"Mô bai" ở thiên đường chuối

Khi pin điện thoại “chết”, ông Rutagumirwa, một nông dân 50 tuổi, phải đi bộ hơn 4 dặm Anh để sạc nó. Nhờ đó ông có thể duy trì vai trò như một trung tâm thông tin, và là người theo dõi bệnh cây trồng giúp những người láng giềng nông dân của ông.

Ở một vùng đất nơi điện còn khan hiếm và kết nối Internet hầu như không tồn tại, điện thoại di động (ĐTDĐ) đã tạo ra một cuộc cách mạng trong khả năng theo dõi bệnh cây trồng và truyền những thông tin khoa học mới nhất từ rất xa đến với người nông dân.

Với chiếc ĐTDĐ, ông Rutagumirwa thu thập các các bức ảnh tự chụp, thiết lập tọa độ các cửa hàng nông sản nhờ hệ thống định vị toàn cầu và hoàn thành 50 câu hỏi điều tra các nông dân xung quanh về bệnh cây trồng. Ông gửi những dữ liệu này, kết nối không dây và ngay tức thì, cho các nhà khoa học ở thủ đô Kampala.

“Chúng tôi chưa từng có bất cứ khái niệm nào về việc tiếp nhận thông tin qua ĐTDĐ”, ông Rutagumirwa nói. “Nó đã từng là một bí ẩn. Giờ đây trí tuệ của chúng tôi được mở rộng”.

Châu Phi có thị trường ĐTDĐ phát triển nhanh nhất thế giới. Các nhà thầu và các tổ chức phát triển đang hăm hở đổ về đây để nắm bắt thời cơ kinh doanh. Họ tạo ra các ứng dụng trên ĐTDĐ để kiếm tiền, và cũng có cả những dự án phi lợi nhuận trên khắp lục địa đen. Hàng triệu người châu Phi, để ví dụ, hiện đang sử dụng ĐTDĐ để chuyển tiền, mở van nước tưới tiêu tự động, cập nhật tỷ số bóng đá và mua bán hàng hóa.

ĐTDĐ thâm nhập vào châu Phi nhanh hơn Internet rất nhiều, đặc biệt ở các vùng nông thôn, khiến chúng trở thành công cụ liên lạc dễ tiếp cận nhất – nhận xét của Jon Gossier, sáng lập kiêm chủ tịch Appfrica, một công ty công nghệ có trụ sở ở Uganda.

Một số dự án cáp biển mới hoàn thành gần đây, kết nối Đông Phi với Internet băng thông rộng toàn cầu, đã làm tăng hy vọng cải thiện tốc độ truy cập Web nơi đây. Nhưng ông Gossier cho rằng các ứng dụng nhắn tin di động sẽ còn cần đến trong vài năm nữa. “Việc phát triển Internet thực sự có ích, lưu ý rằng nội dung web địa phương luôn đi chậm hơn sự giảm giá cước, có thể sẽ phải cần tới hơn 1 năm”, ông nói.

“Tôi không cho rằng các ứng dụng ĐTDĐ hiện tại sẽ bị lãng quên”, ông Gossier nói. “Nhưng tôi tin chúng ta sẽ được chứng kiến một thế hệ các ứng dụng mới phát triển trên toàn châu Phi, bao gồm cả những ứng dụng trên nền tảng web”.

Theo dõi bệnh cho cây chuối và dạy kỹ năng bảo vệ cây trồng cho nông dân là một trong số các ứng dụng trên ĐTDĐ đang được thử nghiệm tại Uganda bởi quỹ Grameen Foundation, một qũy phi chính phủ chống đói nghèo bằng hoạt động tài chính vi mô và công nghệ mới.

Grameen hợp tác với mạng điện thoại lớn nhất Uganda MTN để tạo ra AppLab Uganda - một sáng kiến tìm cách sử dụng công nghệ di động để cải thiện cuộc sống người nông dân.

