Nga, Mỹ bất đồng về "chiến tranh ảo"

Thời báo New York Times dẫn lời một viên chức ngoại giao cao cấp của chính phủ Mỹ nói rằng Nga và Mỹ đã đồng ý quan điểm cho rằng “chiến tranh ảo” (cyberwar) là một chiến trường đang nổi. Hai bên dự định sẽ thảo luận vấn đề này trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama tới Nga trong tháng tới và trong cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 11.

Nga mong muốn một hiệp ước quốc tế về “chiến tranh ảo” dọc theo tuyến đàm phán về vũ khí hóa học, và đã từng thúc đẩy cách tiếp cận đó tại một loạt các cuộc gặp trong năm vừa qua, Thời báo New York cho biết.

Trong khi đó, Mỹ lại cho rằng một hiệp ước như vậy là không cần thiết, và muốn thay thế bằng chủ trương nâng cao chất lượng hợp tác giữa các nhóm thực thi luật pháp quốc tế.

“Chúng tôi thực sự tin cậy vào một hiệp ước như vậy. Phòng thủ, phòng thủ và phòng thủ”, bài báo trên New York Times trích lời của viên chức ngoại giao giấu tên. “Họ muốn áp chế các cuộc tấn công máy tính. Còn chúng tôi đã phải có khả năng đối phó với 50 nghìn cuộc tấn công nguy hiểm nhận được mỗi ngày.”

Bất kỳ cuộc đàm phán nào về không gian ảo cũng sẽ gặp những khó khăn đặc biệt, bởi nó động chạm đến những vấn đề nhạy cảm như kiểm duyệt Internet hay chủ quyền quốc gia. Rất khó để “chiến tranh ảo” có thể trở thành chủ đề đàm phán, tờ thời báo nhận định.

Viên chức ngoại giao của chính phủ Mỹ cho rằng, sự bất đồng trong cách tiếp cận vấn đề đã cản trở việc thực thi luật pháp quốc tế, đặc biệt khi Mỹ cho rằng, phần lớn các cuộc tấn công máy tính chống lại chính phủ Mỹ đến từ Trung Quốc và Nga.

Thừa nhận mối đe dọa ngày một lớn của “chiến tranh ảo”, nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, đang phát triển các loại vũ khí phòng thủ cho các mạng máy tính. Ví dụ như “bom logic” cài ẩn trong máy tính để dừng chúng trong những thời điểm cần thiết, mạng máy tính ma “botnet” có khả năng theo dõi các và vô hiệu hóa website và các mạng máy tính, hay thiết bị phát xạ có thể đốt cháy mạch máy tính trong chu vi 1 dặm.

Tổng thống Obama sẽ đến thăm Nga từ ngày 06 đến ngày 08/7 trong nỗ lực cải thiện mối quan hệ với Nga, vốn căng thẳng dưới thời chính quyền của người tiền nhiệm, George W. Bush.

Theo Dân Trí/New York Times

Đọc thêm