. Vì vậy, những khách hàng với nhu cầu căn bản vẫn trung thành với số điện thoại của mình, không bị ảnh hưởng bởi những “cơn bão” trên mặt biển.

Gia đình bác Nguyễn Thị Lành (Hà Nội) đã được “di động hóa” từ lâu lắm rồi, điện thoại cố định chỉ để… trang trí trong nhà. Cả nhà có 7 người thì có 6 người là khách hàng của các mạng lớn. Chỉ duy nhất bác Lành là chủ thuê bao SFone 095585xxxx – một sản phẩm dòng eCo của SFone, do cô con gái bác Lành tặng mẹ mình trong một đợt khuyến mại.

“Dùng cái anh này chỉ được cái số to, dễ đọc, chứ nạp tiền chả thấy khuyến mại gì cả. Các con nó bảo mua cái điện thoại khác, nạp nhiều tiền khuyến mại gọi cho thích. Nhưng nghĩ lại phải thêm một khoản tiền triệu bạc, rồi cái điện thoại này lại xếp xó thì phí nên tôi kiên quyết không đồng ý. Hết tiền lại nạp, chỉ cần 10.000 đồng là lại gọi được rồi”, bác Lành nói.

“Chiếc máy SFone được mua khi tôi bắt đầu sử dụng điện thoại khoảng 6 năm trước. Nó gắn bó với tôi qua nhiều thăng trầm trong công việc và cuộc sống. Vì thế, tôi vẫn trung thành với mạng này”, anh Trịnh Quang Hiệp, một khách hàng của SFone chia sẻ. Anh Hiệp cho biết số thuê bao 095 của mình vẫn thường xuyên online như đầu mối liên lạc chính mặc dù anh cũng có dùng thêm 1 số nữa của một “mạng lớn” khác.

Ngoài những khách hàng "trung thành" với các mạng nhỏ một cách...bất đắc dĩ như trên, các mạng nhỏ còn có được cho mình một tập khách hàng khá ổn định "trót" gắn bó và tự nguyện gắn bó với mạng vì lý do công nghệ.

Lướt qua diễn đàn didongcdma.vn, nơi được coi là "lãnh địa” cuối cùng của công nghệ CDMA và cộng đồng yêu thích công nghệ CDMA Việt Nam, mới thấy tình yêu và niềm tin của các "tín đồ công nghệ" dành cho các mạng CDMA vẫn khó bị lung lay.

Hoàng Ngân, một thành viên có nick DrN... trên diễn đàn này chia sẻ: "Tôi là một thuê bao chính xác là của công nghệ CDMA nói chung, vì tôi có đến cả 3 số điện thoại của 095 (S-fone), 096 (EVN Telecom) và 092 (HT Mobile trước đây). Công nghệ này ngay từ buổi đầu đã đem lại luồng gió mới cùng các dịch vụ tiện ích rất mới mẻ mà các mạng GSM tại thời điểm đó chưa thể làm được hoặc chưa cung cấp rộng rãi. Chính vì ấn tượng ban đầu đó, nên đến giờ tôi vẫn là một khách hàng trung thành của các mạng CDMA."

Từ “dùng di động” đến “chơi di động”

Một xu hướng mới trong khách hàng di động là chiếc alo không còn là vật dụng đơn thuần phục vụ công việc. Những tính năng giải trí đóng vai trò quan trọng – đặc biệt trong nhóm khách hàng trẻ.

Nếu như trước đây, sở hữu một chiếc ĐTDĐ cũng đủ sành điệu. Nhưng hiện nay, chiếc điện thoại có vẻ nhường chỗ cho sim có số lặp, tiến, tứ quý, âm dương ngũ hành,… Việc chọn sim số theo yêu cầu khi mua đã trở thành thông lệ, và khả năng kiếm được số theo sở thích từ kho số mạng mới có vẻ dễ dàng hơn so với các mạng lâu năm. Trên thị trường buôn bán sim, những chiếc sim 10 số vẫn được định giá cao hơn so với loại 11 số.

Sở hữu số thuê bao của một mạng nhỏ khác từ thời HT Mobile, chị Nguyễn Thanh Hương, người cũng đã từng tham gia "đợt di trú lịch sử " tại S-fone một thời gian, hiện vẫn quyết định quay trở lại với HT Mobile dưới "lớp áo mới" là Vietnamobile.

"Đã háo hức với HT Mobile từ những ngày đầu, rồi từng ngậm ngùi chấp nhận làm thủ tục đăng ký chuyển đổi nên cũng phải nói là hình như mình có "duyên nợ" gì đó với mạng 092 này. Với lại thời điểm hơn 1 năm sau khi quay lại, cũng chỉ Vietnamobile là còn nhiều sim 10 số nên mình vẫn tiếp tục quay trở lại mạng", chị Hương cho biết.

Chất lượng thay giá cước

Trước đây, giá rẻ là yếu tố được nhiều mạng di động sử dụng nhằm khai thác khách hàng vì dễ “cân đo, đong đếm”. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp Viettel có bước phát triển đột phá trong ngày đầu ra mắt với cách tính cước block 6+1 giây.

