"Nét hóa" ký túc xá

Điều đặc biệt là ý tưởng "Internet hoá" ký túc xá ấy lại xuất phát từ một nhóm sinh viên, và chính họ là những người không quản khó khăn để biến ý tưởng thành hiện thực.

Từ nỗi khát khao của sinh viên

Đối với sinh viên đặc biệt là sinh viên các khoa Công nghệ thông tin, khoa Xây dựng, việc sắm cho mình một máy tính để học tập không phải là vấn đề khó khăn, nhưng để kết nối Internet lại là một vấn đề rất nan giải và ít người dám nghĩ tới. Để kết nối Internet riêng cho mỗi một máy tính thì số tiền thuê bao hàng tháng và cước sử dụng rất cao so với túi tiền của sinh viên. Thêm vào đó, do sinh viên luôn di chuyển phòng ở nên các nhà cung cấp dịch vụ cũng e ngại vì không biết "tìm" sinh viên đăng ký sử dụng dịch vụ ở đâu để thu cước. Giải pháp để sinh viên nào muốn truy cập Internet tìm tài liệu, giáo trình là phải ra quán nét, phải chịu nhiều bực bội như tiếng ồn ào, tốc độ truy cập chậm, không chủ động được thời gian...

Làm thế nào để tất cả các bạn sinh viên đều có thể nối mạng mà không phải mất nhiều tiền thuê bao hàng tháng và thuận lợi cho việc học tập là nỗi day dứt của sinh viên Lê Duy Lương (năm cuối khoa Cơ khí giao thông, ĐH Bách Khoa Đà Nẵng). Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu, Lương cùng 14 thành viên khác đề xuất dự án "Kết nối Internet cho sinh viên trong KTX trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng". Theo dự án, cả nhóm sẽ đứng ra làm cầu nối giữa sinh viên trong KTX và nhà cung cấp dịch vụ Internet, đảm nhiệm 2 khâu "đau đầu" nhất là thu tiền và bảo quản hệ thống Internet.

Ý tưởng đã thành hiện thực

Dự án kết nối Internet cho sinh viên KTX bắt đầu được thực hiện vào tháng 10/2008, khi Lương đại diện ký hợp đồng với VNPT để cung cấp đường truyền cùng với một công ty cung cấp thiết bị máy tính. "Theo đó, VNPT sẽ lắp đặt đường truyền kết nối Internet, phần thiết bị sẽ do công ty TNHH Bách Khoa Computer đảm nhiệm. Tổng số tiền cho toàn hệ thống gần 120 triệu. Nguồn kinh phí này được phía cung cấp thiết bị cho vay hẳn và được khấu trừ dần trong 5 năm. Hàng tháng, mỗi sinh viên chỉ đóng 50 ngàn đồng, số tiền đó sẽ trích ra trả cho nhà cung cấp dịch vụ, phần còn lại khấu trừ thiết bị", Lương cho biết.

Để hạn chế sinh viên vào những trang web có nội dung không lành mạnh, Lương đã đầu tư 2 thiết bị phân tải Load Balancing RV16, vừa có tác dụng tăng tốc độ đường truyền, vừa kiểm soát được nội dung truy cập đến từng máy tính. Đến hết tháng 11/2008, hệ thống Internet của KTX đi vào hoạt động ổn định, cung cấp thường xuyên với tốc độ tối thiểu là 1Mb. Lúc này, hơn 1.400 SV (chiếm 70% sinh viên trong KTX) được sử dụng Internet. Dự án kết nối Internet cho sinh viên thành công ngoài sự mong đợi. Ngoài ra, nhóm của Lương còn kiêm thêm nhiệm vụ phổ cập cách sử dụng Inernet và một số kiến thức tin học căn bản cho sinh viên, bảo trì hệ thống và sẵn sàng khắc phục sự cố sau 10 - 15 phút.

Bạn Trần Danh Hoàn, SV lớp 05X1C, khoa Xây dựng dân dụng cho biết: "Từ khi sử dụng Internet tại phòng ở KTX việc học thuận lợi hơn rất nhiều, lên mạng tìm tài liệu, giáo trình, đăng ký học phần thoải mái hơn về mặt thời gian, giá dịch vụ ở đây cũng hợp với túi tiền của sinh viên".

Điểm nổi bật của hệ thống trên là sau khi khấu hao xong, hệ thống Internet trở thành một phần tài sản cố định của các phòng trong KTX, để lại cho các lớp sinh viên đi sau. Đến nay, Internet đã có tại 138/300 phòng của KTX trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng. Được biết, tại TP Đà Nẵng, KTX trường ĐH Bách Khoa là nơi đầu tiên triển khai hệ thống Internet phục vụ cho sinh viên ở khu vực miền Trung. Có thể thấy đây là một mô hình cần được nhân rộng ở các trường đại học, cao đẳng trên cả nước, để tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo sinh viên, được học tập và sử dụng Internet ngay trong trường học của mình.

"Chúng tôi rất mừng khi thấy Dự án trên bước đầu thành công. Học kỳ II tới đây, ban quản lý KTX sẽ phân ra 2 khu sử dụng và không sử dụng Internet để dễ quản lý và phấn đấu đưa số sinh viên sử dụng Internet trong KTX lên trên 80%. Mục tiêu lớn nhất là đáp ứng nhu cầu học tập, giải trí... của sinh viên", thầy Phan Minh Thắng, Phó phòng Giáo vụ - Công tác sinh viên trường ĐH Bách khoa TP Đà Nẵng cho biết.

Theo ICTNews

Đọc thêm