Người vi phạm bản quyền phần mềm phải xin lỗi công khai

Nhằm hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền, thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Quản lý thị trường và Liên minh phần mềm doanh nghiệp tổ chức môt loạt hoạt động tại nhiều địa phương trong cả nước từ tháng 5 đến tháng 11/2011. Tổng cộng có hơn 10 đại lý bị phát hiện bán máy tính của HP, Dell, Lenovo, Asus, Acer... được cài đặt các bản sao không bản quyền của hệ điều hành Microsoft Windows và ứng dụng văn phòng Office. Ước tính giá trị phần mềm bị thu giữ này lên đến hơn 1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thay vì phải thanh toán một khoản tiền lớn, bên bán hàng có thể đăng lời xin lỗi trên các tờ báo có uy tín tại Việt Nam với cam kết sẽ không sử dụng phần mềm không bản quyền trong các giao dịch kinh doanh của doanh nghiệp.

Người vi phạm bản quyền phần mềm phải xin lỗi công khai ảnh 1

Thanh tra việc vi phạm tại một đại lý máy tính. Ảnh: BSA.

Bà Rebecca, Giám đốc Liên minh BSA, chia sẻ: "Nạn vi phạm bản quyền phần mềm đang là một thách thức lớn đối với ngành CNTT. Những bên sao chép, bán phần mềm bất hợp pháp đang lợi dụng các doanh nghiệp và người tiêu dùng thông qua việc kinh doanh hàng hóa vi phạm bản quyền và không đưa ra cảnh báo về rủi ro mà người dùng có thể gặp phải".

Để thanh tra về hoạt động vi phạm bản quyền, các lực lượng chức năng đã cử các điều tra viên tới mua máy tính tại nhiều cửa hàng. Máy tính sau đó được chuyên gia kiểm định xem liệu các chương trình phần mềm cài đặt trong đó có bản quyền hay không. Các máy tính vi phạm bao gồm máy tính xách tay cũng như nhiều loại máy tính để bàn cao cấp do cửa hàng tự lắp đặt, trong đó có những thương hiệu danh tiếng như Dell, Lenovo, HP, Asus, Acer.

Người vi phạm bản quyền phần mềm phải xin lỗi công khai ảnh 2

Đĩa Windows lậu được bán tràn lan. Ảnh: Tuấn Hưng.

Tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam hiện nay là 83%. "Nạn vi phạm bản quyền góp phần làm giảm đáng kể các cơ hội và doanh thu cho doanh nghiệp và các công ty. Đa phần, người sử dụng và doanh nghiệp nghĩ rằng sử dụng phần mềm vi phạm bản quyền có thể giúp tiết kiệm đầu tư, nhưng về lâu dài việc này có thể bắt họ phải trả giá đắt trên thực tế, thậm chí đẩy họ vào mê cung của tội phạm công nghệ, như mất quyền riêng tư, gặp rủi ro về tài chính", ông Trần Văn Huệ, Giám đốc công ty Nhất Nghệ, nhận xét.

Theo Châu An (VNE)

Đọc thêm