“Người dân đã có điện thoại trong túi của họ, đã cần có thông tin, và một số tổ chức đã bắt đầu cũng cấp thông tin”, ông Eric Cantor, giám đốc của chương trình, nói. “Chúng tôi đang đẩy nhanh quá trình kết nối”.

"Xây dựng các ứng dụng cho nông nghiệp có vẻ rất hợp lý ở một quốc gia có đa số diện tích là nông thôn và dựa chủ yếu vào các nông trại nhỏ", ông nói.

Ông Rutagumirw là một trong số vài trưởng thôn được đào tạo bởi Grameen để điều tra và dạy kỹ năng trồng trọt, cũng như các phương pháp chữa bệnh cho cây chuối thích hợp. Trong những năm gần đây, sự lan rộng của hai loại dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vụ mùa chuối ở Đông Phi, đe dọa an ninh lương thực và cả “kế sinh nhai” của 30 triệu người nông dân, theo ước tính của Viện Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế.

Ông Rutagumirwa dùng thiết bị định vị toàn cầu để thu thập thông tin, với dòng chữ "Ask Me!" trên ngực áo.
Ông Rutagumirwa dùng thiết bị định vị toàn cầu để thu thập thông tin, với dòng chữ "Ask Me!" trên ngực áo.

Chỉ riêng ở Uganda, chuối bao trùm khoảng 40% đất nông nghiệp và là nông sản chủ lực cho hơn 12 triệu người. Thiệt hại từ bệnh trên cây chuối ước tính từ 70 đến 200 triệu USD mỗi năm.

Ở hai nước láng giềng là Rwanda và Cộng hòa Dân chủ Congo, một loại bệnh khác gọi là “bó ngọn chuối” cũng tàn phá thảm hại những mùa vụ. Bệnh này chưa được tìm thấy ở Uganda, nhưng chính quyền nước này đã lên tiếng cảnh báo người nông dân.

Một khi “bó ngọn chuối” đã lây lan ở một khu vực, nó gần như không thể diệt trừ. “Sử dụng ĐTDĐ để kết nối những người nông dân ở xa nhất với các nhà khoa học ở thủ đô Kampala sẽ cho một phạm vi theo dõi bao la và cải thiện khả năng ngăn chặn sự tàn phá của “bó ngọn chuối” ”, ông Idd Ramathanni, một nhà vi trùng học thuộc Viện Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế ở Uganda, nói.

“Ngăn ngừa bệnh tốt hơn là chữa trị khi nó đã đến đây”, ông nói.

David Bangirana, một trưởng thôn được đạo tạo bởi Grameen khác, nói rằng ông thấy tiềm năng trong việc sử dụng mạng lưới những trưởng thôn sử dụng ĐTDĐ như chính ông. Họ có thể dạy kỹ năng nông nghiệp và thu thập dữ liệu ở các làng bản xa xôi, không chỉ về bệnh cây chuối.

Ông Bangirana, năm nay đã 60 tuổi, một cựu giáo viên và là trưởng thôn, mặc chiếc áo phông màu vàng tươi với dòng chữ “Ask Me!” (hãy hỏi tôi) trên ngực. Những người dân địa phương bây giờ tìm đến ông khi cần hỏi về làm nông nghiệp và các vấn đề về sức khỏe cây trồng. Và ông có thể nhanh chóng tìm được hầu hết các câu trả lời nhờ sử dụng tin nhắn Google và các dịch vụ di động khác.

Ông cho biết đôi khi ông mang chiếc ĐTDĐ đi đến các trường tiểu học để cho bọn trẻ thấy tính vô hạn thông tin có trên “cái a-lô” nhỏ bé.

“Việc sử dụng điện thoại di động”, ông Bangirana nói, “đã trao cho cộng đồng quyền được biết những thứ họ chưa từng biết và hỏi bất cứ câu hỏi nào liên quan đến mọi thứ xung quanh”.

Theo Dân Trí (The New York Times)

Đọc thêm