Ngành dịch vụ nội dung cho di động bị ép đến không còn đất sống

Ngành dịch vụ nội dung cho di động bị ép đến không còn đất sống ảnh 1

Khi các CP hoạt động khó khăn thì ngành dịch vụ nội dung cho di động còn lâu mới phát triển.

Thị trường dịch vụ nội dung cho di động hiện vẫn loanh quanh với một số dịch vụ phổ biến, như báo kết quả xổ số, tải hình nền, nhạc chuông, hoặc tải bài hát...

“Án binh bất động” hoặc chuyển ngành

Những dịch vụ đang tạo được nguồn thu chủ yếu là phục vụ vui chơi giải trí. Từ ngày 3G ra đời đến nay đã tròm trèm 6 tháng, nhưng không có gì khác hơn là các dịch vụ cơ bản: Video Call, Internet băng rộng...

Ý kiến nhà mạng cho rằng, phía CP cung cấp dịch vụ chưa đa dạng và ít phục vụ cho những nhu cầu thiết thực của cuộc sống. Tuy nhiên, lý giải từ các CP lại khác. Ngô Chí Đức từng là thành viên của nhóm “Lá bốn cánh” đoạt giải nhất cuộc thi “Trí tuệ VN” với giải pháp “Máy nhắn tin xếp hàng”. Đức đã lập Cty để thương mại hóa sản phẩm này và bước đầu đã được một số nơi ứng dụng.
 
Tuy nhiên sau đó Đức cho biết đã bán Cty, chỉ còn giữ lại 30% cổ phần. “Không thể làm ăn được khi bị các nhà mạng ép đủ đường” - Đức nói. Trên thực tế, chỉ có những CP là “sân sau” của nhà mạng (có cổ phần của người có thế lực trong nhà mạng hoặc có quan hệ thật tốt) mới bám trụ được và duy trì hoạt động.

Số này cao lắm chỉ vài ba chục CP. Số còn lại “án binh bất động”, hoặc chuyển ngành như trường hợp Ngô Chí Đức. Theo Đức, CP bị ép trắng trợn trong các hợp đồng với nhà mạng mà không thể làm gì được: “Họ như không cần mình. Mình thích làm thì ký không thì thôi, họ không quan tâm”.

Làm sao phát triển?

Hiện nay, các mạng lớn là Mobifone, Viettel, Vinaphone đều đã tăng tỉ lệ ăn chia so với trước sau thời kỳ buộc các CP phải chia sẻ chi phí khuyến mãi một cách vô lý. Điều này làm phân hóa đội ngũ CP: CP “sân sau” tiếp tục trụ được và giành được thị phần của các CP nhỏ và yếu thế.
 
Giám đốc một CP nhỏ còn cho biết, ngoài việc tăng tỉ lệ ăn chia, họ còn bị làm khó đủ đường. Một trong những công việc bị làm khó điển hình là đối soát cước và thanh toán doanh thu ăn chia, thường chậm trễ, thậm chí còn bị hành nếu không “biết điều” với những phòng ban liên quan của nhà mạng. Lãi ít dần nhưng ngày càng bị hành, nên nhiều CP bỏ ngành.

Đối sách ngày càng khắc nghiệt và tệ cửa quyền trong các nhà mạng đối với CP đã gây ra hệ lụy: Lượng CP tham gia hoạt động nghiên cứu cung cấp dịch vụ sụt giảm, dẫn đến ít có CP chịu khó đầu tư nghiên cứu ra những dịch vụ mới mà trong thời gian đầu có thể ít người dùng phải chịu lỗ, dù dịch vụ đó có triển vọng và phục vụ thiết thực cho đời sống xã hội như đã diễn ra ở những quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc...

Vì thế mà các dịch vụ vẫn chỉ dừng loanh quanh các nội dung có giá trị thấp (báo kết quả xổ số, nhạc chuông, hình nền...). Vậy nên, 3G đã ra đời nhưng chưa phát huy được sức mạnh băng rộng cho những nội dung có giá trị phục vụ đời sống.

Mối quan hệ giữa nhà mạng và CP hiện nay tồn tại dưới một thực tế nhiều ngờ vực nhau và ít có sự gắn bó nhằm tạo dựng ngành dịch vụ nội dung cho di động mạnh cho tương lai để mang lại nguồn thu dồi dào hơn. Năm 2009, tỉ trọng đóng góp doanh thu từ dịch vụ giá trị gia tăng của Mobifone được cho là khoảng 7.200 tỉ đồng. Một khoản thu không nhỏ, song để phát triển ngành dịch vụ nội dung di động không thể trông chờ vào việc nhà mạng ôm quàng cả vai trò của các CP.

Theo Thẩm Hồng Thụy/NLĐ

Đọc thêm