Tuy nhiên, mỗi động thái của mạng nhỏ đều bị các “đại gia” vung tay vùi dập với những con số hấp dẫn hơn. Đơn cử như Vietnamobile khi ra mắt có chương trình khuyến mại 200% thẻ nạp tiền, ngay lập tức có những chương trình khuyến mại thẻ nạp của “đại gia” cũng dồn dập tung ra trong tháng 8 và tháng 9/2009. Mảng khách hàng thu nhập thấp như học sinh – sinh viên cũng được các nhà mạng khai thác triệt để với những sản phẩm “đặc trưng” giá rẻ.

Để tránh cuộc chiến về giá cước, các nhà mạng nhỏ luôn tìm cách hướng người dùng tới yếu tố chất lượng dịch vụ - một yếu tố trừu tượng và khó đánh giá hơn nhiều so với giá cước.

“Chúng tôi thấy cần chú trọng về chất lượng ở một số khâu: hệ thống, cuộc gọi không được nghẽn mạng, chất lượng cuộc gọi. Đó mới là điều mang lại giá trị lâu dài cho khách hàng”, bà Elizabete Fong, Tổng Giám đốc điều hành mạng Vietnamobile, nói. “Có một điểm mà tôi muốn nhấn mạnh đó là trong những tháng vừa qua, chúng tôi đã đầu tư phần lớn nỗ lực và tài chính vào việc xây dựng và phát triển mạng để đảm bảo mạng tới cho khách hàng những dịch vụ viễn thông chất lượng tốt”.

Gây sốc trên thị trường với “Gói cước 0 đồng”, mạng Beeline đặt tên mình trên bản đồ viễn thông Việt Nam khi miễn cước miễn phí cước nội mạng từ phút thứ 2 đến phút thứ 20. Đây được coi là một chiêu bài “độc” của Beeline bởi gọi điện miễn phí có vẻ là “bom tấn” hấp dẫn người dùng. Với số thuê bao còn đang phát triển từ con số 0, số lượng cuộc gọi nội mạng phát sinh không nhiều. Khách hàng cũng không nhận được nhiều thứ khi mạng Beeline mới chỉ có dịch vụ thoại và nhắn tin, không có dịch vụ gia tăng và vùng phủ sóng cũng chỉ 10 tỉnh thành trên cả nước.

Định vị trong các chiến dịch truyền thông là mạng có giá cước rẻ, ông Alexey Bluymin, Tổng giám đốc GTel Mobile (điều hành mạng Beeline), vẫn khẳng định: “Beeline cạnh tranh bằng chất lượng chứ không cạnh tranh bằng giá cước”.

Tuy vậy, chất lượng dịch vụ là một yếu tố tương đối trừu tượng và khó diễn đạt để so sánh như giá cước. Nếu căn cứ theo hệ thống chuẩn viễn thông của Bộ TT&TT, tất cả những mạng di động tại Việt Nam đều đạt chuẩn ở những mức độ khác nhau.

Gần hơn với giá trị tiêu dùng thực

Trên thực tế, những phương pháp tiếp cận của các nhà mạng nhỏ không gây bùng nổ trên thị trường. Một chuyên gia nhận xét thì họ “khó có thể bùng nổ được” vì những động thái của những mạng lớn với tiềm lực mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, hướng đi vào chất lượng được đánh giá là có chiều sâu và phát triển bền vững hơn.

Những cuộc đua về giá cước trước của những nhà mạng lớn đem lại cho họ số thuê bao khổng lồ. Nhưng hậu quả cũng lớn không kém thể hiện qua số thuê bao ảo, tỷ lệ rời mạng và các vấn nạn về quấy rối qua điện thoại di động vì khó kiểm soát.

Đại diện Vietnamobile khẳng định hiện mạng này đã phủ sóng được 64/64 tỉnh thành tại Việt Nam và đưa vào áp dụng công nghệ nén cuộc gọi (Apaptive Multi Rate - AMR) để đảm bảo chất lượng cuộc gọi. Thêm vào đó là việc ứng dụng công nghệ Tự động Cấu hình Thiết bị (Automatic Device Configuration – ADC) nhằm đơn giản hóa các bước cài đặt trên điện thoại, giúp người dùng đầu cuối có thể sẵn sàng sử dụng các dịch vụ giá trị gia tăng của mạng này.

Đại điện của Beeline cho biết mạng này sẽ nỗ lực phủ sóng đến 46/64 tỉnh thành tại Việt Nam đến cuối năm 2009. Mạng di động này mong muốn chiếm được 2-4% số thuê bao tại Việt Nam tới cuối năm 2009 với định hướng nằm trong “chiếc sim thứ 2” của người dùng di động.

Thị trường di động Việt Nam đang "nóng" với bữa tiệc 3G đã khai màn. Chiều nay (12/10), VinaPhone sẽ là nhà mạng đầu tiên chính thức cung cấp dịch vụ đến người dân, Viettel không đợi đến thời hạn cam kết tháng 6/2010, cũng đã cung cấp thử nghiệm 3G tại một số địa điểm ở TP. HCM vào ngày 10/10 vừa qua.

MobiFone cũng có thể sẽ ra mắt dịch vụ sau 2 tháng nữa, còn "nhà mạng nhỏ" EVN cũng cho biết sẽ cung cấp dịch vụ 3G sớm hơn dự kiến 2 tháng, vào khoảng tháng 4/2010.

Thị trường di động tiếp tục hứa hẹn những cuộc đua tranh trong đó các nhà mạng nhỏ tiếp tục phải nỗ lực tìm kiếm những chiêu bài giá trị riêng.

Theo Mộc Lan – Hải Phương (VNN)

Đọc thêm