Mỹ đau đầu với hàng công nghệ giả

Mỹ đau đầu với hàng công nghệ giả ảnh 1

Edward Dimmler, giám đốc phụ trách kho của công ty phân phối hàng điện tử PCX nhúng miếng gạc bông vào dung dịch acetone rồi sát lên bề mặt chip máy tính có vẻ bề ngoài được sản xuất bởi Samsung. Đầu màu trắng của chip chuyển sang màu đen, dấu hiệu đầu tiên cho thấy linh kiện này có thể là hàng giả. Edward soi con chip đó dưới kính hiển vi và phát hiện thấy chữ Samsung bị đốm bẩn ở mép trên của chip, như vậy con chip này không đủ tiêu chuẩn bán ra.

Trong 5 năm qua, chip máy tính, định tuyến và các sản phẩm công nghệ điện tử giả đã “trở thành đại dịch”, Gil Aouizerat, giám đốc điều hành của PCX nói vậy. Các linh kiện CNTT giả đang khiến ngành công nghiệp CNTT Mỹ thất thu ước tính khoảng 100 tỷ USD mỗi năm, theo Hiệp hội các nhà phân phối điện tử Mỹ (NEDA).

Trung Quốc là nguồn cung cấp nhiều hàng điện tử giả đến thị trường Mỹ, theo báo cáo của Bộ Công thương của Mỹ. Trong nhiều trường hợp, hàng giả là đồ tái chế từ linh kiện phế thải. Ví dụ, những người làm hàng giả tháo dỡ bo mạch chủ, khôi phục lại các linh kiện rồi đánh bóng các linh kiện đó để xóa bỏ ghi nhãn. Sau đó, họ in lại ngày tháng, tên thương hiệu và mã sản phẩm. Các linh kiện này được chuyển tới đến các chợ điện tử đầu mối và các kênh trung gian khác trước khi được phân phối trên toàn cầu bởi các nhà phân phối.

Mỹ đau đầu với hàng công nghệ giả ảnh 2

Các linh kiện CNTT giả đang khiến ngành công nghiệp CNTT Mỹ thất thu ước tính khoảng 100 tỷ USD mỗi năm.

Phát hiện hàng giả không phải là dễ. Dimmler cho biết với mắt thường, các linh kiện điện tử giả trông như thật. Để phát hiện, PCX phải đầu tư kính hiển vi cao cấp để soi những chi tiết nhỏ như vị trí đặt logo, độ khít của mối hàn chân không hay độ sâu của chữ khắc a xít trên bề mặt chip.

Tuy nhiên, việc làm giả ngày càng phức tạp hơn. Những kẻ làm hàng điện tử giả còn tìm cách che giấu một cách tinh vi những công việc thủ công của họ. Ví dụ, một số kẻ làm hàng giả giữ lại lớp vỏ gốc của chip sau đó gắn chúng lên chip giả để kiểm tra bằng acetone vẫn không thể phát hiện được giả mạo.

Các nhà phân phối không thể kiểm tra hết các sản phẩm linh kiện họ bán ra. Ví dụ, PCX cho biết số sản phẩm và linh kiện điện tử được kiểm tra acetone và các cách kiểm tra khác chỉ chiếm 10% số hàng họ nhập về phân phối hàng ngày.

Intel, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, đã phát triển phần mềm giúp các khách hàng nhận dạng bộ vi xử lý bên trong máy. Phần mềm này đã giúp Intel phần nào đối phó được với vấn nạn chip giả tràn lan suốt những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, theo Chuck Mulloy, người phát ngôn của Intel nói.

Các cơ quan quản lý Mỹ đang tìm cách đối phó với vấn nạn hàng điện tử giả. Bộ Quốc phòng và Cơ quan không gian vũ trụ Mỹ (NASA) đã tạo ra các tiêu chuẩn giúp người dùng tránh mua phải hàng giả. Còn Bộ Thương mại thông báo sẽ lập danh sách đen về các nhà phân phối bị phát hiện đã bán sản phẩm và linh kiện điện tử giả.

Theo Quốc Cường (ICTnews /Businessweek)

Đọc thêm