Năm 2019 có phải là thời điểm để xóa Facebook?

Theo tờ New York Times (NYT), Facebook đã cho phép Netflix, Spotify và Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC) được phép đọc, viết và xóa tin nhắn riêng tư của người dùng. Cuộc điều tra dựa trên hàng trăm trang tài liệu nội bộ còn tiết lộ Facebook đã cho hơn 150 đối tác truy cập dữ liệu người dùng. Đơn cử như Microsoft, Sony và Amazon có thể xem được thông tin liên lạc của bạn và bạn bè.

Netflix, Spotify và RBC đều phủ nhận việc xem tin nhắn riêng tư của người dùng. Cụ thể, Netflix đã đăng tải trên Twitter rằng họ không bao giờ yêu cầu quyền hạn xem tin nhắn; thậm chí Spotify còn cho biết công ty không hề biết đến tính năng đó.

Phản hồi lại cáo buộc của tờ New York Times, Facebook giải thích: “Không một ai trong số các quan hệ đối tác được phép truy cập thông tin mà không có sự cho phép của người dùng. Các công ty cũng không vi phạm thỏa thuận năm 2012 với FTC và công chúng”. 

Tóm tắt về năm 2018 đầy sóng gió của Facebook

- Tháng 3-2018: Xuất hiện thông tin Công ty Cambridge Analytica thu thập dữ liệu của hàng triệu người dùng Facebook mà không có sự đồng ý của họ cho các mục đích chính trị. Công ty còn lưu giữ hồ sơ về các cuộc gọi, tin nhắn điện thoại của người dùng Android. Xem thêm thông tin về bài viết tại đây http://bit.ly/fb-ro-ri-dl

Cũng trong tháng 3-2018, chính phủ Sri Lanka đã chặn Facebook và mạng xã hội khác khi các cuộc bạo loạn chống Hồi giáo vượt ngoài tầm kiểm soát. Facebook cho biết họ lo ngại chính phủ đang hạn chế quyền truy cập thông tin, nhưng các quan chức chính phủ đổ lỗi cho Facebook vì đã không ngăn chặn sự lan truyền của các ngôn từ thù hận và kích động bạo lực.

Tương tự, các nhà điều tra của Liên Hiệp Quốc cũng lên án Facebook vì công ty đã đóng vai trò trong việc thúc đẩy cuộc diệt chủng người thiểu số Rohingya ở Myanmar. “Tôi sợ rằng Facebook bây giờ đã biến thành một con quái vật”, điều tra viên của Liên Hiệp Quốc tại Myanmar, Yanghee Lee cho biết.

- Tháng 4-2018: Facebook bí mật đàm phán với các bệnh viện để họ chia sẻ dữ liệu y tế riêng tư của bệnh nhân.

- Tháng 9-2018: Tin tặc đã giành được quyền truy cập vào khoảng 30 triệu tài khoản Facebook.

- Tháng 11-2018: Facebook thừa nhận họ đã không làm đủ để ngăn chặn nền tảng của mình trở thành một công cụ kích động bạo lực diệt chủng ở Myanmar. Một báo cáo của New York Times tiết lộ Facebook đã thuê một công ty PR để thử và làm mất uy tín của các nhà phê bình bằng cách tuyên bố họ là đặc vụ của tỉ phú George Soros.

- Tháng 10-2018: Cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi của Brazil đã bị hủy bởi những tin tức giả mạo ngoài tầm kiểm soát và thông tin sai lệch lan truyền trên WhatsApp và Facebook.

- Tháng 12-2018: Facebook thừa nhận lỗ hổng trong Photo API đã làm rò rỉ hình ảnh riêng tư của hơn 68 triệu người dùng. Bạn đọc quan tâm có thể kiểm tra xem mình có nằm trong danh sách ảnh hưởng hay không bằng cách truy cập vào liên kết http://bit.ly/fb-photo-api

Cũng trong thời gian này, Damian Collins, chủ tịch ủy ban DCMS (Ủy ban kĩ thuật số, văn hóa, truyền thông và thể thao) đã xuất bản 250 trang tài liệu bí mật của Facebook. Các email nội bộ cho thấy Facebook và Zuckerberg đã cân nhắc việc bán dữ liệu người dùng, cạnh tranh với các đối thủ khác và ưu tiên sự thống trị của Facebook. 

Mới đây, Washington DC đã đệ đơn kiện gã khổng lồ công nghệ Facebook vì đã cho phép Cambridge Analytica lấy dữ liệu cá nhân của hàng chục triệu người dùng mà không có sự cho phép của họ. Karl Racine, một luật sư cho biết Facebook đã thất bại trong việc bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.

Giá trị bạn nhận được từ Facebook có thực sự đáng để từ bỏ tất cả dữ liệu hay không? Bạn có cảm thấy thoải mái khi sử dụng một nền tảng giúp kích động nạn diệt chủng ở Myanmar?

Vào tháng 3-2018, sau vụ bê bối Cambridge Analytica, Facebook đã đưa ra các quảng cáo in có nội dung: “We have a responsibility to protect your information”, tạm dịch chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ thông tin của bạn. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn trái ngược khi hết lần này đến lần khác, Facebook đã làm rò rỉ dữ liệu người dùng. 

Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết trên kynguyenso.plo.vn cho nhiều người cùng biết hoặc để lại bình luận khi gặp rắc rối trong quá trình sử dụng.

 

Đọc thêm