Mạng nhỏ được phép "phá giá" cước di động

Mạng nhỏ được phép "phá giá" cước di động ảnh 1
Bộ TT&TT sẽ quy định cụ thể mức "phá giá"
Để đảm bảo bình đẳng trong cạnh tranh về giá cước liên lạc điện thoại di động, Bộ TT&TT sẽ chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng quy định riêng đối với việc tính cước viễn thông. Theo đó, Bộ TT&TT sẽ quản lý giá cước trong đó có cước ĐTDĐ trên cơ sở giá thành.

Sau khi xây dựng các phương án, Bộ sẽ lấy ý kiến doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ĐTDĐ để ban hành trong năm 2010.

Ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng vụ Viễn thông, Bộ TT&TT, cho biết: Bộ đang xây dựng phương án tính toán giá thành cước ĐTDĐ để áp dụng cho các doanh nghiệp viễn thông trên cơ sở đảm bảo mặt bằng chung cho tất cả các doanh nghiệp.

Theo đó, các doanh nghiệp phải thực hiện nguyên tắc không được bán phá giá (không được bán dưới giá thành), đặc biệt là doanh nghiệp khống chế thị trường. Các doanh nghiệp không thuộc diện này có thể được bán dưới giá thành nhưng Bộ sẽ quy định cụ thể mức độ “bán phá”.

"Theo tôi, sẽ không có một mức giá sàn theo nghĩa giá cuối cùng nhưng xét trên quan điểm nào đó, giá thành sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp chính là giá sàn mà doanh nghiệp không được bán dưới mức đó (phá giá)", ông Hải nói.

Về kinh nghiệm quản lý giá cước, ông Hải cho biết, tùy từng thị trường và tùy thuộc mức độ cạnh tranh mà mỗi nước có quy định cước đầu cuối (cước thu người sử dụng) hay không. Ví dụ, ở các nước phát triển, nhà nước không quy định giá cước thu ở người sử dụng mà do thị trường tự quyết định; ở các nước đang phát triển, nhà nước có thể quyết định cước hoặc ban hành khung giá.

Trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay ở Việt Nam, Bộ không “ép” doanh nghiệp về cước tức là không quản lý cước thu khách hàng, trừ doanh nghiệp thống lĩnh thị trường. Doanh nghiệp phải căn cứ vào nhu cầu thị trường, chất lượng dịch vụ và khả năng “sống sót” của chính mình để quyết định mức giá với người tiêu dùng miễn là không phá giá.

Hiện nay, Bộ không đưa ra mức giá cụ thể mà áp dụng hình thức đăng ký đối với doanh nghiệp khống chế thị phần (doanh nghiệp tự xây dựng phương án và báo cáo Bộ trước khi ban hành). Bộ xét thấy phương án đó không vi phạm nguyên tắc phá giá thì doanh nghiệp được phép ban hành.

Về một số ý kiến lo ngại doanh nghiệp có yếu tố đầu tư nước ngoài sẽ rót mạnh vốn để bán phá giá, làm phá vỡ thị trường, ông Hải giải thích: về kinh tế, không doanh nghiệp nào bán dưới giá thành vì sẽ lỗ. Nếu càng kinh doanh càng lỗ thì doanh nghiệp không tồn tại được. Doanh nghiệp chỉ có thể bỏ một số tiền để “đầu tư” bán dưới giá thành, khuyến mãi trong thời gian nhất định để thu hút khách hàng rồi phải bán trên giá thành.

Còn về vấn đề pháp lý, Luật viễn thông cấm việc bù chéo giữa các dịch vụ và dù là doanh nghiệp nào, đã kinh doanh tại Việt Nam đều phải thực hiện các quy định của nước sở tại nên không có chuyện doanh nghiệp bù chéo hay “tự do” rót tiền để bán phá giá dịch vụ kéo dài.

Ông Nguyễn Xuân Quân, Phó Tổng điều hành Vietnamobile:

Chuyện phá giá và cạnh tranh không lành mạnh chỉ xảy ra khi doanh nghiệp khống chế thị phần cạnh tranh bằng cách giảm giá để cản trở doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường hoặc làm phá sản doanh nghiệp nhỏ để thống lĩnh thị trường rồi quay lại “xử lý” người tiêu dùng. Còn không có chuyện doanh nghiệp nhỏ chiếm vài phần trăm thị phần có thể cạnh tranh để phá vỡ được cấu trúc của thị trường.

Để chống cạnh tranh không lành mạnh, cụ thể là chống lại việc doanh nghiệp lớn đã hết khấu hao giảm giá để “đẩy” doanh nghiệp nhỏ ra khỏi thị trường, cách tốt nhất và công bằng nhất cho tất cả các doanh nghiệp là nhà nước thẩm định giá thành của từng doanh nghiệp, từng sản phẩm do doanh nghiệp đó cung cấp và quy định doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế không được bán dưới giá thành còn đối với doanh nghiệp mới có thể được ân hạn trong 1, 2 năm đầu tham gia thị trường (do đầu tư lớn, khấu hao lớn, khách hàng nhỏ) được bán dưới giá thành nhưng không quá bao nhiêu phần trăm.

Theo Hà Phương (VNN)

Đọc thêm