Mất 4-5 năm để chuyển lên IPv6

Mất 4-5 năm để chuyển lên IPv6 ảnh 1

Trước năm 2020, mạng Internet Việt Nam sẽ được chuyển đổi sang địa chỉ IPv6. Ảnh: Thanh Hải

Ngày 29/3, Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp đã ký Quyết định số 433/QĐ-BTTTT ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 để bảo đảm trước năm 2020 toàn bộ mạng lưới và dịch vụ Internet Việt Nam được chuyển đổi sang công nghệ này. Phóng viên Báo Bưu điện Việt Nam đã phỏng vấn ông Trần Minh Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) về việc triển khai kế hoạch hành động này.

Thưa ông, việc ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 có ý nghĩa như thế nào?  

Việc ra đời quyết định này đúng vào thời điểm “nước sôi lửa bỏng” của giai đoạn cạn kiệt IPv4 và có tác động rất lớn. Nó thể hiện sự quyết tâm của Việt Nam trong việc duy trì và phát triển mạng lưới Internet. Ngoài ra, quyết định này cũng thể hiện quyết tâm hội nhập quốc tế trong việc chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6.

Quan trọng nhất, nó thể hiện ý chí của cả quốc gia trong công tác chuyển đổi này để hoàn thành các mục tiêu bảo đảm trước năm 2020 toàn bộ mạng lưới và dịch vụ Internet Việt Nam được chuyển đổi để hoạt động một cách an toàn, tin cậy với địa chỉ IPv6 (tương thích với công nghệ IPv6).

Mất 4-5 năm để chuyển lên IPv6 ảnh 2

Ông Trần Minh Tân

Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 đã giao nhiệm vụ cho các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) phải xây dựng kế hoạch, chiến lược cụ thể, tiến tới nghiên cứu có các dịch vụ trên nền IPv6 cung cấp cho cộng đồng. Cuối tháng 4, Ban chỉ đạo quốc gia về IPv6 sẽ tổ chức cuộc họp để thông báo lộ trình trong giai đoạn cuối, phổ biến kế hoạch hành động và giao nhiệm vụ cho các ISP.

Mục tiêu quan trọng nhất của giai đoạn 1, giai đoạn chuẩn bị (từ 2011-2012) là gì, thưa ông?

Mục tiêu lớn nhất của giai đoạn 1 là xây dựng mạng thử nghiệm IPv6 quốc gia. Trong đó, quan trọng nhất chính là mạng trung chuyển lưu lượng Internet quốc gia. VNNIC đã xây dựng xong mạng thử nghiệm này và sẵn sàng để các ISP có cơ sở hạ tầng đấu nối vào trên diện rộng. Hiện tại, các nhà cung cấp như Netnam, Viettel, VTC, EVN, SPT là đã kết nối vào mạng IPv6 quốc gia, trong khi 2 ISP lớn là VDC và FPT vẫn chưa triển khai. Trong thời gian tới, tất cả các doanh nghiệp ISP sẽ đều phải khẩn trương kết nối.

Ngoài ra, giai đoạn 1 cũng nhấn mạnh đến việc các hệ thống Mạng chuyên dụng cho các cơ quan Đảng, Nhà nước phục vụ hành chính công phải hỗ trợ IPv6. Bên cạnh đó, các dự án công nghệ thông tin sử dụng ngân sách nhà nước phải đi đầu trong việc sẵn sàng hỗ trợ IPv6 để các đơn vị khác noi theo.

Thưa ông, liệu mục tiêu trước năm 2020 toàn bộ mạng lưới và dịch vụ Internet Việt Nam được chuyển đổi để hoạt động với địa chỉ IPv6 có muộn quá hay không?

Dù mục tiêu là như vậy nhưng do xã hội luôn vận động, nếu giai đoạn 1 chúng ta thực hiện tốt mà thế giới chuyển đổi sang IPv6 rồi thì đương nhiên cũng phải chuyển theo. Tất nhiên, việc chuyển đổi không thể sớm trong 1,2 năm nữa mà phải mất 4,5 năm mới thực sự ổn định được.

Những yếu tố nào đảm bảo thành công việc chuyển đổi IPv6, thưa ông?

Yếu tố tác động mạnh nhất chính là sự cạn kiệt của IPv4, khi không còn địa chỉ để sử dụng buộc các doanh nghiệp phải có sự chuyển đổi lên IPv6. Ngoài ra, một yếu tố nữa chính là việc các ISP sẽ nghiên cứu triển khai dịch vụ gì trên nền IPv6 và sự cạnh tranh trong việc cung cấp dịch vụ. Nếu các ISP cung cấp được các dịch vụ mà trên nền IPv4 không sử dụng được như dịch vụ truyền hình, điện thoại... bảo mật, an toàn hơn thì đương nhiên mọi người sẽ chuyển sang dùng dịch vụ đó.

Từ đó, nhà cung cấp phải chuyển đổi để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, giống như VoIP ngày xưa, Viettel làm được thì các nhà cung cấp khác buộc phải làm theo để tranh nhau trên thị trường đó. Chính vì thế, nếu các ISP chưa cung cấp dịch vụ ra thì khó có thể thành công trong việc chuyển đổi lên IPv6 được.

Trong giai đoạn đầu, tôi hi vọng rằng các ISP có sự triển khai, hợp tác quốc tế tốt với nước ngoài để triển khai dịch vụ. Từ đó, khi người dân sử dụng quen dịch vụ, các nhà cung cấp sẽ nhìn ra các hướng kinh doanh dịch vụ tốt và có doanh thu để thực hiện.

Xin cảm ơn ông!

Lộ trình chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6

Theo kế hoạch chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6, Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp đã yêu cầu các ISP phải nhanh chóng xây dựng, ban hành kế hoạch hành động IPv6 cụ thể của đơn vị mình phù hợp với kế hoạch chung quốc gia, xúc tiến mạnh các hoạt động thử nghiệm, chuyển đổi mạng lưới để từng bước cung cấp các dịch vụ trên nền IPv6 tới người dùng Internet Việt Nam; Các thành viên Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện việc đưa chuyên đề về IPv6 vào trong chương trình đào tạo của các ngành điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin của các trường Đại học theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo để chuẩn bị nguồn nhân lực được đào tạo cơ bản về IPv6 phục vụ cho công tác chuyển đổi IPv6 tại Việt Nam.

Lộ trình chuyển đổi chia thành ba giai đoạn:

- Giai đoạn 1 (Từ 2011- đến 2012): Giai đoạn chuẩn bị

- Giai đoạn 2 (Từ 2013- đến 2015): Giai đoạn khởi động

- Giai đoạn 3 (Từ 2016- đến 2019): Giai đoạn chuyển đổi

Theo Thế Phương (ICTnews)

Đọc thêm