Mỹ, Ai Cập bắt giữ nhiều tội phạm lừa đảo trực tuyến

Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) cho biết 33 người đã bị bắt giữ trên toàn lãnh thổ nước Mỹ vào sáng ngày 7/10. Trong khi đó, chính quyền Ai Cập cũng đã bắt giữa hơn 47 người dính líu đến âm mưu lừa đảo này.

Tổng cộng 53 nghi phạm đã bị buộc tội tham gia lừa đảo trong một bản cáo trạng gửi lên Ủy ban bồi thẩm đoàn liên bang, FBI tuyên bố.

Nhà chức trách cho biết bọn tội phạm đã thu thập thông tin dữ liệu nhận dạng của hàng ngàn nạn nhân để đánh lừa các ngân hàng Mỹ.

Các vụ bắt giữ vào ngày 7/10 vừa qua được xem là đỉnh cao của chiến dịch điều tra quốc tế ròng rã suốt 2 năm có tên "Operation Phish Phry". Đây là hoạt động chung đầu tiên của Mỹ và Ai Cập trong lĩnh vực tội phạm công nghệ cao.

Trong báo cáo, vụ việc được miêu tả là cuộc điều tra tội phạm công nghệ cao lớn nhất từ trước đến nay tại Mỹ.

Một loạt các vụ vây bắt hôm 7/10 đã diễn ra tại Nam California, Nevada, Bắc California và Ai Cập.

Bản cáo trạng dài 51 trang cáo buộc tất cả các bị cáo với tội danh chuyển tiền bất hợp pháp và gian lận ngân hàng. Một số tên còn bị cáo buộc ăn cắp dữ liệu nhận dạng và tội phạm máy tính

Theo một bản cáo trạng vừa được công bố, bọn tin tặc Ai Cập đã sử dụng các email dẫn các nạn nhân trực tiếp đển những website ngân hàng giả mạo. Tại đó, chúng yêu cầu họ cung cấp số tài khoản, sau đó chúng sẽ tấn công vào các tài khoản này tại hai ngân hàng Mỹ.

Một khi các tài khoản này bị thâm nhập, bọn hacker tại Ai Cập sẽ liên lạc với đồng phạm đang có mặt tại Mỹ thông qua các tin nhắn, các cuộc điện thoại và phòng chat trên mạng để dàn xếp việc chuyển khoản tiền mặt đến các tài khoản phi pháp.

Ông George Cordona, một luật sư tại Los Angeles cho biết: “Vụ lừa đảo quốc tế này có một tác động đáng kể đối với hai ngân hàng lớn và gây ra đau đầu cho hàng trăm, có lẽ hàng ngàn khách hàng của ngân hàng”.

“FBI là một cơ quan an ninh quốc gia và thực thi pháp luật, điều đó có nghĩa chúng tôi có thể và cần phải quan tâm đến mọi góc độ của một vụ án công nghệ”, giám đốc FBI, ông Robert Mueller khẳng định.

“Điều này rất quan trọng, bởi những gì có thể bắt đầu từ một cuộc điều tra hình sự có thể dẫn đến một mối đe dọa an ninh quốc gia. Vào lúc bắt đầu điều tra một vụ án công nghệ, chúng tôi không biết liệu chúng tôi đối phó với một tên gián điệp, một công ty tay trong hay một nhóm tội phạm có tổ chức”.

Xem ra tài chính là động lực thúc đẩy các băng nhóm tội phạm lừa đảo. FBI cho biết băng nhóm này đã truy cập vào hàng trăm, và có thể hàng ngàn tài khoản rồi sử dụng chúng để chuyển khoảng 1,5 triệu USD đến các tài khoản không có thật.

Ông Mueller cũng nhấn mạnh qua vụ việc này các doanh nghiệp và người dùng nên nâng cao trách nhiệm trong việc đảm bảo các dữ liệu của họ phải được bảo vệ an toàn trên mạng. Ông Mueller cho rằng tất cả mọi người nên sử dụng tường lửa, phần mềm chống vi rút và những mật khẩu đủ mạnh.

“Bọn tội phạm công nghệ xem ra có thể không có thật cho đến khi chúng tấn công bạn”, ông Mueller nói “Nhưng tất cả các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và mạng lưới chính phủ đang đóng một vai trò trong an ninh quốc gia. Những gì trông giống với một âm mưu lừa đảo “phishing” thông thường có thể là một hoạt động của nhóm khủng bố trong nỗ lực tăng nguồn tài trợ cho một kế hoạch mà chúng đang nhắm đến”.

Tuy nhiên công việc điều tra đang trở nên khó khăn khi vừa mới đây, hàng nghìn tài khoản Hotmail của Microsoft bị tiết lộ và công bố trên một trang web.

Gã khổng lồ về lĩnh vực phần mềm của Mỹ Microsoft cho biết rõ ràng bọn tin tặc đã sử dụng thủ đoạn “phishing” đánh lừa người sử dụng dịch vụ email trên nền web của hãng, khiến họ vô tình tiết lộ thông tin đăng nhập và tài khoản cho chúng.

Theo Dân Trí (Telegarph/Vnunet)

Đọc thêm